Chuyện người phụ nữ 5 năm làm vợ chiến sĩ, trọn đời làm vợ liệt sĩ

Chuyện người phụ nữ 5 năm làm vợ chiến sĩ, trọn đời làm vợ liệt sĩ
8 giờ trướcBài gốc
Bà Mã Thị Dung rưng rưng bên di ảnh của chồng liệt sĩ .
Trong căn nhà nhỏ, bà Mã Thị Dung ngồi lặng lẽ với đôi mắt ngấn lệ, bàn tay xù xì nhẹ nhàng đặt lên bức ảnh của người chồng là liệt sĩ Nông Quang Khánh, quê ở xã Trương Lương, huyện Hòa An (nay xã Minh Tâm, tỉnh Cao Bằng), tôi như cảm nhận được tình cảm, nỗi nhớ chồng của bà chưa bao giờ nguôi ngoai. Nhớ những tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi, nhớ dáng vẻ kiên cường anh dũng của chồng, nhớ mộ phần liệt sĩ trong sắc xanh của đại ngàn Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Ngược về quá khứ theo dòng ký ức, năm 1962, chàng thanh niên mồ côi Nông Quang Khánh nhập ngũ, trong quá trình làm nhiệm vụ đã quen và cảm mến cô gái thùy mị, xinh đẹp Mã Thị Dung khi đó là đội viên thanh niên xung phong. Đầu năm 1964, hai người nên duyên vợ chồng, cuối năm 1964 hạnh phúc nhân đôi khi hai vợ chồng đón cô con gái đầu lòng Nông Thị Bền và đầu năm 1967 tiếp tục đón con trai Nông Trung Kiên ra đời. Nhưng hạnh phúc ngắn ngủi chẳng tày gang, đến tháng 6/1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn ác liệt, chồng bà đã xung phong vào chiến trường phía Nam để được trực tiếp chiến đấu góp phần giải phóng quê hương. Vào đêm mưa gió mùa hè năm 1967 ấy, bà nhận được lời nhắn của đồng đội ông bảo mang 2 con đến xóm Pác Gậy, xã Hồng Việt, huyện Hòa An (nay xã Hòa An) để gặp ông. Bà vội vàng cõng con gái mới 3 tuổi trên lưng và bế con trai mới hơn tháng tuổi đến gặp chồng. Cuộc gặp ngắn ngủi, ông chỉ kịp ôm vội 2 con và nhắn nhủ bà ở nhà cố gắng nuôi con và cùng mọi người lao động sản xuất để chi viện cho chiến trường miền Nam chiến đấu, thống nhất đất nước.
Giấy báo tử của Liệt sĩ Nông Quang Khánh.
Hòa cùng vào đoàn quân Nam tiến, ông Khánh lên đường đánh giặc, còn bà Dung ở nhà trở lại công việc hằng ngày, chăm sóc con nhỏ cùng nỗi nhớ chồng cồn cào, da diết. Chiến tranh khốc liệt, bà Dung không nhận được tin tức hay lá thư nào của chồng nhưng bà Dung luôn vững tin, tự nhủ chồng bà sẽ trở về, 2 con sẽ được ở bên người cha bằng xương, bằng thịt chứ không phải qua những câu chuyện bà kể. Nhưng chiến tranh kết thúc mà chồng bà mãi vẫn không trở về, đến năm 1977, sau bao mong ngóng thông tin của chồng, bà Dung nhận được lại là tin báo tử, máu xương người chồng bà thương nhớ đã hòa quyện nơi chiến trường. Kỷ vật duy nhất ông để lại cho bà chính là tờ giấy báo tử mỏng manh nhưng khiến bà ngã khụy, tim như bị xé nát, hai tay ôm con nước mắt trào ra vì thương chồng, xót con và thương cả chính mình.
Đau đớn là thế nhưng bà cố gằng gượng đứng lên vì 2 con, vì niềm tự hào khi chồng anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc trở thành động lực mạnh mẽ giúp bà không quản khó khăn, mất mát. Ban ngày vất vả làm việc đồng áng, chăn nuôi tăng gia sản xuất, đêm về bà lại đan lát nông cụ để đem bán kiếm thêm tiền trang trải nuôi con. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”, xung kích tham gia các tổ sản xuất, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ… tại địa phương. Khó có thể nói hết những buồn, tủi khi người phụ nữ trẻ mới 30 tuổi đã góa chồng. Nhiều năm sau đó, bà vẫn một mình nuôi con dù không ít người cảm mến, ngỏ ý muốn bà đi bước nữa. Với bà Dung thời gian được làm vợ chiến sỹ Nông Quang Khánh chỉ ngắn ngủi 5 năm và trong 5 năm ấy ông Khánh xa nhà liên miên, thi thoảng mới được về nghỉ phép hoặc tranh thủ tạt qua thăm nhà nên thời gian sống kề cận bên nhau chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ, nhưng bà Dung nguyện trọn đời làm vợ liệt sĩ, giữ nguyên tình yêu son sắc, thủy chung, thờ chồng, nuôi con.
