Những người lính không quân năm xưa tham quan Bảo tàng Phòng không-Không quân trong những ngày tháng 12 lịch sử.
Những ngày tháng 12, trong khí thế hào hùng hướng tới kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân lại có dịp hội ngộ với những người đồng đội, giao lưu với công chúng.
Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng Trung tướng Phạm Tuân vẫn nhớ rất rõ nhiệm vụ đặt ra cho Bộ đội Phòng không-Không quân trong chiến dịch Hà Nội - "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.
“Khi ấy, Bộ đội Phòng không-Không quân được lệnh, khi B52 của địch đánh ra Hà Nội, đánh ra miền bắc thì bộ đội ta phải bắn được, phải tiêu diệt bắn rơi máy bay và bắt sống giặc lái. Bởi chỉ có bắn rơi được B52 tại chỗ, bắt sống được giặc lái mới làm nhụt được ý chí của kẻ thù cũng như của nhà cầm quyền, của lãnh đạo Nhà Trắng và lầu 5 góc. Đấy là phương châm chỉ đạo tác chiến tích cực và Bộ đội Phòng không-Không quân phải thực hiện bằng được”, Trung tướng Phạm Tuân cho biết.
Trong cái lạnh tái tê của những ngày đông Hà Nội, Đại tá Nguyễn Công Huy, Nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không-Không quân, thong dong dạo bước, ngắm nhìn những chiếc máy bay tại Bảo tàng Phòng không-Không quân từng gắn bó một thời với mình .
Đại tá Nguyễn Công Huy tham quan Bảo tàng Phòng không-Không quân.
Năm 1972, Nguyễn Công Huy là một trong 14 phi công của Đại đội bay đêm thuộc Trung đoàn Không quân 921, sau này là Phi đội 5. Trực tiếp được tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, phi công Nguyễn Công Huy hiểu rất rõ những khó khăn mà quân ta đang phải đối mặt.
Ông tường tận kể lại từng chi tiết: “Khi ấy, Mỹ đã đánh phá toàn bộ các sân bay của chúng ta. Không một sân bay nào còn nguyên vẹn. Kể cả bay ngày hay bay đêm, chúng tôi rất gặp rất nhiều khó khăn. Đoạn đường băng cự ly chỉ còn khoảng vài ba trăm mét. Chúng tôi phải tìm cách cất cánh trên đường 5 với chiều rộng chỉ 16m. Ban ngày bay khó khăn, bay vào ban đêm lại khó khăn hơn. Hệ thống đèn gần như bị đánh nát hết, nên không nhìn thấy gì”.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, là một trong những người trực tiếp tham gia chiến đấu bắn rơi máy bay B52. Năm 1972, Nguyễn Đình Kiên là sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 57 Trung đoàn Tên lửa số 261 thuộc Sư đoàn Phòng không Hà Nội. (Tiểu đoàn 57 là đơn vị duy nhất của bộ đội tên lửa, trong một đêm bắn rơi 2 máy bay B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm).
Cũng như bộ đội không quân, thời điểm trước chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, bộ đội tên lửa phải đối mặt với vô vàn khó khăn cả về mặt khách quan và chủ quan.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết: "Thời điểm đó tiểu đoàn của chúng tôi sử dụng bộ khí tài cũ nhất của trung đoàn khi ấy. Cùng với đó, sự đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm của Mỹ tạo nên sự căng thẳng rất lớn. Mùa đông năm đó, trời rất lạnh chỉ khoảng 5-6 độ C mà bộ đội chỉ có mỗi chiếc áo dệt kim cùng bộ quân phục nên rét lắm”.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên (người mặc quân phục) tham quan một triển lãm tại Hà Nội.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết: “Từ những năm 1966, 1967, 1968, 1969, quân chủng đã đưa mấy trung đoàn tên lửa vào phía nam để làm quen với chiến trường Quân khu 4 và đặc biệt là là rút kinh nghiệm cách đánh B52. Với quyển cẩm nang sách đỏ và kinh nghiệm của các đơn vị phía nam đã đúc rút được, chúng tôi đã áp dụng, làm phương án để tổ chức huấn luyện bộ đội. Và kinh nghiệm đó đã giúp chúng tôi tự tin bước vào chiến dịch có thể phát hiện và tiêu diệt được B52”.
