Chuyện những quan trắc viên 'bắt bệnh' siêu bão thế kỷ Yagi

Chuyện những quan trắc viên 'bắt bệnh' siêu bão thế kỷ Yagi
7 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp đến trung tâm dự báo để kiểm tra cũng như chỉ đạo công tác dự báo bão Yagi
Siêu bão với những điều chưa từng có
Yagi được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây và cũng là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.
Mức độ giảm cấp của bão Yagi trên đường đi cũng không theo quy luật. Trong khi thông thường, khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3, cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13. Điểm đặc biệt nữa là thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ) nên đã gây ra một đợt mưa cực lớn và kéo dài khắp miền Bắc. Cụ thể, từ 7h ngày 7-9-2024 đến 7h ngày 12-9-2024, ở Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 250-450mm, có nơi trên 550mm. Tại 83/84 trạm đo, lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9-2024. Mưa lớn xối xả cùng với nước thượng nguồn đổ về khiến mực nước lũ trên nhiều sông như sông Lô, sông Chảy, sông Hồng đều lên mức kỷ lục chưa từng ghi nhận trong lịch sử của ngành quan trắc.
Những đêm trắng phân tích, thảo luận tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong suốt thời gian bão Yagi xuất hiện và đổ bộ
Trong các phiên họp thảo luận trực tuyến của cán bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia với các chuyên gia quốc tế thuộc Trung tâm Dự báo bão khu vực của Nhật Bản và Cơ quan Khí tượng Trung Quốc đều chung nhận định về đặc điểm bất thường của bão số 3 và mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra ở Vịnh Bắc bộ, vùng Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực phía Nam Trung Quốc. Đến giờ nhớ lại, toàn bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và những người làm công tác “bắt bệnh ông trời” đều thống nhất, những ngày đầu tháng 9-2024 sẽ trở thành những ngày tháng không thể quên trong suốt cuộc đời làm dự báo.
Không thể quên bởi những ngày không ăn không ngủ, không thể quên bởi sức mạnh khủng khiếp cũng như hoàn lưu của bão trên đất liền “sống” lâu ngoài sức tưởng tượng khiến cả miền Bắc nhiều ngày chịu trận; khó quên bởi những đêm căng mình phân tích, đánh giá, thảo luận để đưa ra những cảnh báo sớm nhất, sát nhất có thể; không thể quên bởi những cán bộ thủy văn tròng trành trên chiếc thuyền nhỏ, lao ra giữa dòng nước lũ lịch sử chảy xiết để có những số liệu thực đo cung cấp cho hậu phương… Ngày 2-9, bản tin đầu tiên về bão Yagi được phát đi từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia với những kịch bản đáng lo ngại. Đến sáng 3-9, bão đi vào Biển Đông với cấp 8, giật cấp 11 sau đó liên tục tăng cấp - đây cũng là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông. Ngày 5-9, Yagi trở thành siêu bão, sức gió duy trì mạnh nhất là 260km/h. Ngày 7-9, bão chính thức đổ bộ vào đất liền nước ta với cường độ dữ dội và tiếp sau đó là chuỗi những ngày nước lũ cuồn cuộn đổ về khắp các hệ thống sông ngòi ở miền Bắc. Đèn ở Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong những ngày “bắt bệnh” bão Yagi chưa khi nào tắt.
Chị Nguyễn Thanh Bình - Dự báo viên Phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chia sẻ, bão Yagi mang đến sự căng thẳng cho chị và đồng nghiệp ngay từ những ngày đầu hình thành và cụm từ “chưa từng có, chưa từng gặp” liên tục được lặp lại trong suốt những ngày căng thẳng dõi theo bão số 3. “Nhiệm vụ của tôi là thường xuyên theo dõi những bức ảnh chụp từ vệ tinh, được chụp trên 16 kênh phổ, ảnh radar, thông tin từ các trạm quan trắc, cập nhật liên tục 10 phút/lần. Cứ một tiếng một lần, tôi phải xác định vị trí tâm bão ở đâu, cường độ bão như thế nào bởi khi vào gần bờ, mỗi thay đổi nhỏ của cơn bão đều rất quan trọng. Công việc cứ thế lặp đi lặp lại từ 7 giờ tối ngày hôm trước tới 7 giờ sáng ngày hôm sau. Thực sự đó là chuỗi ngày ăn ngủ cùng bão” - chị Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Để đưa ra những phân tích chính xác nhất về tình hình cơn bão đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung, nghiêm túc. Từ những bức ảnh cũng như thông tin này, sẽ xây dựng thành những bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi rộng rãi.
Cơn bão Yagi được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây
Khắp nơi mênh mông nước…
Trạm trưởng Trạm Thủy văn Ba Thá, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ - chị Tạ Thị Quý Hợi nhớ lại: “Cơn bão số 3 năm 2024 tai quái vô cùng. Hoàn lưu sau bão gây mưa lớn diện rộng cho miền Bắc, mực nước tăng nhanh đến chóng mặt từng phút một. Các hệ thống sông miền Bắc hứng lũ dữ, liên tục tăng cấp báo động từ báo động I, lên báo động II, rồi báo động III và trên báo động III. Việc dự báo lũ chi tiết, liên tục cho các hệ thống sông trong hoàn cảnh ấy càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho an ninh quốc gia, kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống thiên tai. Những số liệu mực nước thực đo tại các trạm địa phương gửi về khi ấy là nguồn cấp đầu vào cho các bản tin dự báo”.
