Nghề rèn truyền thống nghìn năm
Nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh linh thiêng, phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, nơi lưu giữ một trong những nghề thủ công lâu đời nhất ở miền Trung đó là nghề rèn. Gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng nghề này là huyền thoại về ông Đùng - ông tổ nghề rèn, người được dân gian truyền tụng như vị Thánh Thợ rèn đầu tiên khai sáng nghề rèn cho dân làng.
Theo truyền thuyết lưu truyền, vào thời nhà Lý (1009 - 1225), ông Đùng sống ẩn dật trên núi Hồng Lĩnh. Chứng kiến cuộc sống của dân làng cơ cực, thiếu thốn công cụ sản xuất, ông đã ra tay giúp đỡ. Ông đào đất lấy sắt, chặt cây rừng đốt than và tự tay rèn nên những chiếc cuốc, dao, xẻng… đầu tiên. Không chỉ dừng lại ở đó, ông Đùng còn truyền dạy kỹ thuật rèn cho dân làng, tạo nên nền móng của một làng nghề thủ công độc đáo mà về sau gọi là làng rèn Trung Lương.
Để tỏ lòng biết ơn, người dân Trung Lương đã lập đền thờ Đức Thánh tổ thợ rèn - người khởi thủy và truyền dạy nghề rèn cho người dân tại Rú Tiên (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).
Để ghi nhớ công ơn của người đã mở nghề, người dân Trung Lương đã lập đền thờ ông tại Rú Tiên, gọi là đền ông Thánh Thợ. Hằng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch, người dân tổ chức Lễ tế Đức Thánh tổ nghề rèn – một nghi lễ truyền thống quan trọng, thể hiện lòng tri ân tổ tiên và khẳng định giá trị văn hóa của nghề rèn trong đời sống cộng đồng.
Bằng công nhận làng nghề truyền thống.
Lễ tế Đức Thánh tổ nghề rèn tại Khu di tích Tiên Sơn không chỉ là hoạt động tâm linh mà còn là ngày hội nghề của người dân Trung Lương. Đây là dịp con cháu khắp nơi trở về quê hương, quây quần bên lò rèn đỏ lửa, ôn lại truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm nghề và cùng thắp lên ngọn lửa đam mê trong thế hệ trẻ.
Lễ hội không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa dân gian mà còn khẳng định vai trò cố kết cộng đồng của làng nghề. Trong thời đại hội nhập và đổi mới, việc duy trì lễ tế tổ nghề còn là cách gìn giữ ký ức văn hóa và bản sắc địa phương, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch làng nghề.
Sức sống bền bỉ của làng nghề rèn truyền thống
Nghề rèn Trung Lương từng là kế sinh nhai chính của hàng trăm hộ dân trong làng. Vào thời kỳ hưng thịnh, cả làng ai cũng làm nghề, sản xuất đủ loại công cụ nông nghiệp phục vụ cho vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Âm thanh rèn sắt vang khắp xóm làng, tiếng búa chan chát bên lò than đỏ rực đã trở thành thanh âm quen thuộc của đời sống nơi đây.
Phôi, thép để rèn dao
Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghề rèn Trung Lương đối mặt với nhiều thách thức. Sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, máy móc hiện đại và thay đổi trong cơ cấu lao động nông thôn khiến số hộ làm nghề ngày một giảm. Hiện nay, toàn phường chỉ còn khoảng hơn 100 hộ còn duy trì nghề.
Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề như đào tạo nghề cho lao động trẻ, hỗ trợ vay vốn, khuyến khích đổi mới công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm cũng được chú trọng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Cán dao, dao bầu đang được những người thợ rèn hoàn thiện để đưa đến tay người tiêu dùng.
Điều làm nên thương hiệu cho sản phẩm rèn Trung Lương chính là chất lượng và độ bền vượt trội. Nguyên liệu chủ yếu là thép nhíp ô tô – loại thép có độ đàn hồi cao, sau khi qua bàn tay khéo léo của thợ rèn sẽ trở thành những lưỡi cuốc, dao, rựa... sắc bén và bền bỉ.
Một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn từ nung, rèn, tôi luyện đến mài sắc, đánh bóng... Tất cả đều đòi hỏi sự kỳ công, chính xác và kinh nghiệm lâu năm của người thợ. Dù vất vả, người Trung Lương vẫn tự hào với sản phẩm của mình, bởi đó không chỉ là công cụ lao động mà còn là tinh hoa của một làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Thanh là thế hệ thứ 3 của một gia đình tại phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) tiếp nối nghề rèn truyền thống của cha ông để lại.
Hiện nay, sản phẩm rèn Trung Lương không chỉ được tiêu thụ rộng khắp trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, đó là minh chứng cho chất lượng và uy tín của một làng nghề truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Thanh, gần 60 tuổi là đời thứ ba làm nghề rèn chia sẻ: “Tôi học nghề từ cha và ông nội. Từ thuở còn nhỏ đã quen tiếng búa, tiếng đe. Nghề rèn đã ngấm vào máu, vào hơi thở. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều lựa chọn, tôi vẫn chọn nghề rèn là công việc chính của mình và gia đình. Hơn 10 tuổi tôi bước vào nghề rèn, mới đầu là phụ giúp bố mẹ nhóm lò, dùng búa nhỏ tán phôi sắt làm dao, đến nay cũng hơn 50 năm làm nghề nhưng chưa một ngày nào hết việc.
Nghề truyền thống này không chỉ mang đến công việc ổn định cho người dân mà thu nhập cũng rất tốt. Hiện nay mỗi ngày tôi rèn được khoảng hơn 20 con dao bầu, giá bán mỗi con dao khoảng 60 ngàn đồng, và sản xuất ra đến đâu khách hàng lấy đến đó, thậm chí những lúc cao điểm, vào chính vụ sản xuất không kịp cho người dân. Với những giá trị mà làng nghề mang lại, tôi mong muốn thế hệ trẻ ngày nay lưu giữ, tiếp nối và phát huy được những giá trị của nghề mà cha ông để lại”.
Nhờ lưu giữ làng nghề truyền thống, công việc ổn định quanh năm và thu nhập rất tốt nên làng nghề rèn Trung Lương xuất hiện rất nhiều ngôi nhà được xây dựng rất khang trang.
Huyền thoại ông tổ nghề rèn ông Đùng không chỉ là câu chuyện dân gian mà còn là biểu tượng tinh thần, là cội nguồn của một làng nghề có sức sống suốt cả ngàn năm qua. Trong thách thức của thời đại mới, Trung Lương vẫn không ngừng đổi mới để giữ gìn và phát triển nghề rèn – một di sản văn hóa quý giá và giàu giá trị lịch sử.
Hoàng Sơn