Chuyện một nữ đại tá con quan, vợ tướng

Chuyện một nữ đại tá con quan, vợ tướng
4 giờ trướcBài gốc
1. Nghe các bạn ở CLB Giữ Lửa Truyền Thống báo tin Giáo sư - Bác sĩ Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Toản (người từng là bà đỡ cho nhiều đứa bé con bộ đội) đã từ giã cuộc đời, ký ức của tôi bỗng bật ngay ra kỷ niệm lần đầu tiên gặp bà ở Hà Nội sau năm 1980. Lần đó tôi từ TP.HCM ra Hà Nội công tác kết hợp việc gia đình, tình cờ Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị bố trí đi chung chuyến xe với bà lên nghĩa trang Văn Điển thăm mộ chồng bà - Trung tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là bà rất đẹp, gương mặt thông minh, dáng vẻ và cử chỉ rất dịu dàng. Bà chủ động hỏi chuyện tôi, rằng bà được Cục Cán bộ cho biết người đi chung xe với bà là phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, con của một đại tá đã hy sinh ở chiến trường miền Nam, hiện sống ở TP.HCM. Bà nói: “Chú Khánh nhà cô qua được bom đạn chiến trường nhưng không qua được bệnh tật nên đã mất năm 1980. Còn cô hiện là chủ nhiệm khoa sản Bệnh viện Quân đội 108”.
Bỗng dưng tôi cảm thấy gần gũi bà hơn vì cả hai cô cháu đều là gia đình quân nhân. Khi chia tay bà Toản nói, có dịp ra Hà Nội công tác thì đến nhà cô chơi. Cũng chẳng hiểu sao mà từ sau lần đó rất lâu tôi không có dịp gần gũi, trò chuyện lâu với Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản. Nhiều năm sau, khi đến chơi nhà bà Nguyễn Thị Ngọc Trai, Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, tôi mới tình cờ gặp lại bà Toản, mới biết hai bà là chị em ruột.
2. Tuy không được gặp gỡ Giáo sư Toản nhiều nhưng nghề báo đã giúp tôi khám phá nhiều câu chuyện về gia đình đặc biệt của bà. Trước hết là về mối lương duyên rất đẹp giữa thầy giáo Cao Văn Khánh trường Quốc Học Huế và cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Thị Ngọc Toản đã dẫn đến đám cưới có một không hai tại chính căn hầm của tướng De Castries chỉ 15 ngày sau chiến thắng Điện Biên vang dội.
Chú rể là Đại tá, Đại đoàn phó Đại đoàn 308 - người sau này là Trung tướng, được Đại tá Nguyễn Chấn, một cựu binh Điện Biên Phủ gọi là “một trong số ít vị tướng tài của dân tộc ta, là Chiến Tướng, Trí Tướng, Nhân Tướng, Danh Tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Cô dâu là sinh viên y khoa (khóa Việt Bắc của thầy Tôn Thất Tùng) đang làm nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh ở mặt trận Điện Biên - người sau này trở thành đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, giáo sư đầu ngành sản khoa, tác giả của 20 đầu sách về sức khỏe sinh sản, từng là Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam.
Ông bà Cao Văn Khánh - Nguyễn Thị Ngọc Toản cùng các con mùa hè 1971. Ảnh: TLGĐ
Trong rất nhiều trang báo của Việt Nam vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024) người ta thấy tràn ngập cụm từ “cô dâu Điện Biên” và hình ảnh đám cưới của hai vợ chồng bà Toản trẻ trung trong bộ quân phục. Dường như người ta đã tạm quên hình ảnh bà trong vai trò là một trong những người đầu tiên vận động thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. “Bệnh án da cam” đầu tiên do chính tay bà chuẩn bị và gửi đi làm bằng chứng khi Việt Nam quyết định khởi kiện các nhà máy hóa chất của Mỹ là bệnh án của nguyên Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Dương Quỳnh Hoa.
Bà Toản từng đi tới khắp các kho tập kết chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh như Biên Hòa (Đồng Nai), A Sao, A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Phù Cát (Bình Định)… để tìm hiểu và thu thập những “bằng chứng da cam”. Trong những chuyến đi này, bà và các đồng nghiệp đã phát hiện sự thật kinh hoàng: có những nơi nồng độ nhiễm độc dioxin cao gấp cả ngàn lần mức cho phép và còn không ít người dân vẫn đang phải sống ở những nơi có nguy cơ nhiễm dioxin cao.
Theo số liệu của các nhà khoa học Mỹ, từ năm 1961 đến năm 1971, đã có khoảng 80 triệu lít hóa chất độc, chứa gần 400 kg dioxin được rải xuống Việt Nam. Đã có khoảng gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam. Với liều lượng 1 nanogram (một phần tỷ gram) dioxin đã có thể gây ra bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người và di truyền tới đời con cháu.
