Sau khi bị hủy niêm yết trên HOSE ngày 22/10, hơn 60,3 triệu cổ phiếu DAG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á đã chuyển sang giao dịch sàn UPCoM. Tuy nhiên, số cổ phiếu này tiếp tục bị đình chỉ giao dịch từ 25/10/2024 do nằm trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Nguyên nhân khiến DAG bị đình chỉ giao dịch do vi phạm các công bố liên quan đến công bố thông tin báo cáo tài chính. Doanh nghiệp còn từng vào diện cảnh báo vì chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 quá thời hạn quy định.
Sau đó, DAG được đưa ra khỏi diện cảnh báo vì tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông, nhưng lập tức trở lại diện này vì nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023 là số âm.
Mới đây, Nhựa Đông Á đã công bố văn bản giải trình về loạt vấn đề liên quan.
Đầu tiên, với việc chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá thời hạn quy định, doanh nghiệp cho biết phải tiến hành làm việc với Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY để thống nhất số liệu kế toán cho báo cáo tài chính kiểm toán 2023. Do khối lượng công việc lớn và cần đảm bảo tính chính xác cao, công ty cần thời gian để hoàn tất.
Ngoài ra, Nhựa Đông Á cho biết cần thêm thời gian để kiện toàn nhân sự, tìm kiếm Thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 phù hợp với tình hình hiện tại. Doanh nghiệp cũng đang trong quá trình thống nhất định hướng tái cấu trúc toàn diện liên quan đến công ty mẹ cùng đơn vị thành viên; và đang xem xét, đàm phán các phương án hợp tác, đầu tư, liên doanh liên kết với đối tác chiến lược, nên cần thời gian để đạt được sự đồng thuận.
Thứ hai, về việc cổ phiếu vào diện cảnh báo do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 (đã công bố vào cuối tháng 7/2024), doanh nghiệp cho biết UHY là đơn vị lần đầu thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính của DAG nên mất nhiều thời gian tìm hiểu, rà soát hồ sơ. Phòng kế toán của doanh nghiệp có biến động nhân sự, người mới chưa nắm bắt hết công việc nên chưa phối hợp kịp thời với đơn vị kiểm toán.
Hiện tại, DAG đang chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 và báo cáo tài chính quý 3/2024. Về vấn đề này, DAG nêu nguyên nhân do biến động nhân sự tại bộ phận kế toán, và việc chuyển đổi phần mềm kế toán mới gây trục trặc trong quá trình chuyển đổi dữ liệu, vận hành, ảnh hưởng đến việc hoàn thành đúng thời hạn.
Đến ngày 24/7/2024, công ty đã công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, ngày 30/7/2024, công ty đã thực hiện công bố báo cáo tài chính quý 2/2024.
Thứ ba, về việc cổ phiếu DAG bị đưa vào diện cảnh bảo do chậm công bố thông tin và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
DAG cho biết, trong thời gian qua, bộ phận kế toán của công ty mẹ và các công ty con có một số biến động về nhân sự, đặc biệt là vị trí kế toán tổng hợp. Trong khi đó, nhân sự thay thế chưa đủ thời gian nắm bắt toàn bộ công việc.
Bên cạnh đó, công ty mới chuyển đổi phần mềm kế toán mới và gặp một số trục trặc kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi dữ liệu, vận hành. Điều đó đã ảnh hưởng đến công tác nhân sự, thu thập, tổng hợp dữ liệu và hoàn thiện báo cáo tài chính quý đúng hạn theo quy định. Ngay sau khi hoàn thành báo cáo tài chính. Công ty sẽ thực hiện nộp và công bố thông tin.
Ngoài ra, công ty sẽ tổ chức các buổi làm việc nội bộ định kỳ giữa bộ phận công bố thông tin và các phòng ban liên quan để cập nhật phổ biến các quy định liên quan đến công bố thông tin, đồng thời nhắc nhở về thời hạn và sự tuân thủ đúng các quy định về công bố thông tin.
Công ty sẽ nỗ lực khắc phục những khó khăn, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về công bố thông tin để sớm đưa cổ phiếu DAG ra khỏi diện bị cảnh báo.
Nhựa Đông Á cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh khiến doanh thu và lợi nhuận suy giảm nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2020 - 2022, dù doanh thu của công ty đạt mức ổn định từ 1.700 tỷ đồng đến hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại chỉ ở mức khiêm tốn vài tỷ đồng, cho thấy khả năng sinh lời của doanh nghiệp còn yếu kém.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2023, khi Nhựa Đông Á báo lỗ sau thuế lên tới hơn 600 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hoạt động kinh doanh dưới giá vốn và gánh nặng chi phí ngày càng lớn. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 15 tỷ đồng, đẩy doanh nghiệp vào thế tài chính bất ổn.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 còn cho thấy một số khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán, với tổng số tiền lên tới hơn 347 tỷ đồng mà chưa được gia hạn, bên cạnh khoảng 96 tỷ đồng trong các khoản vay đã gia hạn trước đó.
Tại thời điểm đó, Nhựa Đông Á còn đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ các ngân hàng liên quan đến việc thanh toán gốc và lãi của các khoản vay cùng nợ thuê tài chính, làm gia tăng áp lực tài chính và phức tạp về mặt pháp lý.
Bước sang năm 2024, tình hình kinh doanh của Nhựa Đông Á không khả quan hơn mà còn tiếp tục xấu đi, khi ghi nhận khoản lỗ hơn 66 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Cùng với đó, doanh thu cũng giảm mạnh, chỉ đạt 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt hơn 959 tỷ đồng.
Đến giữa năm 2024, công ty vẫn phải gánh chịu khoản nợ vay lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm 733 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 412 tỷ đồng nợ dài hạn. Quỹ tiền mặt của doanh nghiệp gần như cạn kiệt, chỉ còn hơn 843 triệu đồng, trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm, ghi nhận mức lỗ 361 triệu đồng.
Ngọc Linh