Cũng theo chị Tạ Thị Quý Hợi, anh chị em phải quan trắc suốt nhiều ngày liên tục, cố gắng để chuyển số liệu 1h/lần hoặc 30 phút/lần về trung tâm dự báo quốc gia nhanh chóng, kịp thời. Việc di chuyển ra công trình đo, tuyến đo ngoài sông giữa dòng lũ dữ vô cùng khó khăn. Trạm thì ngập tới sân nhà; trạm ngập vào nhà; trạm thì muốn ra nơi đặt máy phải đi xa vài trăm mét mà đường ngập sâu tới thắt lưng… “Những ngày trực bão số 3, anh chị em ở trạm phải thay ca, luân phiên ăn ngủ luôn tại công trình. Công trình giếng tự ghi mực nước nhỏ hẹp đến nỗi muốn ngả lưng xuống nền cho đỡ mỏi cũng chật chội, bí bách và ướt át. Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng khi nhìn trời hửng nắng dần sau bão, lũ rút dần chúng tôi lại thấy bao khó khăn, mệt nhọc đều không là gì cả, thấy công việc của mình thật ý nghĩa và động viên nhau hoàn thành mọi nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh”.
Trạm trưởng Thủy văn môi trường Hà Nội Hoàng Ngọc Vệ chia sẻ, công việc “sát sườn” của trạm là quan trắc thủy văn môi trường cung cấp số liệu thực đo phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương. Đặc thù của trạm và vị trí quan trắc khá phức tạp. Tuyến đo mực nước đặt ở trụ số 17 của cầu Long Biên từ cả trăm năm nay, còn tuyến đo lưu lượng đã chuyển từ gần cầu Long Biên đến bến Chương Dương Độ, cách trụ sở trạm gần 3km. Qua thời gian, chế độ dòng chảy có sự thay đổi và trạm phải lựa chọn vị trí quan trắc phù hợp hơn. Đây là điểm khác biệt với hầu hết các trạm thủy văn thường có vị trí “trên bến, dưới thuyền” để thuận tiện cho việc quan trắc.
Mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn cách báo động 3 khoảng 20cm
Anh Nguyễn Hoàng Hải, nhân viên kỹ thuật Trạm Thủy văn môi trường Hà Nội có thâm niên 26 năm lái tàu quan trắc cho biết, trong đợt lũ sau bão số 3, toàn bộ các Trạm Khí tượng thủy văn khác ở Bắc bộ và cán bộ Trạm Thủy văn môi trường Hà Nội phải ứng trực 24/24h liên tục 3 ngày. Đều là những người có thâm niên công tác trên dưới 20 năm trong nghề nhưng đây có lẽ là những ngày không bao giờ quên của đội ngũ cán bộ trạm khi lần đầu tiên chứng kiến lũ sông Hồng ở Long Biên lên gần báo động 3. “Quan trắc viên phải lên cầu Long Biên 1 tiếng/lần để đọc trực tiếp mực nước lũ ở thủy chí trên trụ cầu. Trời mưa to, các phương tiện bị cấm qua lại nên chỉ còn một mình ở trên cầu, nhìn nước sông dâng mỗi lúc một cao, cách một giờ, mực nước sông Hồng tại Hà Nội lại dâng thêm 10cm. Cảm giác như đến “ngày tận thế” vậy!” - chị Bùi Thị Huệ, quan trắc viên Trạm Thủy văn môi trường Hà Nội nhớ lại.
Những đêm trắng canh lũ, ngó mưa rồi cũng qua. May mắn đến chiều tối 11-9-2024, nước lũ sông Hồng tại Hà Nội đã có dấu hiệu chững lại khi chỉ còn cách báo động 3 khoảng 20cm rồi giảm dần, khi đó mới thực sự là lúc những cán bộ trạm mới dám thở phào như trút đi được một gánh nặng đè nén suốt nhiều ngày. Bão, lũ qua đi, cán bộ, nhân viên trạm tiếp tục lại công việc hàng ngày của mình: đo nước, đo mưa, lấy mẫu không khí, phân tích và báo cáo số liệu quan trắc theo ngày, theo tuần, theo tháng... thầm lặng ngay giữa khu vực sôi động nhất của Hà Nội. Không phải đến hiện tại mà đều đặn từ hơn trăm năm qua, các thế hệ quan trắc viên của trạm vẫn miệt mài làm những công việc như vậy, góp sức dự báo tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai.
Chuỗi lịch sử quan trắc sẽ còn nối dài hơn nữa, ngoài số liệu bão, lũ khốc liệt thì vẫn còn có những ngày đẹp trời hanh hao nắng của mùa đông Hà Nội hay những ngày gió heo may se se lạnh của tiết trời cuối thu đầu đông khiến bao thế hệ dự báo viên xao xuyến. Những người lính thầm lặng trên mặt trận “bắt bệnh ông trời” mỗi khi mưa, bão qua đi lại âm thầm làm công việc đo mây, đếm gió của mình như thường lệ, nhưng thẳm sâu trong mỗi người,luôn lưu giữ những ký ức không thể nào quên về những trận cuồng phong, siêu bão trong suốt cuộc đời làm việc của mình!
Ngân Tuyền
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/chuyen-nhung-quan-trac-vien-bat-benh-sieu-bao-the-ky-yagi-post601695.antd