Những “nghệ sĩ” tài hoa
Chúng tôi tìm đến “sân khấu” đờn ca tài tử ấy vào một ngày giữa tháng 4-2025, khi cái nắng oi ả bao trùm vùng đất ngã ba sông. Nếu không có người ra đón từ cửa, chúng tôi thật không thể nghĩ đây là nơi hội tụ của những người tài hoa một thời.
Trong căn phòng hun hút, có phần ẩm thấp phía sau khu vực kho phế liệu, một nhóm người đam mê đờn ca tài tử ở khu vực Đông Nam tỉnh đang say sưa hát cho nhau nghe những bài ca cổ đầy mê đắm, hòa quyện cùng tiếng đàn kìm, đàn cò, đàn bầu và organ.
“Sân khấu” được dựng lên trong căn nhà của bà Nguyễn Thị Hoa-người từng biết đến với nghệ danh Lệ Hoa và là chánh ca của Đoàn Cải lương Hòa Bình 1 thuộc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Phú Yên (cũ). Từ bé, khi còn ở quê nhà tại huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), bà Hoa đã đam mê âm nhạc, nhất là cải lương. Mỗi khi có đoàn cải lương về quê hoặc các vùng lân cận biểu diễn, bà đều lặn lội đến xem.
Nhà nghèo, không có tiền mua vé, bà Hoa phải len lỏi chui rào vào khu vực các diễn viên hóa trang. Thương cô bé thôn quê mê nhạc, các nghệ sĩ sẵn sàng bố trí cho bà một chỗ ngồi ngay bên cánh gà.
Với niềm đam mê cải lương, bà Hoa trốn cha mẹ đi theo Đoàn Cải lương Hương Hương Bình-tiền thân của đoàn Hòa Bình 1. Ban đầu, cô thiếu nữ miền biển được bố trí nhiệm vụ soát vé, dọn dẹp. Dần dà, bà bắt đầu tập hát. Với giọng ca trời phú của mình, bà Lệ Hoa chính thức trở thành chánh ca được khán giả đặc biệt yêu thích. Không những vậy, bà còn có một tình yêu đẹp với trưởng đoàn cải lương rồi sau đó nên nghĩa vợ chồng.
“Thập niên 80 của thế kỷ trước là thời kỳ hoàng kim của các đoàn cải lương. Chúng tôi đi diễn từ Bắc chí Nam, trong đó không ít lần lên Gia Lai-Kon Tum biểu diễn. Mỗi nơi đoàn đến đều được đón chào rất nồng nhiệt, bất kể mưa gió bão bùng, khán giả xếp hàng chật kín hàng giờ đồng hồ trước khi mở màn biểu diễn. Được hát trên sân khấu, bên dưới là đông kín khán giả là cảm giác mà bất kỳ ca sĩ nào như chúng tôi cũng thấy kiêu hãnh”-bà Hoa tự hào nhắc nhớ.
Thế nhưng, sang thập niên 90 của thế kỷ XX, cải lương rơi vào giai đoạn thoái trào khi các dòng nhạc thị trường bắt đầu du nhập. Sân khấu dần vắng bóng khán giả khiến các đoàn cải lương rơi vào tình trạng thua lỗ. Ca sĩ, nhạc công dần dần bỏ đoàn để đi tìm bến đỗ tốt hơn. Vợ chồng bà Hoa cũng phải bán hết tài sản gia đình để gồng gánh tiền công cho diễn viên trong đoàn bởi thu không đủ chi, trợ cấp của Nhà nước thì không đáng kể.
Năm 1993, đoàn cải lương của bà Hoa tan rã mỗi người một nơi. Vợ chồng bà trở về với 2 bàn tay trắng cùng cảnh nợ nần. Cái nghèo khiến bà phải lao vào cuộc sống mưu sinh để nuôi con cái. Tạm biệt ánh đèn sân khấu với bao nước mắt hoài niệm, bà lặn lội lên thị xã Ayun Pa làm nghề thu mua phế liệu từ thuở đó.