Trên báo chí bà từng tâm sự: “Cuộc chiến chống lại chất độc da cam không chỉ là việc chúng ta kiện các công ty hóa chất của Mỹ, mà quan trọng hơn là, mỗi người Việt Nam (kể cả các nhà lãnh đạo) phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự quan tâm của mình đối với những người bị nhiễm chất độc da cam”. Những lúc cảm thấy mệt mỏi thậm chí nản lòng trước những quan niệm phiến diện về chiến tranh, về nỗi đau da cam của những người đương thời, bà tự nhủ “đã có biết bao nhiêu người ngã xuống để có cuộc sống hôm nay, mình còn sống thì còn phải chiến đấu”. Với mối quan hệ rộng của mình, bà đã kết nối được với nhiều bạn bè quốc tế để cùng đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam. Đến nay, mạng lưới các nhà khoa học trong và ngoài nước hoạt động tích cực trong lĩnh vực này đã lên tới hàng trăm người.
Khi không còn vướng bận chức trách quản lý, dù tuổi đã cao, bà vẫn quyết liệt dấn thân vào con đường đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam, con đường mà bà và thầy giáo Tôn Thất Tùng cùng một số đồng nghiệp từ bốn chục năm trước đã khẳng định phải vạch ra, phải đi tới. Bằng uy tín khoa học và bằng kỹ năng ngoại ngữ, bà đã thực hiện rất nhiều buổi nói chuyện tại Pháp, tại Mỹ về thứ chất độc khủng khiếp mà quân đội đối phương đã rải xuống Việt Nam, để lại nỗi đau cho những người bị nhiễm độc hóa học hàng chục năm sau cuộc chiến, phải đối mặt với bệnh tật, đói nghèo và những đứa con dị dạng...
Giáo sư - Bác sĩ Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Toản ở tuổi 95 trong lần trở lại Điện Biên, tháng 5.2024. Ảnh: CTV
Trong những buổi nói chuyện trong và ngoài Việt Nam, “cô dâu Điện Biên”, nhà khoa học đầu ngành về sức khỏe sinh sản cũng nói về nỗi đau của chính mình, về cái chết của người chồng ở tuổi 63 (trong chiến tranh ông thường qua lại mặt trận A Lưới nơi cây rừng trụi lá vì chất dioxin Mỹ rải dày đặc) và đứa con trai út mới ngoài 30 tuổi cùng một căn bệnh ung thư gan có nguồn gốc từ chất da cam dioxin…
Bà nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi mất 7 ngày đã viết thư lên án Tổng thống Mỹ Nixon dùng chiến tranh hóa học hủy diệt nòi giống và môi trường Việt Nam. Bạn thân của bà, nhà văn Mỹ Lady Borton, đã tìm được bức thư ấy, trong đó có những đoạn tự tay Bác Hồ chữa bằng mực đỏ. Nước mắt của nhiều người Mỹ đã rơi xuống trong những cuộc nói chuyện của bà…
3. Trong trang Giữ lửa truyền thống có nhiều kỷ niệm và tình cảm được chia sẻ chân thành giữa những người có điểm chung là gia đình bộ đội. Tôi đã đọc được ở đó câu này khi hay tin Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản ra đi ở tuổi 95: “Cô Toản là thế hệ bác sĩ, giáo sư quân đội đáng tự hào đã cống hiến cả cuộc đời, suốt ba cuộc kháng chiến, vì người bệnh thân thương, vì nhân dân mình”. Người giáo sư, bác sĩ - vị đại tá đó là con gái của một quan đại thần triều Nguyễn, Thượng thư Tôn Thất Đàm, từng là tri phủ Nghệ An.
Trong gia đình quan lại phong kiến ấy, con cái đã rủ nhau xếp bút nghiên tham gia các hoạt động yêu nước ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám. Họ đã lên căn cứ, ra mặt trận và đóng góp trọn sức mình cho đất nước và nhân dân. Vợ chồng bà Tôn Nữ Thị Cung - Giáo sư - Bác sĩ Anh hùng Đặng Văn Ngữ. Vợ chồng bà Tôn Nữ Thị Lưu - kỹ sư Nguyễn Văn Thao, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Vợ chồng bà Tôn Nữ Ngọc Trai - Giáo sư Nguyễn Hồng Phong, nguyên Viện trưởng Viện Sử học. Vợ chồng bà Tôn Nữ Ngọc Toản - Trung tướng Cao Văn Khánh. Giáo sư Tương Lai. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Cao Bảo Vân… Mặc cho đôi lời chì chiết thi thoảng lại tung ra từ đâu đó, tất cả họ đều không quên mình xuất thân từ đâu nhưng cũng không quên mình cần có trách nhiệm thế nào với nhân dân và đất nước.
Nguyễn Thế Thanh
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/chuyen-mot-nu-dai-ta-con-quan-vo-tuong-46551.html