Chuyện 'nho nhỏ' của TG&VN: Khi phóng viên ảnh tháp tùng đoàn cấp cao

Chuyện 'nho nhỏ' của TG&VN: Khi phóng viên ảnh tháp tùng đoàn cấp cao
một ngày trướcBài gốc
Đồng nghiệp chụp ảnh tác giả tác nghiệp tại sân bay.
Nơi tác nghiệp “căng” nhất là...
Lễ đón chính thức trong chuyến thăm song phương? - Không. Hội nghị đa phương, nơi hội tụ hàng trăm phóng viên trên thế giới? – Không.
Có thể khó tin, nhưng với tôi, sân bay chính là top 1 của nơi tác nghiệp “căng” nhất. Đó là điểm khởi đầu của chuyến công tác với kỳ vọng kết quả tốt đẹp và cũng là chặng cuối trong lịch trình làm việc...
“Đề nghị các anh chị trở về đúng chỗ, không dồn xuống cuối máy bay, gây ảnh hưởng đến việc hạ cánh”. Vâng, “căng” đến nỗi câu nói quen thuộc của người quản lý đoàn bay cứ quẩn quanh trong tôi ngay cả khi mới lên máy bay, bắt đầu chuyến công tác...
Người ta vẫn nói, vạn sự khởi đầu nan. Tôi nhớ mãi chuyến tháp tùng lãnh đạo cấp cao lần đầu tiên, năm 2018, còn “trắng tinh” về kinh nghiệm. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người di chuyển đồ đạc xuống khoang cuối và chọn chỗ gần nhất với cửa máy bay. Tôi quay sang hỏi đồng nghiệp và nhận được câu trả lời. “Khi máy bay hạ cánh, ta sẽ phải xuống trước để tác nghiệp, em chuẩn bị máy móc đi”. Tôi với balô từ khoang để hành lý, lắp sẵn hai bộ máy ảnh đeo hết lên người, đợi “lệnh”!
Lúc này, tim tôi từ tăng lên cỡ 120 lần/phút, ngón tay chỉnh ISO (độ nhạy sáng) thì trượt qua độ F (khẩu độ), trán bắt đầu đổ mồ hôi, sức nóng từ lưng bắt đầu lan tỏa... Tôi cảm nhận từng nơron thần kinh đang “chạy loạn” trong não.
“Đi thôi”! Tiếng đồng nghiệp cất lên, tôi phản xạ tự nhiên, thoắt cái ra đến cửa máy bay thuận lợi, đứng đầu “hội những người tiên phong” xuống tác nghiệp.
May mắn, dù lần đầu đi đoàn, nhưng việc tác nghiệp tại sân bay diễn ra thuận lợi làm tiền đề cho tôi yên tâm hành nghề tại các sự kiện tiếp theo.
Tác nghiệp đoàn rời không hề kém căng thẳng, đó còn là cuộc “chạy đua” với thời gian để phát tin. Cũng trong chuyến tháp tùng lãnh đạo cấp cao lần đầu tiên đó, khi đoàn rời, do không “thủ sẵn” wifi nên có tin, có ảnh rồi, tôi vẫn chưa thể gửi về nhà được. May mắn được đồng nghiệp Báo Quân đội Nhân dân cho mượn wifi và chóng chóng gửi tin...
Đến nay, với kinh nghiệm năm năm tháp tùng lãnh đạo cấp cao, tác nghiệp tại sân bay vẫn là việc khiến tôi “đau đầu” nhất trong mỗi chuyến đi...
Đồ nghề mỗi chuyến công tác nước ngoài của tác giả.
Suýt “lạc” lãnh đạo
Tháng 8/2024, tôi vinh dự được tháp tùng đoàn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và may mắn được cử tác nghiệp các hoạt động của Phu nhân Tổng Bí thư.
Đây là lần thứ hai tôi tác nghiệp tại Lễ đón chính thức ở Trung Quốc, diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, chỉ khác, lần trước tổ chức đón trong nhà, lần này tổ chức đón ngoài trời. Ngay sau khi kiểm tra an ninh vào Đại lễ đường, tôi tách riêng với đoàn phóng viên Việt Nam cùng với các phóng viên thường trú một số báo được phía bạn dẫn vào phòng sẽ diễn ra cuộc gặp giữa hai Phu nhân Tổng Bí thư để “ngó” trước địa hình.
Sau khi tiền trạm và hình dung được kịch bản, bất ngờ, phía bạn thông báo, tất cả sẽ ở tại đây, đợi hai Phu nhân vào và không ra lễ đón với lý do khi lễ đón kết thúc, tất cả cánh cửa dẫn vào trong phải đóng lại, phía bạn không bảo đảm có thể dẫn tôi kịp trở lại cuộc tiếp này.
