Chuyện ở trường đào tạo kỹ sư lớn nhất phía Nam

Chuyện ở trường đào tạo kỹ sư lớn nhất phía Nam
8 giờ trướcBài gốc
Trường Cao đẳng Điện học thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật, tiền thân của Trường Đại học Bách khoa. Ảnh tư liệu
Hòa nhập đội ngũ - Thách thức lớn đầu tiên
Ngay sau giải phóng, Trường Đại học Kỹ thuật (tên gọi của Trường Đại học Bách khoa TPHCM khi đó) nhanh chóng được Bộ Cơ khí - Luyện kim giao nhiệm vụ tiếp quản. TS Trương Quang Mùi là người đầu tiên đảm nhận công tác này, trước khi GS.TS Đặng Hữu được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Quân quản của trường.
Cuối năm 1975, Ban Quân quản được đổi thành Ban Giám hiệu với GS.TS Đặng Hữu là Hiệu trưởng, trường chính thức bước vào giai đoạn hoạt động mới. Trong năm đầu tiên tiếp quản, quy mô đào tạo của trường gồm 1.200 sinh viên đại học chính quy, 800 sinh viên cao đẳng và 600 tân sinh viên được tuyển vào cuối năm.
Đội ngũ giảng viên gồm 36 cán bộ từ miền Bắc và 147 cán bộ tại chỗ. Tuy nhiên, kinh tế đất nước khó khăn, đời sống cán bộ giảng viên và sinh viên bị ảnh hưởng nặng nề.
Giai đoạn đầu tiếp quản đầy khó khăn này đã được cố GS.TS Trần Hồng Quân (1937 - 2023), người sau này trở thành Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 1977 - 1982 và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1990 - 1997) mô tả trong hồi ký của ông.
Công việc trong trường ngổn ngang trước mắt. Cộng thêm bối cảnh thiếu thốn, cán bộ giảng viên phải ăn khoai thay cơm. Trường phải cử một Phó Hiệu trưởng, “cần cù như một nông dân chính cống”, chăm lo cho việc sản xuất tự túc của trường.
“Đời sống gia đình khó khăn, vợ chồng tôi cũng nghĩ ra nhiều thứ để sản xuất. Ngoài việc cuốc đất trồng rau trong trường, tôi còn mò mẫm chế tạo các thiết bị đơn giản thử chưng cất tinh dầu, điện phân muối làm xút, chưng cồn từ mật rỉ đường…”, trích hồi ký của cố GS Trần Hồng Quân.
Trong bối cảnh ấy, nhà trường đứng trước ba nhiệm vụ lớn: Hòa nhập đội ngũ tại chỗ và cán bộ từ miền Bắc; cải thiện đời sống cho cán bộ nhân viên; tái cấu trúc hệ thống đào tạo và cải tiến nội dung.
Một trong những thách thức lớn nhất trong giai đoạn này là việc hòa nhập đội ngũ cán bộ từ hai miền và khai thác thế mạnh của từng bên. Đây là một nhiệm vụ đầy tinh tế và đòi hỏi sự khéo léo.
Khi tiếp quản, phần lớn cán bộ, nhân viên tại chỗ vẫn ở lại, tiếp tục gắn bó với trường. Họ làm việc với tinh thần tự nguyện, nghiêm túc, tập trung vào công tác giảng dạy, hướng dẫn thực tập cũng như duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị.
Đáng chú ý, nhờ sự chủ động của đội ngũ giáo chức tại chỗ trong việc tổ chức bảo vệ, tài sản nhà trường gần như được giữ nguyên vẹn trong thời điểm giao thời - khi chính quyền cũ sụp đổ và chính quyền mới chưa kịp tiếp quản.
Một số cán bộ miền Bắc khi tiếp quản ban đầu vẫn giữ tác phong quân quản, như hay “ra lệnh” hoặc có thái độ hơi lạnh lùng. Để giải quyết khó khăn này, nhà trường đã đưa một số cán bộ tại chỗ tham gia lãnh đạo các khoa phòng, đồng thời giữ nguyên chức vụ một số trưởng xưởng, trưởng phòng thí nghiệm.
Nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo nhà trường, cán bộ chủ chốt trong các khoa. GS.TS Trần Hồng Quân cũng nhận hướng dẫn một cán bộ tại chỗ còn trẻ, từng là sĩ quan trong chế độ cũ làm nghiên cứu sinh.
