Nói chuyện phiếm là nhu cầu của mọi người ở mọi lứa tuổi (ảnh minh họa).
Những “câu chuyện làm quà” độc hại
Cuộc chuyện phiếm thường được bắt đầu khi có từ hai người, nội dung tùy thuộc vào đối tượng và độ tuổi. Phụ nữ thích nói chuyện về gia đình, người thân, giá cả thị trường, thời trang, chăm sóc sức khỏe,… Giới trẻ hay “tám chuyện” về phim ảnh, ca nhạc, thể thao. Đàn ông thích đề tài về xe cộ, những vấn đề thời sự, đặc biệt là chính trị.
Nếu như trước đây, muốn tham gia các cuộc chuyện phiếm, mọi người phải gặp mặt để trò chuyện nhưng khi công nghệ phát triển, nhờ mạng xã, hội mỗi người có thể tham gia tán gẫu trên rất nhiều hội nhóm, bất kể thời gian nào và với rất nhiều chủ đề mà họ quan tâm.
Càng đông người, cuộc nói chuyện càng rôm rả. Dù trên mạng hay ngoài đời thực, những vấn đề đang có tính thời sự luôn được đem ra bàn tán sôi nổi nhất.
Nhìn nhận một cách khách quan, việc tham gia cuộc chuyện phiếm giúp mọi người giảm bớt căng thẳng, đem lại tâm trạng vui vẻ, phấn khởi, xây dựng mối quan hệ thân thiện, gắn bó giữa các cá nhân trong cộng đồng. Nhiều cuộc chuyện phiếm cũng đem lại thông tin hữu ích và truyền cảm hứng giúp họ giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, tranh thủ được sự ủng hộ, thông cảm của mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, trong cuộc sống có không ít những cuộc chuyện phiếm hết sức vô bổ, ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí rất độc hại. Một số người có thói quen bàn tán, chê bai người khác, nhất là đồng nghiệp cùng cơ quan nhằm mục đích hạ bệ, khiến họ mất uy tín, đồng thời tự khẳng định bản thân là người giỏi giang.
Một số cá nhân luôn muốn thể hiện mình là người quảng giao, biết đủ thứ chuyện trên đời, kể cả chuyện "thâm cung bí sử", thường “úp mở” hé lộ những thông tin “chưa chính thức, còn đang được xem xét”. Những “câu chuyện làm quà” này nội dung thường liên quan đến những quyết sách quan trọng như công tác cán bộ, quy hoạch có tính vĩ mô hoặc chính sách có tác động lớn đến xã hội, mặc dù không có cơ sở đáng tin cậy nhưng vẫn khiến nhiều người tin tưởng. Càng nguy hiểm hơn nếu như “người kể chuyện” đang là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ trong cơ quan, tổ chức.
Trong những ngày này, mọi người luôn quan tâm đến thông tin về sắp xếp lại bộ máy, chế độ chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản, việc sát nhập tỉnh… Đây cũng là chủ đề chính trong các cuộc chuyện phiếm, nhân cơ hội này đã xuất hiện những kẻ háo danh mang những thông tin “mật” để bàn tán “ai đi, ai ở”.
Không chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện còn diễn tiến đến việc đánh giá người này, nhận xét người khác, bao gồm những thông tin thiếu xác thực về đời tư của các đồng chí cán bộ, lãnh đạo, gây nhiễu nhương dư luận với những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân.
Cần thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn
Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2016 đến nay đã có trên 500 đảng viên bị xử lý kỷ luật do nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trên thực tế đang tồn tại tình trạng một số cán bộ, công chức có biểu hiện "hai mặt": Khi ở cơ quan, đơn vị thì phát ngôn và làm theo đúng quan điểm, đường lối của Ðảng, nhưng khi bước ra khỏi cơ quan, đơn vị thì lại có phát ngôn bừa bãi, lệch lạc, đi ngược với lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tổ chức nơi đang công tác.
Thậm chí có cá nhân biểu hiện lợi dụng tự do, dân chủ, phát ngôn tùy tiện, không mang tính xây dựng hoặc sử dụng những thông tin không chính thống, sai sự thật để quy kết, luận bàn thiếu trách nhiệm, thiếu tính xây dựng các vấn đề của đất nước, gây bức xúc dư luận.
Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nêu rõ hình thức kỷ luật khiển trách đối với đảng viên có hành vi tuyên truyền, sao chép, tán phát, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung xấu; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) đối với đảng viên phát ngôn trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lan truyền thông tin không đúng sự thật…
Việc phát ngôn của mỗi người là yếu tố văn hóa, chấp hành kỷ luật phát ngôn không chỉ là lối sống có văn hóa mà còn là thái độ, ý thức thực hiện các quy định đối với đảng viên.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bao gồm nghiêm túc chấp hành kỷ luật phát ngôn. Cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức, phát ngôn đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, cần phải cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo trước khi phát ngôn. Chủ động nghiên cứu, học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao "sức đề kháng" trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, để không bị suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Ðẩy mạnh tự phê bình và phê bình nhằm góp phần nâng cao năng lực bản thân cũng như ý thức, trách nhiệm của mình đối với xã hội, đất nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, nỗ lực thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng. Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị, khóa XIII, Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới có nội dung: “Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị, phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức”.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần đổi mới hơn nữa nội dung sinh hoạt, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật. Yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nói và làm theo nghị quyết của Đảng, kiên quyết không a dua, không hùa theo những luận điệu xấu, những thông tin chưa được kiểm chứng.
Trong sinh hoạt chi bộ, chi ủy cần thường xuyên nhắc nhở đảng viên giữ gìn kỷ luật phát ngôn, hạn chế tình trạng lấy “câu chuyện làm quà” dẫn đến có những phát ngôn không chính xác.
Ngọc Khuê