Từng là người lính thông tin quả cảm trên chiến trường Campuchia, cựu chiến binh Nguyễn Lương Hà (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tiếp tục lan tỏa nghĩa tình đồng đội qua các hoạt động thiện nguyện và hành trình đưa hài cốt liệt sỹ trở về quê hương.
Trong căn nhà được treo rất nhiều kỷ vật từ chiến trường và công tác, ông Nguyễn Lương Hà (SN 1959, trú thôn Thanh Sơn, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) khá thoải mái khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hành trình thiện nguyện của mình. Và cứ thế, thước phim về cuộc đời người cựu chiến binh này chầm chậm được tái hiện trong cảm động...
Ông Nguyễn Lương Hà.
Năm 1977, chàng trai Nguyễn Lương Hà lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc khi vừa tròn 18 tuổi, tại Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 ở Quảng Trị.
Tháng 3/1978, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, phụ trách hoạt động đưa thông tin. “Thời điểm đó, chiến tranh đang diễn ra ác liệt, công việc của tôi là đưa tin mật từ tiểu đoàn tới đại đội và ngược lại. Mặc dù nói là đưa tin nhưng chính tôi cũng là người cầm súng chiến đấu với địch. Lính đưa tin chỉ cần sơ suất là sẽ ảnh hưởng lớn đến cả đại đội, vì vậy, tôi luôn thận trọng trong từng bước đi”, ông Hà hồi tưởng.
Nhớ về những kỷ niệm chiến đấu trên chiến trường, ông Hà ngấn lệ: “Kỷ niệm thì nhiều, gian khổ và ác liệt lắm, nhưng với tôi, kỷ niệm không bao giờ quên là vào giáp Tết năm 1979. Khi đó, tôi vừa nhận tin mẹ mất thì đơn vị lại được lệnh lên đường chiến đấu. Mặc dù được ưu tiên ở lại, nhưng tôi đã báo cáo thủ trưởng xin tiếp tục ra tiền tuyến cùng đồng đội".
Hơn 2 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, tháng 8/1980, ông Nguyễn Lương Hà là một trong những người lính tiêu biểu được cử đi học ở Học viện Phòng không - Không quân (Việt Nam). Sau hơn 3 năm học tập và tốt nghiệp loại ưu, ông được phong quân hàm Trung úy, về làm giáo viên trợ giảng cho Trường Tập huấn Cán bộ tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Ông Hà vui mừng khi gặp lại đồng đội năm xưa.
Năm 1985, ông chuyển về Trung đoàn 263 (Sư đoàn 367) ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, đảm nhận chức vụ chỉ huy tên lửa. Sau một thời gian dài công tác tại đơn vị, vết thương ở chân do ảnh hưởng từ chiến tranh tái phát nên ông được chuyển ngành về công tác tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trước khi nghỉ hưu, ông là Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Nhơn Trạch.
Ông Hà cùng đồng đội xem lại những bức ảnh kỷ niệm trên chiến trường.
Sau nhiều năm xông pha trận mạc, trên thân thể người lính thông tin Nguyễn Lương Hà in dấu nhiều vết thương. Ông được công nhận là thương binh hạng 4/4 với tỷ lệ tổn thương sức khỏe 31%. Những đóng góp của ông trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả đã được Nhà nước ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, Kỷ niệm chương Quân tình nguyện Campuchia…
Sau khi nghỉ hưu, ông Hà trở về quê hương Cẩm Xuyên để bắt đầu một hành trình mới đầy nghĩa tình, trách nhiệm và ý nghĩa. Năm 2020, ông Nguyễn Lương Hà bắt đầu tìm cách kết nối, gặp lại những đồng đội cũ trên địa bàn Hà Tĩnh. Ông cũng đứng ra thành lập Hội Lính nhập ngũ năm 1977 ở Hà Tĩnh để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ những người hoạn nạn, đồng đội khó khăn; được các thành viên trong hội tín nhiệm cử làm trưởng ban liên lạc hội.
Cựu chiến binh Nguyễn Lương Hà tâm huyết với hoạt động thiện nguyện, tìm mộ liệt sỹ.