Hồi ký nhắc lại: “Đó là Nguyễn Tuấn Kiệt, vốn là một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của trường, bị xung quân giao cho giảng dạy về khoa học tại Trường Sĩ quan Thủ Đức. Sau giải phóng xin trở lại trường, Kiệt làm việc tích cực, nhiều triển vọng. Chúng tôi còn tạo điều kiện cho cậu ấy đi thực tập ở Tiệp Khắc. Sau này Kiệt trở thành chủ nhiệm Khoa Cơ khí Chế tạo máy của trường qua nhiều khóa”.
Tuy vậy, nhà trường vẫn không giữ chân được một số thầy cô giỏi dù đã có nhiều nỗ lực. Phần lớn là đi âm thầm. Nhiều người không hẳn vì đời sống khó khăn hay lý do kinh tế, mà vì muốn tìm cơ hội phát huy năng lực của mình.
Tân cử nhân, kỹ sư Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) trong lễ tốt nghiệp tháng 11/2024. Ảnh: N.Quỳnh
Giải bài toán kinh tế
Giai đoạn 1977 - 1978, khi đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn. Các giảng viên và sinh viên nhà trường đã đối mặt với nhiều thiếu thốn trầm trọng, phải tìm cách tự túc lương thực. Tất cả các mảnh đất trống trong trường đều được trồng rau.
Ngoài ra, nhà trường cũng cử hàng nghìn cán bộ, sinh viên đi xây dựng nông trại 20ha ở Tân Uyên, tỉnh Sông Bé, tức Bình Dương ngày nay, để trồng khoai mì tự túc lương thực. Nhưng thất bại vì dân kinh tế mới ở gần đó còn đói kém hơn nên họ vào thu hoạch không ai giữ nổi. Trường lại tổ chức nuôi cá trê phi theo phong trào sôi nổi và có hiệu quả kinh tế lúc ấy. Nhưng chẳng bao lâu thành thoái trào.
Trong hồi ký của mình, cố GS.TS Trần Hồng Quân cũng cho rằng chuyện sản xuất nông nghiệp để tự túc là điều bất đắc dĩ, hiệu quả rất kém. Cán bộ không được đào tạo về nông nghiệp, không có kiến thức, kinh nghiệm làm nông. Hơn nữa, nông nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
GS.TS Trần Hồng Quân tại nhà riêng ở TPHCM, năm 2019. Ảnh: Mạnh Tùng
Kết quả là trường bỏ ra công sức rất lớn, tốn rất nhiều công của mà thu hoạch lại không được như kỳ vọng. Phó Hiệu trưởng Đặng Hữu Ngươn của trường lúc đó đã nhận xét về kết quả thu được từ các dự án nông nghiệp rằng “chúng ta gieo một hột đậu phộng, thu được hai hột đậu phộng”, chỉ ra sự thiếu hiệu quả từ các hoạt động này.
Trước kết quả đó, trường đã quyết định thôi không làm nông nghiệp nữa, trả đất cho Sông Bé và xác định hướng phát triển của trường trên thế mạnh là đội ngũ cán bộ giảng dạy, ngành nghề đào tạo công nghiệp, dịch vụ, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Tất cả các khoa nhanh chóng chuyển hướng sang tìm các hợp đồng chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật, khảo sát, thiết kế, sản xuất trang thiết bị… tạo thành không khí sôi động.
Cả thầy và trò kết hợp giảng dạy, học tập với lao động theo ngành nghề, thực tập bằng “đánh trận thật”. Các hoạt động này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đem lại hiệu quả kinh tế và giải quyết khó khăn đời sống. Tiêu biểu vào năm 1979, trường có nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ quân đội trong chiến tranh biên giới Tây Nam như máy dò mìn, phòng lạnh ướp tử thi liệt sĩ....
Những đóng góp này giúp nhóm nghiên cứu Khoa Điện được tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1982. Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng trở thành trường nổi bật về nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất trong hội nghị tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tái cấu trúc và cải tiến đào tạo
Một nhiệm vụ then chốt khác mà Trường Đại học Bách khoa TPHCM phải đối mặt là tái cấu trúc chương trình đào tạo. Trong khuôn viên trường lúc ấy đang tồn tại hai trường: Trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ nổi tiếng ở miền Nam và Trường Đại học Bách khoa trung cấp đào tạo bậc cao đẳng và cán sự trung cấp.
Trường phải sắp xếp lại tổ chức, sáp nhập hai trường lại thành một, sẽ chỉ còn đào tạo từ bậc đại học trở lên, dù phải đào tạo tiếp các khóa dở dang của bậc cao đẳng và trung cấp. Sau đó, nhà trường sẽ không tuyển sinh tiếp cho hai bậc này.
