Chuyện sáp nhập, đặt tên xã nhìn từ trường hợp huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu ở Nghệ An

Chuyện sáp nhập, đặt tên xã nhìn từ trường hợp huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu ở Nghệ An
một giờ trướcBài gốc
Nói chuyện với cán bộ lão thành cách mạng miền Trung, Tây Nguyên, Tổng bí thư Tô Lâm cho biết: “Cấp xã là cấp quan trọng nhất vì đây là nơi gần dân nhất. Đồng thời là nơi tổ chức triển khai tất cả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước”.
Theo Tổng Bí thư, với mô hình 4 cấp như hiện nay thì cấp xã chủ yếu giải quyết các công việc hành chính mà không được phân cấp, phân quyền để lo về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục… Do vậy những yêu cầu đặt ra ở cấp xã trong mô hình mới sẽ rất lớn, khi giải quyết được hầu hết các thủ tục của dân.
Trung tâm huyện Diễn Châu. Ảnh: Báo Nghệ An
"Cán bộ xã ở cơ sở phải nắm bắt được tất cả tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Phải biết được người dân đang mong muốn gì? Khó khăn về cái gì? Cần giúp đỡ cái gì? Những nội dung này xã phải giải quyết, chứ làm sao tỉnh đến được", Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của cấp xã trong mô hình mới.
Chia sẻ đó của Tổng Bí thư cho thấy một quan điểm quản trị xã hội mới, hướng đến hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở, và cơ hội để xây dựng một cấu trúc chính quyền cơ sở hiệu quả, như lời ông nói ở một dịp khác “với tầm nhìn 100 năm”.
Nghị quyết số 76/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực từ 15/4/2025) quy định: “Việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp; cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới; giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc của mỗi địa phương; bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư”.
Về tên gọi, tại nghị quyết trên, UBTV Quốc hội nêu: “Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ”.
Tổ chức không gian kinh tế, xã hội theo mô hình quản trị mới
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở, bao gồm việc hoạch định các phương án phù hợp với nguyên tắc quản trị mới, nhiệm vụ và vai trò của chính quyền cơ sở, vì vậy, không chỉ đòi hỏi sự sâu sát, hiểu biết sâu sắc về địa phương, mà còn là sự nghiêm túc, hiệu quả và quyết liệt của chính quyền cấp tỉnh. Việc sắp xếp không đơn giản là sáp nhập các xã trong một huyện, mà là tổ chức các không gian kinh tế, xã hội theo mô hình quản trị mới của đất nước, nơi chính quyền cấp xã sẽ hoạt động hiệu quả hơn, gần với nhân dân hơn.
Một ví dụ khá thuyết phục về việc sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính cơ sở, là cách thành phố Hà Nội dự kiến lập phường Hồng Hà. Phường này sẽ được lập mới, từ phần đất bên ngoài đê hữu sông Hồng chạy qua nội đô, từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy, vốn thuộc nhiều phường (toàn bộ hoặc một phần) của các quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Do lịch sử, các phần này có chung “yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế” và cũng có chung một loạt vấn đề lâu nay khó giải quyết, như quản lý bờ sông, lòng sông, quản lý nhóm dân cư có cùng đặc điểm, giải quyết các vấn đề tương tự nhau.. Trong đó, có nhiều vấn đề lâu nay bị trì trệ, khi giải quyết đòi hỏi phải phối hợp liên phường, liên quận. Thành lập mới một phường có chung các điều kiện tự nhiên, xã hội sẽ giúp thành phố tiết giảm đầu mối cho cùng một nhóm vấn đề, đồng thời giúp chính quyền cơ sở có thể tập trung, ưu tiên giải quyết những nhóm vấn đề cụ thể, đòi hỏi sự tập trung và hiểu biết về địa phương sâu sắc.
Việc sắp xếp các phường xã Hà Nội, như phương án được đưa ra và được đồng thuận cao, cũng không câu nệ vào các địa giới hành chính cũ, mà được sắp xếp, tổ chức lại theo điều kiện mới, giải quyết được nhiều vấn đề lâu nay do địa giới hành chính cấp quận tạo nên khó khăn.
