Chuyện người lính trở về từ tuyến lửa

Chuyện người lính trở về từ tuyến lửa
một ngày trướcBài gốc
Xung phong đi bộ đội khi còn rất trẻ, lúc vừa tròn 18 tuổi. Vào chiến trường, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường B5 - Bình Trị Thiên khói lửa và là một trong những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt... Người mà tôi muốn nói ở đây là cựu chiến binh Vũ Duy Tôn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh. Trở về sau cuộc chiến, dù trên cương vị công tác nào hay trong cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn thắp sáng ngọn lửa truyền thống, khí tiết của một người lính từng chiến đấu và trở về từ tuyến lửa...
Luật sư Vũ Duy Tôn (ngồi giữa), Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh và các cộng sự phát huy tốt vai trò, trở thành "cầu nối” giữa người dân với chính sách pháp luật.
Có may mắn được cộng tác với ông trong nhiều vụ án, tôi đặc biệt thích ông ở cái tính thẳng. Nói, ông nói thẳng. Làm, ông cũng làm thẳng. Hỏi chuyện, ông cười và bảo: Bọn tớ, những người đã từng ở cận kề ranh giới sống - chết thường như vậy đấy. Những thứ nhìn không chịu được thì nói. Những việc gì làm được thì mình bảo làm được, cũng chẳng vòng vo. Ngày xưa, nơi chiến trường bom đạn khốc liệt, nó rèn luyện bản lĩnh con người ghê gớm lắm. Thế đấy, bản chất người lính chẳng thể lẫn đâu và cũng chẳng phai nhạt được...
Theo lời ông kể: Tháng 3/1971, khi đó tròn 18 tuổi, vừa học xong lớp 10/10, cậu trai trẻ độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu” theo chúng bạn ở vùng quê Gia Viễn (Ninh Bình) làm đơn tình nguyện đi bộ đội. Nhìn vóc dáng to lớn, rắn chắc như cây chò chỉ vốn mọc bạt ngàn trên những cánh rừng quê ông, cũng chẳng cần phải khám xét cầu kỳ, ông trúng tuyển bộ đội. Sau 2 tháng huấn luyện gian khổ dưới những tán rừng của mảnh đất quê hương, anh lính trẻ Vũ Duy Tôn được điều về Trung đoàn 24, Sư đoàn 324 chiến đấu tại chiến trường B5, với mặt trận chính ở Quảng Trị và Thừa Thiên khói lửa ác liệt. Nhớ lại thời quân ngũ, ông bảo: Với những người lính từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên không có gì nhớ lâu bằng cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm. Đó là một trong những cuộc chiến tàn khốc, ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.
Trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông được tham gia 63 ngày đêm. Đó là những ngày dài và đầy hy sinh, mất mát. Cuộc chiến ác liệt đến mức không có một viên gạch nào còn lành lặn. Thế nhưng, trong thành cổ với chu vi chưa đầy 2km2 ấy, những người lính như ông đã anh dũng, kiên cường chiến đấu. Tính ra, tại nơi này, mỗi người lính phải "gánh” hàng tấn bom đạn cày đi, xới lại. Dù vậy, ông và đồng đội vẫn đứng vững, vẫn quyết tâm chiến đấu dù nhiều người là đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Chẳng có ai lùi bước. Họ vẫn cứ tiến lên, chiến đấu với ý chí phi thường...
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị, anh lính trẻ Vũ Duy Tôn và đồng đội ở Sư đoàn 324 tiếp tục hành quân, chiến đấu. Đơn vị ông tham gia nhiều trận đánh và cùng hợp vây, giải phóng thành phố Huế vào trưa 25/3/1975; tham gia đánh và giải phóng "bức tường thép” Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Sau đó, Sư đoàn 324 cùng đội hình Quân đoàn 2 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Trong chiến dịch này, cả Sư đoàn hành quân thần tốc vào Phan Rang để hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 325... thành "Cánh quân Duyên Hải”, trở thành một mũi tấn công thọc sâu, tiến thẳng vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.
Kết thúc chiến tranh, anh lính trẻ Vũ Duy Tôn trở về tiếp tục con đường học tập. Học xong đại học, ông được điều động nhiều vị trí công tác. Dù ở đâu ông cũng thể hiện rõ phẩm chất người lính. Thời điểm là Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, ông luôn làm việc tận tụy, tỉ mỉ trên tinh thần "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Ở mỗi phiên tòa làm chủ tọa, ông đều thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc trong giáo dục, cải tạo những người lầm lỡ. Từ sự phân tích, giáo dục, từ cái tình của ông nhiều người nhận rõ lỗi lầm, quyết tâm cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội.
Hiện giờ, trên cương vị Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, ông luôn được cộng sự tín nhiệm, tin tưởng. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn sung sức để cống hiến như một người lính chiến năm nào. Ông và cộng sự vẫn nhiệt huyết đưa pháp luật về với người dân, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng cao, vùng khó khăn; trở thành "cầu nối” giữa người dân với các chính sách, pháp luật. Trong những chuyến đi, bằng phương thức tuyên truyền - tư vấn - đối thoại - giải đáp trực tiếp, ông cùng các cộng sự đã tư vấn pháp luật, tạo điều kiện để người yếu thế, đối tượng chính sách được tiếp cận pháp luật một cách hiệu quả, rõ ràng; hướng dẫn, tư vấn, giải đáp pháp luật cho người dân chu đáo, tận tình, hiệu quả. Qua đó góp phần giải quyết đáng kể các vụ việc khiếu kiện mà không phải giải quyết bằng Tòa án. Đồng thời, góp phần giảm bớt tình trạng đơn thư khiếu kiện, kiến nghị, tố cáo kéo dài giữa người dân với cơ quan hành chính Nhà nước...
Mạnh Hùng
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/220/200279/chuyen-nguoi-linh-tro-ve-tu-tuyen-lua.htm