Chuyện 'nghề' của nữ điều tra viên

Chuyện 'nghề' của nữ điều tra viên
3 giờ trướcBài gốc
Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh là một trong 5 nữ điều tra viên của Phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa).
Mở đầu câu chuyện, Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh, khẳng định: “Nữ chiến sĩ công an vốn đã vất vả, với nữ điều tra viên, những khó khăn, vất vả còn nhiều hơn".
“Thử thách” để “về” được Phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh) với nữ chiến sĩ Lê Thị Hồng Hạnh không hề dễ dàng. Do đặc thù nghiệp vụ, phòng An ninh điều tra trước đó chủ yếu là các chiến sĩ nam, nên việc một nữ chiến sĩ xin về phòng khiến không chỉ các nam chiến sĩ mà ngay cả lãnh đạo phòng khi ấy cũng... e ngại. Nhưng sự đam mê và cả “lì lợm”, Lê Thị Hồng Hạnh vượt qua được “cửa ải” khó khăn ấy, được đón nhận và chính thức trở thành nữ điều tra viên của Phòng An ninh điều tra.
Trong gần 20 năm gắn bó với ngành, Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh tiếp xúc với nhiều đối tượng tội phạm.
Dấn thân với ngành, với nghề, bắt đầu công tác nghiệp vụ, điều tra viên Lê Thị Hồng Hạnh mới “thấu” hết những khó khăn, vất vả. Nhưng chị chưa một lần chùn bước.
Kể về những câu chuyện, kỷ niệm trong những năm tháng làm điều tra viên, Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh, chia sẻ: "Gần 20 năm trước, khi mới về phòng, tôi được giao điều tra vụ án khai gian, làm giả giấy tờ về người có công để hưởng chính sách của Nhà nước. Một nữ điều tra viên ngoài 20 tuổi, dáng người mảnh khảnh, đối diện với đối tượng là bị can khoảng 60 tuổi. Khi đối diện với tôi, ông ta tỏ ra khá bình thản, ánh mắt nhiều ẩn ý. Không nằm ngoài cảm nhận của bản thân, sau 2 giờ điều tra viên và bị can đối diện nhau, tôi gần như chưa thu thập được chút gì “đáng giá”. Tâm trạng của một nữ điều tra viên mới bước vào nghề khiến tôi khi đó, thật sự có chút sốt ruột... Sau cùng, vụ án cũng hoàn thành điều tra, bị can phải cúi đầu nhận tội. Một điều khá thú vị, nhiều năm về sau, tôi tình cờ gặp lại người đàn ông ấy, khi đó ông ta đã ra tù, không hằn học, cũng không còn nhìn tôi bằng ánh mắt năm xưa, ông ta nói với tôi: “Tôi không nghĩ cô lại bản lĩnh như vậy”. Thú thật, đến bây giờ tôi vẫn xem đó như một lời khen".
Tình yêu ngành và bản lĩnh đã giúp Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh vượt qua mọi khó khăn
Lại có lần, mới chỉ vài năm trước, tôi tham gia điều tra vụ án tàng trữ, lưu hành tiền giả xảy ra tại hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình. Số tiền giả khá lớn, hơn 3 tỷ đồng. Trong vụ án có một bị can nữ vô cùng xảo quyệt. Cô ta không khai bất cứ điều gì, chỉ khóc và khóc, như một người vô tội. Nữ bị can quê ở Hòa Bình, sống tại TP Hồ Chí Minh và lưu hành tiền giả tại Thanh Hóa.
Suốt 2 ngày 2 đêm đối diện, bị can vẫn giữ thái độ ấy - lấy nước mắt để lảng tránh mọi câu hỏi, thái độ của bị can có lúc khiến tôi có xúc cảm “bất lực”. Dù đã có trong tay khá nhiều chứng cứ buộc tội, nhưng một “mệnh lệnh” cứ vang lên trong đầu tôi khi ấy, phải làm thế nào để bị can khai ra một cách tâm phục - đó mới thực sự là thành công của điều tra viên.
Sau những bằng chứng đanh thép, rồi vận động, giáo dục chính trị tư tưởng, thuyết phục và cả lấy vai trò, trách nhiệm của một người mẹ... Cuối cùng sau rất nhiều nước mắt, nữ bị can đã cúi đầu: “Em xin khai”. Với tôi, đó là sự thành công, niềm vui nghề.
Trong suốt thời gian gắn bó với ngành, là nữ điều tra viên, tôi tiếp xúc với nhiều đối tượng. Từ trí thức phạm tội, kẻ lưu manh phạm tội, nữ nhân xinh đẹp phạm tội... Mỗi đối tượng phạm tội khi bị bắt và điều tra, họ lại tạo nên những “vỏ bọc” khác nhau. Nhiệm vụ của một điều tra viên phải làm thế nào để “bóc” lớp vỏ bọc ấy, để phơi bày sự thật, khiến kẻ ác phải nhận tội.
Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh nhiều năm là Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh (ảnh chụp Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh trong một vụ án mà bị can là người đang nuôi con nhỏ)
Là điều tra viên, Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh đã quen với việc không thể “tối ngày đầy công”. Bất kể ngày hay đêm, khi có án, được điều động là phải “lên đường”. Bên cạnh đó, đặc thù của công tác điều tra là tính “thời hạn”. Trong thời hạn quy định, bắt buộc phải hoàn thành nhiệm vụ được giao; rồi đi bắt, khám xét. Việc những điều tra viên phải đi các địa bàn miền núi, đi công tác trong và ngoài tỉnh hàng tuần vốn không phải chuyện hiếm.
“Thực sự, với một điều tra viên, đặc biệt là nữ điều tra viên, để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài nỗ lực chuyên môn, nghiệp vụ thì gia đình chính là hậu phương vững chắc nhất. Tôi thấy may mắn và biết ơn, vì suốt những năm tháng qua, luôn có một “hậu phương” vững chắc, tin tưởng. Tuy nhiên, là một người vợ, người mẹ, tôi cũng hiểu rõ trách nhiệm và điều quan trọng nhất với bản thân. Vì thế, những lúc có thời gian, tôi luôn chăm chút, dành thời gian cho gia đình nhỏ của mình”, Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh tâm tình.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh hiện là Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng An ninh điều tra. Với nhiều thành tích chuyên môn và công tác hội, Trung tá Lê Thị Hồng Hạnh đã nhiều lần được nhận giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cũng như Hội LHPN tỉnh...
Khánh Lộc
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-nghe-cua-nu-dieu-tra-vien-33556.htm