Theo Đại tá Nguyễn Công Huy: "Khi ấy, chúng tôi sử dụng máy bay Il 28 của đơn vị bạn, đây là loại là máy bay ném bom hạng trung, có tốc độ nhỏ mà thân hình tương đối to, làm mục tiêu để tập luyện và chúng tôi tập liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm".
Không chỉ chuẩn bị về công tác chiến đấu, công tác tư tưởng cũng được chuẩn bị rất kỹ càng. Những chàng trai tuổi đôi mươi lên đường chiến đấu chỉ mang theo một tâm niệm duy nhất chiến đấu vì Tổ quốc, mọi việc riêng, nỗi niềm riêng đều được gác lại.
"Ngày 16/4/1972, bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ, chúng đánh vào miền bắc và đánh ngay vào Hà Nội. Thời điểm đó, tôi cũng đã xác định, trong cuộc chiến này mình có thể còn, cũng có thể sẽ hy sinh. Do vậy, từ ngày 16/4, tôi đã không viết thư về nhà nữa để gia đình quen dần với sự vắng mặt của mình”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên chia sẻ.
Mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy nhưng khi cuộc chiến nổ ra, thực tế ác liệt gấp hàng nghìn lần, hàng loạt những vấn đề phát sinh ập đến. Sự khốc liệt dường như vượt qua ngoài sức tưởng tượng. Nhưng không ai vì thế mà nản chí, thậm chí ngược lại, điều đó còn trở thành động lực để những người lính tiếp tục chiến đấu kiên cường, quả cảm hơn.
Đại tá Nguyễn Công Huy nhớ lại: "Giai đoạn đó, chúng tôi xuất kích ở sân bay này thì phải hạ cánh sân bay khác. Thí dụ sáng xuất kích từ sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài) thì buổi trưa có thể hạ cánh ở sân bay Yên Bái, buổi tối lại ngủ ở sân bay Thọ Xuân. Hành trang chúng tôi chả có gì cả ngoài bộ quần áo bay, một cuốn nhật ký, một chiếc khăn mặt".
Chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm trở thành một phần ký ức không thể lãng quên của Đại tá Nguyễn Đình Kiên.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất của bản thân và bộ đội tên lửa trong chiến dịch 12 ngày đêm, Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết: Ngày 28/12/1972 là ngày tôi nhớ nhất không thể nào quên. Lúc đó khí tài có, đạn có, nhưng lệnh của cấp trên là tên lửa chỉ được dành để đánh B52, còn không quân chiến thuật như F4 thì ta không được đánh ban ngày. Hơn 1 giờ chiều ngày 28/12, tám chiếc F4 bay thẳng vào trận địa. Nhìn máy bay địch cắt bom vào trận địa, nhưng vì tuân lệnh cấp trên, chúng tôi không bắn”.
Bằng ý chí kiên cường, sáng tạo và kỷ luật, những người lính đã làm nên chiến thắng vĩ đại trên bầu trời Hà Nội. Trong số rất nhiều những người lính trở về hôm nay còn nhiều nữa những người đã mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Trong số ấy không thể không kể đến Liệt sĩ, Anh hùng Vũ Xuân Thiều.
Đêm 28/12/1972, sau khi phóng 2 quả tên lửa trúng mục tiêu, máy bay của phi công Vũ Xuân Thiều đã lao thẳng vào chiếc B52 trên vùng trời Sơn La. Chiếc máy bay B52 của kẻ thù đã bị hạ bởi không quân Việt Nam, nhưng phi công cảm tử Vũ Xuân Thiều thì mãi mãi không bao giờ về nữa. Anh đã tự biến mình thành quả tên lửa để tiêu diệt kẻ thù.
Hơn 50 năm đã trôi qua, những chàng trai tuổi đôi mươi khi ấy giờ đây đã bước qua tuổi thất tuần. Nhìn lại cuộc chiến đã đi qua, những người lính năm xưa vô cùng khiêm nhường, không ai nhận chiến thắng cho riêng mình, với họ đó là chiến thắng của dân tộc, của một tập thể yêu nước, của những con người sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.
THANH DUNG