Người đàn ông trở lại nơi gần 50 năm trước từng tham chiến. Cái nơi mà rất nhiều năm sau này vẫn luôn ám ảnh ông với những giấc mơ hãi hùng tiếp nối không thể xóa nhòa trong ký ức.
Ông tần ngần trên ngọn đồi. Trước mắt ông hiện lên những chiếc trực thăng UH-1A đổ quân cánh quạt phành phạch. Lính các ông nai nịt, áo giáp, mũ sắt, tay lăm lăm súng chạy lúp xúp đến nơi sắp diễn ra chiến sự.
Đồi Da Đá, xóm Cồn một chiều thu bỗng rền vang tiếng súng. Bầu trời xám xịt bị cày nát bởi đạn đại liên M-30, đạn cối 60 ly, pháo 105 ly hỗ trợ cho một cuộc hành quân chớp nhoáng của tiểu đoàn lính địa phương quân sau khi có tin tình báo cho biết lực lượng vũ trang làng Cát đang ém quân ở xóm Cồn.
Minh họa: PV
Tiếng súng từ đồi Da Đá vọng ra lẻ tẻ như những tiếng pháo tép trong đêm giao thừa bị lấn át bởi tiếng pháo đại. Ấy thế lực lượng chủ động tấn công lại bị thương vong tăng theo cấp số nhân. Chiếc L-19 nhào lượn thả khói màu tức thì pháo 105 ly dập tới tấp. Có những quả đạn rơi vào xóm Cồn. Lửa cuồn cuộn bốc lên từ những mái nhà tranh kèm theo khói đen mù mịt. Tiếng kêu gào, khóc thét của các cụ già, trẻ em.
Người đàn ông khi ấy là trung úy đại đội trưởng cầm trên tay bó đuốc do viên cố vấn Mỹ mặt đằng đằng sát khí trao cho với giọng nói đanh thép bằng tiếng Việt: “Đốt đi! Đốt đi! Đó là nhà của bọn Việt Cộng!”. Ngọn đuốc đã thiêu rụi mái nhà còn lại với những tiếng kêu cứu đau đớn, tuyệt vọng. Tàn trận chiến. Màn đêm sụp xuống bao trùm mùi tử khí.
Người đàn ông đưa tay véo vào má mình, đau điếng. Ông ta bị ảo giác. Ngọn đồi mang tên Da Đá bây giờ đã thay da đổi thịt. Keo lá tràm như chiếc dù màu xanh khổng lồ choàng lên đồi cát cháy của một thời. Trên chóp đồi, những trụ điện cao thế đứng ngạo nghễ giữa trời xanh ngan ngát.
Điều làm ông ta bất ngờ hơn, đó là những con đường ngập ngụa cát ngày xưa giờ đã biến thành những con đường bê tông vững chãi. Hai bên đường lác đác nhà lầu xen lẫn nhà mái Thái bề thế. Ông ta thuê khách sạn ngay trong xóm Cồn.
Từ sáng sớm, vị khách Việt kiều đến từ Mỹ đi bộ tập thể dục. Ông ta kiếm tìm, xác định chỗ mái nhà mà ngày xưa ông đã châm ngọn đuốc nhưng vật đổi sao dời. Chuyến về nước lần này, ông ta đau đáu đến nơi mà ông ta từng gây ra tội ác để thắp nén nhang xin những oan hồn tha thứ tội lỗi.
Ông ta đến các quán giải khát dọc đường gợi ý tìm hiểu về cuộc sống của người dân xóm Cồn. Bà chủ quán bán nước chè đậu đen giọng chùng xuống: “Ông nói đúng rồi đó. Đây là cái nôi cách mạng. Ở xóm này mỗi nhà treo vài cái bằng “Tổ quốc ghi công” là chuyện bình thường”. Người đàn ông nghe hai chữ “bình thường” bỗng thấy xót xa.
Người đàn ông đóng vai khách du lịch còn có sự bất ngờ khác là ông không thấy bất kỳ người nào ở xóm Cồn thù hằn những người như ông.