Tổ chức lại không gian để quản trị phù hợp
Từ đây, nếu nhìn lại phương án sắp xếp, sáp nhập xã hiện nay của tỉnh Nghệ An như mới được công bố, có không ít băn khoăn cần được giải quyết. Tôi xin phép được phân tích từ phương án cụ thể sắp xếp các xã vùng Diễn Châu - Yên Thành - Quỳnh Lưu và Hoàng Mai.
Huyện Diễn Châu, cùng với Yên Thành, Quỳnh Lưu (bao gồm cả thị xã Hoàng Mai, vốn được tách ra từ một số xã phía bắc Quỳnh Lưu), là một vùng đất cổ. Vùng đất bên vịnh Diễn Châu vốn khá trù phú, và có mặt rất sớm trong địa chí Việt Nam. Tên gọi Diễn Châu xuất từ khoảng giữa thế kỷ thứ 7. Vùng Diễn (châu) - Yên (thành) - Quỳnh (lưu) cũng có những mối gắn kết tự nhiên. Khu vực này luôn có vị trí trọng yếu, tới mức từng được tách khỏi Nghệ An, thành châu Diễn khi vua Lý Thái Tông đổi tên châu Hoan thành Nghệ An. Trong nhiều thế kỷ, phủ hay lộ Diễn Châu từng quản lý cả vùng Diễn - Yên - Quỳnh. Khi vua Minh Mạng tách Nghệ An và Hà Tĩnh (1831) thì Diễn Châu là một trong bốn phủ lộ của Nghệ An.
Trên thực tế địa lý, vùng Diễn - Yên - Quỳnh có ranh giới tự nhiên bởi dãy núi phía Nam, ngăn cách Diễn Châu với Nghi Lộc, trong khi sự gắn kết của các cụm dân cư của khu vực này trong nhiều năm không bị phụ thuộc vào ranh giới địa lý cấp huyện. Các địa danh nổi tiếng trong vùng như Giát, Sy, Bùng, Vạn Phần, Dinh...
Các vùng cư dân trong khu vực, do điều kiện tự nhiên và địa lý, cũng có khác biệt căn bản về nghề nghiệp, kinh tế, xã hội.
Ví dụ, những người chuyên nghề chài lưới, và cùng với đó, là làm nước mắm, làm nghề muối, nghề trồng dâu nuôi tằm... tập trung ở các cửa biển, vùng Diễn Châu là theo lạch Vạn và cửa Vạn, ở Quỳnh Lưu là theo cửa lạch Quèn và lạch Cờn. Các làng xã giáp với đường cái quan cũ (Quốc lộ 1 ngày nay) thì phát triển về thương mại và sau này, là công nghiệp nhỏ, trong khi các vùng cư dân dọc theo kênh tưới vốn lấy nước từ Đô Lương thì trồng lúa và làm nghề nông.
Việc phân chia đơn vị hành chính cấp xã mới, vì thế, tốt nhất cần phải dựa trên những “yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế” như yêu cầu trong Nghị quyết của UBTV Quốc hội đã dẫn.
Phân chia các xã, vì thế không chỉ là để giảm số lượng cấp xã xuống theo chỉ tiêu, mà còn là tổ chức lại không gian để quản trị phù hợp.
Một trong số những nghề cổ nhất ở Diễn Châu là đi biển, làm muối, làm nước mắm, và nghề này phổ biến ở các khu vực dân cư của Vạn, trước thuộc tổng Vạn Phần, nay thuộc các xã Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Ngọc, Diễn Bích...
Việc phân chia lại địa giới xã, vì vậy, cần và nên được tổ chức theo quan điểm quản trị mới, không phụ thuộc vào địa giới các huyện trước đây. Thay vào đó, nên tập trung vào việc phân chia hợp lý, để các nhóm vấn đề mà đơn vị hành chính cấp xã mới cần quản lý sẽ ít hơn, chuyên sâu hơn.
