Chuyện một nữ nông dân làm giàu từ vùng đất hoang

Chuyện một nữ nông dân làm giàu từ vùng đất hoang
5 giờ trướcBài gốc
Cách đây 16 năm, gia đình chị Hiên rời thôn Phú Thọ đến lập nghiệp tại vùng đất sình lầy thuộc cánh Đồng Sau, thôn Thọ Nhạn - nơi khi ấy còn hoang hóa, ít người lui tới. Với quyết tâm phát triển kinh tế theo chủ trương của xã, chị đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi lợn thương phẩm - một hướng đi không dễ dàng giữa vùng đất từng bị xem là “khó sinh lời”.
Trang trại được cấp giấy chứng nhận là mô hình chăn nuôi sạch cấp tỉnh do vị trí cách biệt khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn dịch bệnh.
Chị Hiên giới thiệu vườn bưởi chín trĩu quả đang cho thu hoạch tại trang trại
Chăn nuôi hiện đại và quy củ
Dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại rộng hơn 2 sào, chị Hiên giới thiệu kỹ lưỡng từng khu vực: chuồng nuôi, kho cám, khu vực bảo quản vắc-xin, phòng sát trùng… Bảng nội quy, quy trình chăm sóc, lịch làm việc được treo rõ ràng. Ngoài cổng, biển hiệu “Không phận sự miễn vào” nhắc nhở khách tuyệt đối tuân thủ quy định nhằm ngăn ngừa mầm bệnh từ bên ngoài.
Từng bước đi vào khu chăn nuôi đều phải qua lớp vôi tươi rải dày để sát trùng. Từ yêu cầu bắt buộc mang giày riêng, đến việc rửa sạch máng ăn sau mỗi lần cho ăn, quy trình được kiểm soát chặt chẽ như trong các mô hình trang trại công nghệ cao.
Trang trại hiện có 20 ô chuồng, mỗi ô nuôi từ 18-20 con lợn thịt. Ngoài ra, chị còn nuôi 10 nái sinh sản. Trung bình mỗi năm, đàn nái sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 10-15 con. Giống lợn được chọn kỹ, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, giá nhập dao động từ 1 - 1,8 triệu đồng/con tùy thời điểm.
Lợn thịt đạt trọng lượng 110 - 120 kg là có thể xuất chuồng. Nhờ giữ uy tín về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thương lái thường xuyên đến tận trang trại thu mua, không lo đầu ra.
Trang trại của chị Hiên sử dụng thức ăn chuyên dụng từ Công ty MoTaco (Đài Loan) đơn vị đặt tại tỉnh Hải Dương. Tuyệt đối không sử dụng thức ăn ngoài luồng nhằm đảm bảo nguồn thịt sạch, chất lượng cao.
0,5 ha ao nuôi cá truyền thống liền kề với chuồng trại
Chế độ dinh dưỡng của đàn lợn được tính toán chi tiết theo từng giai đoạn phát triển. Lợn sơ sinh đến 7kg ăn cám sữa, cám máu; từ 7-30kg chuyển sang cám tập ăn; từ 30kg đến khi xuất chuồng dùng loại cám có độ đạm thấp hơn. Nước uống và nước tắm được dẫn tự động từ giếng khoan qua hệ thống bồn chứa.
Chuồng trại được vệ sinh kỹ lưỡng 3 lần/ngày. Mỗi máng ăn làm bằng inox, được cọ rửa sau khi lợn ăn hết 1-2 bao cám. Hai lao động địa phương được thuê với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng để hỗ trợ công việc hàng ngày.
Công tác phòng chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Trang trại thường xuyên lấy mẫu máu gửi ra Hà Nội kiểm nghiệm bệnh dịch tả lợn. Việc tiêm phòng vắc-xin được thực hiện định kỳ theo từng giai đoạn tuổi. Trước khi xuất bán, lợn được cách ly, không dùng kháng sinh; chuồng trại được khử trùng toàn diện bằng vôi bột và hóa chất chuyên dụng.
Chị Mai Thị Hiên giới thiệu đàn lợn thịt sắp xuất chuồng
Kết hợp mô hình tuần hoàn sinh thái
Không dừng lại ở chăn nuôi lợn, chị Hiên còn đầu tư thêm 2 bể biogas để xử lý chất thải, phục vụ đun nấu sinh hoạt. Bể phụ 40m³ chứa phần chất thải đã xử lý được dùng để nuôi cá như cá trôi, cá mè, trê lai, cá chim trắng… tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Bên cạnh đó, chị còn nuôi vịt theo thời vụ, mỗi lứa 600 - 700 con, xuất bán thu hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vườn cây ăn quả - đặc biệt là bưởi đang vào mùa chín vàng, tỏa hương thơm mát khắp trang trại.
Cảnh quan xung quanh được phủ kín cây xanh, cây cảnh tạo không gian sinh thái trong lành. Nơi đây thường xuyên đón các đoàn công tác của xã, huyện đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và đều đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Trước khi gắn bó với nghiệp nông, chị Hiên từng làm đủ nghề: xây dựng, vận tải, lái máy xúc… Gom góp vốn liếng từ những năm tháng vất vả, chị quyết định đầu tư vài tỷ đồng vào trang trại. Nhờ sự hỗ trợ sách vở kỹ thuật từ Phòng Nông nghiệp huyện, cùng với việc tự học hỏi thêm kinh nghiệm từ Công ty MoTaco, chị ngày càng vững tay nghề, tự tin nhân rộng mô hình.
Từ vài chục con ban đầu, đến nay trang trại đã phát triển lên quy mô 200 con lợn thịt mỗi năm, chia làm 4 lứa, mỗi lứa khoảng 50 con. Sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận mỗi năm dao động gần một tỷ đồng - một con số đầy ấn tượng giữa vùng quê từng khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Lai, nhận định: “Cơ sở chăn nuôi của chị Mai Thị Hiên là một trong những mô hình tiêu biểu của xã, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, đáng để nhân rộng trong và ngoài địa phương.”
Lê Như Cương
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-mot-nu-nong-dan-lam-giau-tu-vung-dat-hoang-a29398.html