Nghệ nhân Ưu tú Phan Thanh Kính nổi tiếng với giọng ca ngọt ngào, truyền cảm. Ảnh: V.N
Trong nhóm những người mê đờn ca tài tử ở khu vực Đông Nam tỉnh có một nghệ sĩ đặc biệt được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2019.
Ông là Phan Thanh Kính (SN 1956, trú tại xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Ở tuổi thất thập, mỗi khi nhắc về ký ức của một thời vang bóng, ông Kính lại ánh lên những nét rạng ngời từ đôi mắt.
Lớn lên trong một gia đình nghèo ở miền quê Tây Hòa, từ năm 12 tuổi, ông đã phải bươn chải đủ nghề để mưu sinh. Cậu bé Kính thời đó với đôi chân đất đi bán bánh mì, bán cà rem, tích góp từng đồng để đi học. Trong những ngày rong ruổi khắp ngõ ngách ấy, ông tình cờ nghe được những bài cải lương, đờn ca tài tử phát từ chiếc cassette của vài gia đình. Nghe nhiều, rồi tự khắc thấy ngấm, thấy hay.
Ông Lại Quang Minh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa: “Đờn ca tài tử là dòng nhạc dân tộc đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013. Chúng tôi rất trân trọng khi những người có tài năng, đam mê, mong muốn giữ lửa văn hóa dân gian đã chọn Ayun Pa làm bến đỗ. Trung tâm sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với nhóm, khuyến khích họ tham gia các chương trình văn hóa trên địa bàn cũng như hỗ trợ để tổ chức các buổi biểu diễn ý nghĩa, lan tỏa tới công chúng. Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn nét đẹp văn hóa dân gian sẽ được phát huy và bảo tồn, làm đa dạng, phong phú các loại hình nghệ thuật tại địa phương”.
Chiến tranh khiến gia đình ông Kính lưu lạc vào Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chuyện học hành của ông đành dang dở. Nhưng cũng tại đây, ông lại bắt đầu nhen nhóm tình yêu với nhạc cổ. Cụ Phan Khúc (cha ông Kính) là nhạc công của Đoàn tuồng Phước Thành nên hàng ngày, ông theo cha tập hát những bài cải lương của nghệ sĩ Minh Phụng, Lệ Thủy…
Sau ngày giải phóng, gia đình ông Kính trở lại quê hương Tây Hòa. Lúc này, đam mê đờn ca tài tử đã ngấm vào trong máu nên ông quyết tâm theo đuổi.
Ông Kính bồi hồi nhớ lại: “Nhà tôi cách Tuy Hòa hơn 20 km, đường sá rất xấu, chỉ có chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa sửa nhưng ngày nào tôi cũng đạp xe đến nhà nghệ nhân Mai Hoàng học nghệ. Có những hôm đi từ chiều tối mà đến 2-3 giờ sáng hôm sau tôi mới về tới nhà. Càng học càng mê, càng thấy nó rộng lớn. Vậy nên sau này, tôi còn lặn lội đi tầm sư ở tận các tỉnh phía Nam”.
Trong sự nghiệp làm nghệ thuật của mình, ông Kính nổi tiếng với giọng ca ngọt ngào, truyền cảm và đã giành được rất nhiều giải thưởng ở các liên hoan đờn ca tài tử trong nước. Không những vậy, ông còn sáng tác các bài nhạc đờn ca tài tử và là soạn giả của nhiều vở kịch cải lương.Đồng thời, ông cũng thành lập các câu lạc bộ nhằm truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ.
Nơi đam mê được tìm lại
Hiện tại, nhóm đờn ca tài tử sinh hoạt tại thị xã Ayun Pa có 8 thành viên chính thức đến từ các địa phương như: Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện và tỉnh Phú Yên. Họ đều đã ở tuổi trung niên, trong đó, ông Kính được xem như một người thầy bởi sự am hiểu về loại hình nghệ thuật này. Nhóm thường tập trung sinh hoạt 3-4 lần/tháng và mỗi lần như vậy, vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Phan Thanh Kính đều lặn lội hơn 130 km đến tham gia.
