Chuyện một người trồng thanh long ở Yên Bình: Tình cờ làm nên bất ngờ

Chuyện một người trồng thanh long ở Yên Bình: Tình cờ làm nên bất ngờ
3 giờ trướcBài gốc
Chị Nguyễn Thị Dự thu hoạch thanh long.
200 trụ cho thanh long leo bám cũng do anh Sức tự đúc lấy: "Đâu có khó gì, mỗi trụ hình vuông có kích cỡ 15 x 15 cm, cao 2 mét thì đóng sâu xuống đất 0,4 mét, trụ có cốt thép thì mới vững được. Về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thì cũng cứ tự làm, tự rút kinh nghiệm là chính”.
Trong thôn, trong xã lúc ấy cũng đã có người trồng thanh long nhưng chưa thành mô hình. Ngay từ lúc xin thanh long về trồng, anh Sức luôn nghĩ rằng mình sẽ thành công. Anh nói thế vì bản thân đã xác định, dùng diện tích 4 sào lúa để trồng cây thanh long thì nhất định phải làm sao để thanh long phát triển lâu dài, để thanh long phải cho giá trị kinh tế hơn lúa.
Cây thanh long là loại cây dễ chăm sóc, không cần nhiều công như cây lúa. Với quan điểm tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ ở vườn thanh long nên anh chị chỉ thường xuyên sử dụng máy cắt cỏ. Lượng cỏ này, anh chị để dành nuôi trâu thịt, lúc nhiều có 12 con, lúc ít thì 6 con trong chuồng nhà. Nguồn phân bón gồm phân trâu, phân gà được anh chị ủ khô cùng trấu để bón cho vườn thanh long. Lượng phân chuồng đủ để bón cho thanh long vì tiến hành bón theo đợt, cứ khoảng 40 gốc/đợt. Hợp với phân chuồng nên thanh long cho quả ngọt.
Thực hiện không lãng phí đất và tích cực quay vòng sản xuất, sử dụng triệt để các sản phẩm hỗ trợ nhau sinh trưởng và phát triển, dưới 200 gốc thanh long, anh chị luân phiên trồng 1 vụ vừng, 2 vụ lạc, 1 vụ sắn cùng với cây ổi, khoai sọ, rau ngót, rau đay. Từ khi trồng đến nay, thực tế là vườn thanh long của nhà anh rất ít bệnh, chủ yếu hay bị nấm trắng.
Để xử lý bệnh này, anh chị hỏi kinh nghiệm của những người dân ở xã Tiên Cáo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang vì cả làng đó trồng thanh long. Khi cây mắc bệnh nấm, anh chỉ cầm 1 đoạn cây đó sang hỏi là người ta sẽ chỉ cho biết nên mua loại thuốc nào.
Với sự chỉ dẫn này, anh chị đã làm theo và chỉ sau 2 lần phun là khỏi luôn. Cây thanh long trồng 1 năm đã cho lứa quả bói. Năm bói quả, số lượng quả tuy ít nhưng quả to, ngọt. Từ những năm sau đó, cây cho nhiều quả hơn vì đã ra nhiều cành hơn nhưng quả vẫn to, vẫn ngọt như năm đầu. Vườn thanh long của nhà anh chị cho thu từ tháng 5 đến hết tháng 10 âm lịch hàng năm, kéo dài trong 6 tháng. Mỗi tháng, vườn thanh long cho 1 lứa quả.
Cứ thế, thanh long cho quả suốt nửa năm vì nụ, hoa, quả non, quả xanh, quả chín theo nhau lần lượt xen gối. Thanh long trồng trên đất lúa đã cho gia đình anh chị thu về mỗi năm khoảng 12 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, từ các loại cây trồng trong vườn thanh long, mỗi năm mang về cho anh chị chừng 15 triệu đồng.
Anh Sức nói: "Thanh long cho gia đình tôi thêm thu nhập nhờ đã học từ nhiều người. Vì vậy, tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm cho người khác nếu họ cũng muốn trồng thanh long”.
Tính bình quân, năng suất thanh long đạt 1 tạ quả/1 lứa/tháng. Chị Dự bán thanh long ở chợ xã họp vào thứ 2, thứ 4, thứ 7 mỗi tuần, giá bình quân được 15.000 đồng/kg. Với khoảng 60% lượng quả thu được mỗi lứa bán về Hà Nội, anh chị bán được mức giá cao hơn là 25.000 đồng/kg. Khách hàng ưa chuộng thanh long này bởi đảm bảo an toàn, vị ngọt, mùi thơm, tươi và giá cả phải chăng.
Nguyễn Thơm
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/210/330515/chuyen-mot-nguoi-trong-thanh-l111ng-o-yen-binh-tinh-co-lam-nen-bat-ngo-.aspx