CCB Nguyễn Lương Hà thông tin thêm: "Trước lúc thành lập "Hội lính 1977", vào năm 1986, tôi đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ "Hướng Thiện" ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và đến nay, câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động hiệu quả, phát triển từ 20 thành viên ban đầu lên hơn 200 thành viên. Suốt 39 năm hoạt động, câu lạc bộ trở thành tổ chức thiện nguyện uy tín, trao tặng hàng nghìn suất quà cho các gia đình thương binh, bệnh binh; xây dựng 25 căn nhà kiên cố cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.Trong khoảng thời gian công tác ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), gia đình tôi đã dành dụm tiền mua được một khu đất xây nhà trọ cho thuê để cải thiện thu nhập nên hằng năm, tôi trích ra từ 50 - 100 triệu đồng để hỗ trợ câu lạc bộ, góp phần giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh".
"TÔI MAY MẮN HƠN NHỮNG NGƯỜI ĐÃ NẰM XUỐNG LÀ ĐƯỢC TRỞ VỀ, CÓ MÁI ẤM GIA ĐÌNH, ĐƯỢC HƯỞNG THỤ CUỘC SỐNG HÒA BÌNH. TÔI ĐÃ TRĂN TRỞ TỪ LÂU VÀ BIẾT ĐƯỢC NHIỀU ĐỒNG ĐỘI HY SINH ĐANG NẰM Ở CÁC NGHĨA TRANG PHÍA NAM MÀ GIA ĐÌNH CHƯA CÓ ĐIỀU KIỆN ĐƯA VỀ QUÊ".
Ông Hà chia sẻ: "Tôi may mắn hơn những người đã nằm xuống là được trở về, có mái ấm gia đình, được thụ hưởng cuộc sống hòa bình. Tôi đã trăn trở từ lâu và biết được nhiều đồng đội hy sinh đang nằm ở các nghĩa trang phía Nam mà gia đình chưa có điều kiện đưa về quê. Công việc cất bốc và di dời hài cốt liệt sỹ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Cái khó nhất là hoàn thiện hồ sơ sao cho thông tin trên bia mộ trùng khớp với giấy báo tử và các tài liệu lưu trữ...".
Ông Hà cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa tại Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).
Ông Hà kể thêm: “Trong 5 năm qua, tôi đã cùng các gia đình liệt sỹ không quản ngại khó khăn, trực tiếp làm việc nhiều lần với các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm để xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và trực tiếp đưa 4 hài cốt về quê hương Hà Tĩnh theo nguyện vọng của các thân nhân liệt sỹ. Đó là: liệt sỹ Nguyễn Đoan Bàng (SN 1977, quê quán Thạch Hà), liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng (SN 1977, quê quán Cẩm Xuyên) được cất bốc ở Nghĩa trang Thốt Nốt - TP Cần Thơ; liệt sỹ Vũ Đình Hiệp (SN 1977, quê quán Cẩm Xuyên), liệt sỹ Nguyễn Quốc Ca (SN 1977, quê quán TP Hà Tĩnh) được cất bốc ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Hiện còn 2 liệt sỹ đã hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị cất bốc từ các tỉnh phía Nam để hồi hương là liệt sỹ Trần Văn Thúc ở thị trấn Cẩm Xuyên và liệt sỹ Võ Tá Đính ở xã Cẩm Thành".
Trong căn nhà của CCB Nguyễn Lương Hà, những giấy khen, kỷ niệm chương được ông cất giữ cẩn thận, trong đó có giấy chứng nhận 23 lần tham gia hiến máu tình nguyện.
Nỗ lực của ông đã mang đến cho thân nhân các liệt sỹ niềm hạnh phúc lớn lao. Ông Vũ Đình Kỳ (xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) - em trai liệt sỹ Vũ Đình Hiệp cảm động: “Hàng chục năm sau ngày anh trai tôi hy sinh, gia đình luôn đau đáu tâm nguyện đưa hài cốt về quê cha đất mẹ. Song, việc này gặp rất nhiều khó khăn do anh hy sinh đã gần 50 năm, sai thông tin quê quán, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn… Gia đình tôi may mắn khi được bác Hà giúp đỡ liên hệ với các cơ quan chức năng, hỗ trợ làm hồ sơ thủ tục nên hài cốt của anh trai đã được cất bốc đưa về quê vào tháng 7/2024 trong niềm vui vỡ òa của gia đình, dòng họ, quê hương. Chúng tôi biết ơn bác Hà nhiều lắm”.