Một lúc phải gánh vác nhiều trọng trách, vừa làm mẹ, làm cha và mưu sinh nhưng chưa bao giờ bà Dung thở dài, than vãn. Những lúc yếu lòng nhất của bà chính là những đêm khuya vắng lạnh, khi 2 con đã ngủ say giấc bà lặng lẽ ngồi khóc, giấu kín nỗi buồn vào sâu thẳm trái tim và nỗi khắc khoải vì cuộc sống nghèo túng, quanh năm việc ruộng đồng, làm thuê chỉ đủ nuôi hai con ăn học, chưa có kinh phí và thời gian để đi tìm phần mộ chồng. Đến năm 1988, qua bao năm hỏi thăm tin tức và được Đảng và Nhà nước hỗ trợ tìm kiếm, bà Dung đã tìm được nơi an nghỉ của chồng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Bà lập tức theo Đoàn công tác của tỉnh đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Dù âm dương cách biệt đã lâu nhưng dường như có sự giao cảm đặc biệt, người quản trang vừa dẫn bà đến khu mộ các anh hùng liệt sĩ của tỉnh Cao Bằng, bà đã bước nhanh qua các hàng mộ và dừng lại đúng ngôi mộ có khắc ghi dòng chữ: Liệt sĩ, Hạ sĩ Nông Quang Khánh, đơn vị MP2, quê quán: xã Trương Lương, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, hy sinh ngày 6/9/1969. Bà gục xuống trước tấm bia, khói nhanh nghi ngút quện hòa vào những dòng nước mắt không ngừng tuôn rơi.
Bà Mã Thị Dung và tờ giấy báo tử trở thành vật bất ly thân luôn giữ bên mình 48 năm qua.
Sau niềm an ủi đã tìm được mộ phần của chồng, bà Dung trăn trở với nỗi niềm nên đưa ông về với quê hương để con cái được gần gũi chăm sóc phần mộ và để xứng đáng với tình hiếu nghĩa, đạo lý vợ chồng hay để ông nằm lại nơi chiến trường nơi ông và các đồng đội đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Hằng năm, bà và các con lại thu xếp thời gian vào thăm mộ ông Khánh, đến năm 2000, bà Dung mạnh mẽ quyết định không di dời hài cốt ông về với gia đình mà để ông Khánh yên nghỉ nơi linh thiêng khu mộ liệt sĩ Cao Bằng của Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Nói về quyết định của mình, bà Dung nghẹn ngào chia sẻ: Tôi muốn để chồng sống trong “mái nhà chung” Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tiếp tục bên những đồng đội đã cùng anh dũng chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Để câu chuyện và chiến công của liệt sĩ Nông Quang Khánh nơi cội nguồn quê hương cách mạng Cao Bằng hòa cùng hàng nghìn câu chuyện của các liệt sĩ nơi đây, mãi mãi trở thành mốc son lịch sử, nơi tinh thần yêu nước thẫm đẫm trong từng tấc đất, nhành cây, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Ngôi mộ liệt sĩ của chồng bà và các đồng đội của ông sẽ không chỉ có gia đình hành hương đến tri ân mà để nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế hành hương đến theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi trường tồn với thời gian.
Ban đầu các con bà Dung không nhất trí với quyết định trên vì kinh tế gia đình cơ bản ổn định, có khả năng lo kinh phí di dời hài cốt cha về với gia đình. Nhưng với lòng hiếu thảo và sự thấu hiểu, hai con bà Dung tôn trọng quyết định của mẹ. Như cách hai con bà luôn thấu hiểu nỗi mất mát của gia đình, sự tần tảo của mẹ bao năm qua nên đã nỗ lực học hành chăm chỉ, giúp đỡ bà những việc gia đình và trở thành những người có ích cho xã hội. Người con gái lớn Nông Thị Bền khi trưởng thành làm trong cơ quan Nhà nước nay đã nghỉ hưu và dành phần lớn thời gian qua thăm nom bà hằng tuần. Hiện bà Dung đang sống với con trai Nông Trung Kiên, con dâu và 2 cháu nội luôn chăm chỉ lao động, học hành và hiếu thảo.
Người vợ liệt sĩ như bà Mã Thị Dung cũng nhưbao người phụ nữ Việt Nam khác đều đã gói lại niềm riêng, sẵn sàng gạt tình yêu, hạnh phúc gia đình sang một bên để chồng yên tâm lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mạnh mẽ vượt lên mọi mất mát, đau thương vẫn một lòng thờ chồng, nuôi con trưởng thành, là hậu phương vững chắc cho người lính đã nằm lại chiến trường phía Nam, góp phần cho đất nước hôm nay nở hoa. Đó là đức hy sinh cao đẹp của phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc và cả trong thời bình.
Thúy Hằng
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/chuyen-nguoi-phu-nu-5-nam-lam-vo-chien-si-tron-doi-lam-vo-liet-si-3178772.html