Ngoài tháp tùng hoạt động Phu nhân, tôi vẫn cần bảo đảm thông tin các hoạt động của Tổng Bí thư. Tôi nhờ đồng nghiệp phiên dịch, nói với phía bạn nhờ bạn dẫn ra khu vực lễ đón và tôi sẽ chạy thật nhanh trở lại phòng tiếp sau khi lễ đón kết thúc. Bạn đồng ý, nhưng vẫn nhắc lại: “Sẽ dẫn đi, nhưng không bảo đảm vào kịp, phóng viên tự chịu trách nhiệm”.
Tôi bấm thời gian thử, quan sát kỹ đường đi, vì trong sảnh khá nhiều cửa. Lễ đón diễn ra trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân trong tiếng vang 21 phát đại bác. Khi lễ đón vừa kết thúc, tôi theo dòng phóng viên chạy theo, nhưng còn ngập ngừng vì cán bộ phía bạn khi nãy dẫn tôi đi rất bình tĩnh. Tôi đứng sau hàng chục phóng viên cao to, máy móc lỉnh kỉnh, cánh cửa đóng lại trước mắt mà tôi chưa bước qua được… Tim tôi lại tăng lên 150 nhịp/phút(!).
Khi tôi đang cố gắng bình tĩnh lại… cánh cửa mở ra, tất cả lao vào, ai cũng muốn thật nhanh để có vị trí tác nghiệp. Tôi không còn nhìn thấy cán bộ dẫn đường đâu, tôi lao theo dòng phóng viên… Đường đi lúc này khác với con đường lúc trước. Tôi quay trái, quay phải, đi tiếp, hay rẽ hướng nào, thì đúng lúc đó, tôi thấy hai Phu nhân rẽ trái, tôi nhanh chóng chạy theo, nhưng lại bị cảnh vệ chặn lại. Tôi gọi to tên cán bộ lễ tân của ta và tiếp tục theo kịp để tác nghiệp...
Không ít người gặp vấn đề về máy móc khi đang tác nghiệp.
Máy ảnh hỏng khi tác nghiệp ở nước ngoài…là cảm giác thế nào?
Đời phóng viên ảnh, không ít người gặp vấn đề về máy móc khi đang tác nghiệp. Tôi cũng không ngoại lệ, thậm chí còn được “combo” sự cố khi tác nghiệp ở nước ngoài và đoàn chỉ có một phóng viên là tôi.
Tháng 4/2024, tôi được cử tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự hội nghị tại Quảng Tây, Trung Quốc. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Ngoại giao có nhiều hoạt động trước khi diễn ra cuộc gặp với người đồng cấp. Tác nghiệp tại Thác Bản Giốc, đang hăng say bấm thì bỗng dưng... màn hình tắt ngấm. Tôi nhanh chóng lấy pin dự phòng ra thay. Máy vẫn im lìm, đen xì. Tim tôi nhảy lên mức 140 nhịp/phút. Rút điện thoại tác nghiệp lúc này là giải pháp tình thế nhưng hiệu quả.
Theo lịch trình, đoàn rời Bản Giốc và bốn tiếng nữa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có cuộc họp với người đồng cấp Vương Nghị - cuộc họp quan trọng nhất trong chuyến công tác.
Tôi lên mạng, tra cách sửa lỗi. Hết trang này đến trang khác, khắp diễn đàn này đến diễn đàn khác, vẫn không có kết quả. Tôi hoang mang nhắn cho thợ sửa máy ảnh ở Hà Nội, biết đâu có cách.
Tôi miêu tả, màn trập - bộ phận của máy ảnh có thể đóng mở cho phép ánh sáng đi qua trong một khoảng thời gian xác định, ánh sáng sau khi đi qua ống kính và màn trập được phơi trên phim hoặc cảm biến ảnh nhạy sáng để thu được ảnh tĩnh của cảnh – không thể mở, đang ở trạng thái đóng.
Theo lời chỉ dẫn của thợ sửa máy ảnh, tháo ống kính lắp lại, rồi lại tháo pin, làm sạch cảm biến… chiếc màn trập vẫn không nhúc nhích. Tôi tính đóng máy cất đi, thì nhận được tin: “Em thử tháo ống kính, tắt máy, sau đó không lắp ống kính và bật máy, bấm thử. Nếu không được thì anh bó tay rồi”.
Tôi hít một hơi thật sâu, hy vọng lần thử này có kết quả. Và rồi, tiếng màn trập giòn giã vang lên. Sau gần một tiếng đồng hồ, màn trập đã hoạt động trở lại.
Những chuyến công tác sau này, để hạn chế tình trạng tương tự, tôi luôn mượn thêm bộ máy ảnh nữa. May mắn, đồng nghiệp ở các báo khác sẵn sàng giúp tôi, kể cả người chưa từng gặp tôi. Tôi vô cùng biết ơn!
Nguyễn Hồng
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/chuyen-nho-nho-cua-tgvn-khi-phong-vien-anh-thap-tung-doan-cap-cao-301836.html