Buổi chiều. Người đàn ông đang tha thẩn trên đường bỗng dưng người chủ khách sạn bước tới, nói nhỏ: “Đoàn văn nghệ sĩ Hàn Quốc đang thắp nhang cầu nguyện nơi tưởng niệm những người dân bị lính Nam Triều Tiên sát hại tập thể, chú muốn đến đó cháu đưa đi!”.
Người đàn ông nói nhanh: “Vâng! Chú đi với cháu!”. Dọc đường người quản lý khách sạn cho biết: “Chú biết không, năm 1965, lính Đại Hàn đã xả súng bắn chết 64 thường dân vô tội ở xóm Soi. Sau 1975, chính quyền địa phương dựng bia Căm Thù nhưng rồi lại gỡ tên bia Căm Thù thay chữ thành bia Tưởng Niệm. Chiến tranh đau thương đã qua rồi ta phải khép lại quá khứ, hướng tới tương lai thôi chú ạ!”.
Người đàn ông lòng trĩu nặng suy tư. Ông ta nghĩ thế hệ trẻ Hàn Quốc còn biết nhận ra sai lầm, tội lỗi của ông cha để hàn gắn hai dân tộc, cớ sao mình là người Việt lại cố chấp để làm chi? Chuyến về đất mẹ làm cho ông hiểu ra nhiều điều. Lòng ông nhẹ nhõm khi biết được nhiều Việt kiều đã về Việt Nam mua nhà sinh sống đến cuối đời.
Ông Do jong Hwan đại diện cho đoàn văn nghệ sĩ Hàn Quốc là một người giàu tình cảm. Ông thắp nhang, đứng hồi lâu trước bia tưởng niệm, mắt đỏ hoe.
Cô thông dịch viên nói nhỏ vào tai ông: “Trong số người dân đang có mặt bên đài tưởng niệm có thân nhân của những người đã bị thảm sát”. Ông Do jong Hwan giọng trầm buồn: “Tôi thành thật xin lỗi về những gì mà lính Hàn Quốc đã gây ra cho người dân ở đây trong chiến tranh!”. Ông trưởng khu phố đồi Da Đá có người chú ruột chết trong trận thảm sát lên tiếng: “Nhân dân ở đây không còn nhớ thù xưa. Xin các bạn hãy yên lòng!”.
Người đàn ông chứng kiến những cái bắt tay, ánh nhìn thân thiện của đôi bên, lòng tự nhủ giá như mọi người tham gia chiến tranh thấu hiểu về nhau, mở lòng cùng hòa hợp thì tốt biết bao. Nhìn đoàn văn nghệ sĩ Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm với người dân khu phố đồi Da Đá, người đàn ông thấy ấm lòng, nhất là cô thông dịch viên cho ông biết nay mai tổ chức “Chiếc Nơ Hòa Bình” Hàn Quốc sẽ xây dựng bệnh viện tại xóm Cồn ngày xưa để góp một phần nhỏ bé hàn gắn vết thương chiến tranh.
Đêm ấy, người đàn ông mở cửa bước ra ban công nhìn về phía đồi Da Đá nhấp nháy ánh điện màu. Ngọn gió nồm phóng túng phả vào ông cái lạnh nôn nao. Ông nhìn không chớp ở dưới chân đồi, quán xá hoạt động vui nhộn.
Dọc đường vào xóm Cồn có những chiếc ô tô đời mới đang nối đuôi nhau. Người xóm Cồn đã giàu lên, đẹp lên trong mắt của du khách. Gần bên xóm Cồn là xóm Soi giờ trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút du khách trong và ngoài nước.
Người đàn ông dự tính khi trở về Mỹ sẽ kể hết sự hồi sinh của một vùng đất bị tàn phá trong chiến tranh cho các bạn của mình để họ có cái nhìn khác đi về nơi từng chôn nhau cắt rốn.
Ngày cuối ở xóm Cồn, người đàn ông thả bộ một vòng cố nhớ lại nơi mái nhà ngày xưa song không tài nào tìm ra. Khu xóm trước kia hầu hết là nhà tranh vách đất với những con người chân chất nhưng quả cảm bám trụ một tấc không đi một ly không rời làm chỗ dựa cho quân kháng chiến, giờ là một khu phố nhà cửa khang trang, bề thế khiến người ta ngỡ ngàng…
TRẦN QUỐC CƯỠNG