Cất bốc mộ liệt sỹ Vũ Đình Hiệp tại Nghĩa trang Dốc Bà Đắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Sự trở về của các liệt sỹ dẫu có muộn màng nhưng vô cùng ý nghĩa đối với gia đình cũng như những đồng đội còn sống sau chiến tranh. Điều đặc biệt xúc động và thể hiện trọn vẹn tấm lòng của cựu chiến binh Nguyễn Lương Hà là việc ông tự nguyện dùng ôtô của mình, đích thân lái xe đưa hài cốt liệt sỹ về quê mà không nhận một đồng chi phí nào từ thân nhân các gia đình.
Ông Hà luôn "trưng dụng" ôtô riêng của gia đình để phục vụ việc cất bốc mộ liệt sỹ.
"CÔNG VIỆC NÀY CÒN THEO TÔI ĐẾN KHI TÔI KHÔNG CÒN ĐỦ SỨC KHỎE ĐỂ ĐI. TÔI MONG MUỐN ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI, NHIỀU ĐỒNG ĐỘI THAM GIA TRÊN HÀNH TRÌNH GIAN KHÓ NÀY".
Cựu chiến binh Nguyễn Lương Hà
Khi được hỏi, liệu có khi nào ông nghĩ đến việc dừng công việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, ông Hà trả lời đầy kiên định: "Công việc này còn theo tôi đến khi tôi không còn đủ sức khỏe để đi. Tôi mong muốn được nhiều người, nhiều đồng đội tham gia trên hành trình gian khó này".
Đằng sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Hà là sự ủng hộ vững chắc từ hậu phương, đặc biệt là người vợ hiền - cô Hoàng Thị Hoa (SN 1972, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Duệ). Ông tâm sự rằng, trước mỗi chuyến đi xa, vợ mình luôn lo chu toàn từ quần áo, thuốc men đến các vật dụng cá nhân cần thiết. Mỗi cuộc điện thoại từ ông về nhà, câu đầu tiên vợ hỏi luôn là công việc có thuận lợi không. Từ những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt ấy, ông biết vợ luôn ủng hộ và dõi theo việc làm của mình.
Cô Hoa tâm sự: "Ông Hà rất tâm huyết với công việc thiện nguyện. Đã nhận việc gì, nhiệm vụ gì thì ông Hà chủ tâm, dành mọi tâm huyết để hoàn thành". Sự thấu hiểu và hỗ trợ từ gia đình chính là nguồn động viên to lớn giúp ông vững bước trên hành trình đầy gian nan này.
Quá trình làm thiện nguyện của ông Hà luôn có vợ đồng hành.
"ÔNG HÀ LÀ TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ PHẨM CHẤT CAO ĐẸP CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG THỜI BÌNH. NHIỀU NĂM QUA, ÔNG LUÔN TÍCH CỰC VẬN ĐỘNG, QUYÊN GÓP ĐỂ HỖ TRỢ CÁC GIA ĐÌNH CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN".
Ông Trần Đức Cảnh
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Quan
Những việc làm của người cựu binh Nguyễn Lương Hà không chỉ có ý nghĩa với riêng ông hay những gia đình được giúp đỡ mà còn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực trong cộng đồng. Ông Trần Đức Cảnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) đánh giá: "Ông Hà là tấm gương sáng về phẩm chất cao đẹp của người lính trong thời bình. Nhiều năm qua, ông luôn tích cực vận động, quyên góp để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Dù tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế nhưng ông vẫn tích cực vận động, quyên góp để giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, tham gia xây nhà cho đồng đội và đưa hài cốt liệt sỹ về quê an táng. Hành động của ông mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đồng đội và người dân ghi nhận, trân trọng".
Video: Ông Nguyễn Lương Hà nhớ lại những lần đi cất mộ liệt sỹ.
BÀI, ẢNH, THIẾT KẾ: NGUYỄN LIỄU
Nguyễn Liễu
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/chuyen-nguoi-cuu-chien-binh-chua-lanh-vet-thuong-chien-tranh-post287484.html