Theo cố GS.TS Trần Hồng Quân, tất cả những việc này không khó khăn. Nhưng việc cải tổ phần mềm đào tạo lại có nhiều vấn đề cần đầu tư trí tuệ, đặc biệt là trong xây dựng triết lý đào tạo, mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy. Sự khác biệt về tỷ trọng giữa kiến thức và kỹ năng giữa chương trình đào tạo của miền Bắc và miền Nam cũng tạo ra thách thức trong việc thống nhất nội dung giảng dạy.
Mặt khác, ngành nghề đại học phục vụ cho một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung tuyệt đối thì phần lớn là có “profile” ngành rất hẹp. Một giáo sư từng ví von rằng “quý anh đào tạo người thợ đóng bàn còn chúng tôi đào tạo anh thợ mộc”. Do vậy, trường định hướng chuyển từ đào tạo ngành hẹp sang ngành rộng nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa TPHCM trước đây. Ảnh tư liệu
Vào năm 1982, dưới sự chủ trì của Hiệu trưởng Trần Hồng Quân, trường đã tổ chức một hội nghị quan trọng tại bán đảo Thanh Đa (TPHCM) để đưa ra chiến lược đào tạo. Đây được xem như “Hội nghị Diên Hồng” của trường, thể hiện ý chí nguyện vọng của các cán bộ chủ chốt với quyết tâm xây dựng mô hình đào tạo theo diện rộng, giảm hoặc chỉ đào tạo các ngành hẹp khi có yêu cầu từ sản xuất.
Trường cũng xây dựng quy trình đào tạo phân chia thành ba giai đoạn, gồm khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ sở và chuyên môn. Giai đoạn khoa học cơ bản được xây dựng chung cho từng nhóm, mỗi nhóm gồm nhiều ngành học có yêu cầu chung phần cơ bản nói trên. Kỹ thuật cơ sở cho từng nhóm ngành gần nhau. Giai đoạn chuyên môn thì thiết kế chương trình riêng cho từng ngành.
Với sơ đồ này thì trường có thể tổ chức đào tạo chất lượng, tiết kiệm hơn do có thể tổ chức dạy chung khá nhiều ở 2 giai đoạn đầu, tạo điều kiện nâng cao chất lượng tổng hợp. Đặc biệt, trong khuôn khổ hội nghị, trường còn chuẩn bị đào tạo theo hệ tín chỉ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kết hợp với lao động sản xuất để nâng cao năng lực thực hành cho sinh viên.
Đến năm 1993, đúng như định hướng từ hội nghị ở Thanh Đa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM chuyển sang đào tạo theo hệ tín chỉ, trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương thức đào tạo này.
Đây được xem là bước ngoặt trong lịch sử giáo dục đại học của đất nước. Việc triển khai hệ tín chỉ không chỉ thay đổi cách thức đào tạo mà còn thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.
Các phương pháp giảng dạy mới cũng được áp dụng, khuyến khích sinh viên chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Sau khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, tiên phong là Trường Đại học Bách khoa TPHCM, ngành giáo dục đại học cũng bắt đầu thực hiện chương trình hành động đổi mới toàn diện.
Trường Đại học Bách khoa TPHCM tiền thân là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật (hay còn gọi là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ) được thành lập năm 1957, bao gồm 4 trường thành viên là Cao đẳng Công Chánh, Cao đẳng Điện học, Quốc gia Kỹ sư Công nghiệp và Việt Nam Hàng hải. Năm 1972, Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ được đổi tên thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật, gồm 6 trường thành viên. Đây là cơ sở duy nhất đào tạo kỹ sư và cán sự tại miền Nam lúc bấy giờ. Năm 1974, Học viện Quốc gia Kỹ thuật bị giải tán, trường được đổi tên Trường Đại học Kỹ thuật và là thành viên của Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức.
Năm 1976, trường đổi tên thành Trường Đại học Bách khoa, có nhiệm vụ đào tạo các kỹ sư thuộc lĩnh vực xây dựng công nghiệp, thăm dò khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Năm 1996, trường mang tên Trường Đại học Kỹ thuật trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Năm 2001, trường đổi lại tên truyền thống là Trường Đại học Bách khoa. Hiện nay, Trường Đại học Bách khoa là một trong 8 trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM, là trường đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ lớn nhất phía Nam.
Mạnh Tùng
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/chuyen-o-truong-dao-tao-ky-su-lon-nhat-phia-nam-post726637.html