Nhóm những người đam mê đờn ca tài tử tại thị xã Ayun Pa trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: V.N
“Khi gặp gỡ những người đồng điệu ở Ayun Pa, tôi cảm thấy rất đáng quý. Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau, khả năng và sở trường cũng chẳng giống nhau. Thế nhưng, chúng tôi có điểm chung là đều đam mê cháy bỏng và rất tâm huyết với đờn ca tài tử. Gặp nhau, chúng tôi cùng ngân lên câu hát để được sống lại với những ký ức xưa cũ, kỷ niệm một thời”-ông Kính trải lòng.
Còn với ông Nguyễn Đức Chuyên (SN 1972, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa)-1 trong 3 nhạc công của nhóm, những buổi sinh hoạt đờn ca tài tử là khoảng thời gian tâm hồn ông được thư giãn, bay bổng với những nốt nhạc. Vốn là một quân nhân đã nghỉ hưu và vì đam mê với đờn ca tài tử nên ông Chuyên đã tự mày mò học chơi các loại đàn trong “tứ tuyệt”.
Thời gian đầu, ông chỉ đàn “chay” bởi không có ai biết hát loại hình nghệ thuật dân gian Nam Bộ này. Đến khi kết nối được với các thành viên trong nhóm yêu đờn ca tài tử hiện tại vào năm 2021, ông đã có thể phô diễn khả năng chơi đàn của mình, đồng thời mở mang thêm kiến thức nhờ những người bạn tri âm.
Ông Chuyên bộc bạch: “Trước kia, tôi chỉ lọ mọ một mình với các nhạc cụ nên cảm thấy rất lạc lõng. Nhưng từ khi tìm được những người có cùng sở thích, tôi mới thực sự được thỏa mãn khao khát bấy lâu. Không chỉ vậy, tôi còn vui hơn khi được gặp những nghệ nhân, những giọng ca cải lương lão làng từng đứng trên sân khấu trước hàng ngàn người”.
Trong nhóm còn có 1 người khá đặc biệt là bà Trần Thị Ca (SN 1957, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, bà Ca đã rong ruổi cùng Đoàn tuồng Minh Đỏ ở quê nhà Tây Sơn, Bình Định. Nhưng rồi nhà nghèo, bà phải gác lại câu hát, lặn lội theo gia đình lên mảnh đất Ayun Pa làm ăn từ đầu những năm 80. Vất vả nuôi 6 người con trưởng thành, bây giờ, bà mới có dịp tìm về niềm đam mê còn dang dở.
“Dù đã rời xa sân khấu hàng chục năm, lao vào vòng xoáy với công việc, con cái nhưng trong thâm tâm tôi luôn ao ước một ngày nào đó sẽ được ca hát trở lại. Dòng nhạc này nay còn rất ít người đam mê nên tôi không có cơ hội, phần vì ngại ngần. Sau khi gặp được mọi người có chung đam mê ở đây, bản thân như được sống lại trong lòng những cảm xúc của tuổi trẻ, được hát, được nghe những giai điệu thân thuộc của một thời gian khó mà tự hào”-bà Ca tâm sự.
Tương tự, suốt hàng chục năm lăn lộn với nghề thu mua phế liệu, chánh ca Lệ Hoa năm nào mới lại được cất cao tiếng hát, dẫu chỉ là trên một sân khấu tạm bợ và chỉ với vài khán giả là các thành viên trong nhóm dõi theo. Thế nhưng, với người phụ nữ ấy, như vậy đã là một món quà tinh thần vô giá khi bước qua tuổi xế chiều.
“Chúng tôi hy vọng sẽ kết nối thêm được nhiều thành viên có cùng đam mê hơn nữa, nhất là các bạn trẻ giàu nhiệt huyết với cải lương và đờn ca tài tử. Để từ đó có thể thành lập câu lạc bộ gắn tên gọi hẳn hoi và tổ chức các buổi biểu diễn chính thức. Nhóm cũng đã góp tiền mua trang phục, đạo cụ…
Dự kiến, trong tương lai gần, chúng tôi sẽ dàn dựng và biểu diễn những vở nhạc kịch, các trích đoạn nổi tiếng để mọi người biết đến nhiều hơn”-bà Hoa thông tin.
LÊ VĂN NGỌC