Nhìn vào cách phân chia hiện nay (dự kiến), thì các xã ở huyện Diễn Châu được phân chia chưa khoa học, ghép các xã không căn cứ vào đặc tính cư dân và nghề nghiệp, và hệ lụy có thể sẽ khiến chính quyền xã vất vả hơn, khó khăn hơn, và kém hiệu quả hơn. Ví dụ khi ghép các xã Mỹ - Kim - Hãi - Hùng - Hoàng và Phú - Thọ - Lợi - Lộc nghe thì vui tai, nhưng liên hệ thực tế cư dân các vùng này rất ít. Trong khi đó, nghề cá và nghề muối sẽ được phân chia ra ít nhất là 3-4 xã mới quản lý. Cảng cá Lạch Vạn mới sẽ đón cư dân của mấy xã, sông Lạch Vạn sẽ có phía này phía kia thuộc các xã khác nhau quản lý…
Hơn thế, khi chia ghép xã, nên bỏ qua địa giới huyện và nên tổ chức xã, trước hết theo sự gắn bó của các nhóm dân cư, theo địa bàn và nhóm vấn đề cần giải quyết. Ví dụ dân Diễn Lâm có lẽ gần gũi, gắn kết với Quỳnh Lâm, Quỳnh Tam hay Đức Thành, Tân Thành hơn với Diễn Yên.
Khi Tổng Bí thư Tô Lâm nói đến "tầm nhìn 100 năm", ý của ông không chỉ là nói về việc sáp nhập các tỉnh, mà còn chia sẻ ý tưởng về việc xóa bỏ cấp huyện như cấp hành chính trung gian, và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã (cấp cơ sở) để phù hợp với không gian phát triển của nhiều năm tới, của thế kỷ tới.
Cơ hội hồi sinh những tên đất cổ
Phân chia địa giới và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã cũng là cơ hội để hồi sinh những tên đất cổ mà bao năm nay vẫn sống với người dân, dù các địa danh hành chính mới không còn chứa những tên gọi cũ.
Ví dụ, cho dù đất đã đổi là Diễn Yên, thì người dân, khách khứa vẫn gọi là Yên Lý, phía trên đường 1 là Yên Lý Thượng, phía dưới là Yên Lý Hạ. Những vùng, làng gắn bó với Yên Lý hoàn toàn có thể lấy một xã mới lấy tên là Yên Lý, ví dụ gồm Diễn Trường, Diễn Mỹ, Diễn Hoàng, Diễn Đoài.
Những làng đánh cá, làm muối, nuôi tằm quanh lạch Vạn, chắc là nên ghép với nhau và lấy tên tổng Vạn Phần trước đây làm tên gọi mới. Chẳng phải người dân không chỉ ở đây đã bao năm quen tiếng nước mắm Vạn Phần hay sao.
Tôi khá ngạc nhiên, khi Diễn Châu - Yên Thành - Quỳnh Lưu không phải là trường hợp duy nhất ở Nghệ An mà các xã được ghép nguyên trạng, rồi lấy tên huyện để đánh số. Ngoại trừ huyện Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, còn lại chỉ sót được tên Kim Liên và Cửa Lò. Tất cả còn lại đều đánh số, dùng tên huyện hiện nay làm tên gọi. Cách làm này quả thực có sự liên tưởng đến sự dễ dãi, nhưng cũng đang tạo ra nhiều băn khoăn với người Nghệ An. Người Nghệ hay "nói trạng", nên dạo này hay trêu nhau, kiểu như "anh/chị giờ số mấy".
Cho dù không còn nhiều thời gian, nhưng tôi nghĩ chính quyền tỉnh nên là cấp đứng ra nghiên cứu, đề xuất cách tiếp cận phù hợp, khoa học và có văn hóa, để tổ chức không gian hành chính cấp xã phù hợp, không phải và không chỉ là tên gọi, mà còn là không gian quản trị hiệu quả.
Chúng ta đang làm việc cho 100 năm tới, và vì thế, nên và cần được cân nhắc kỹ.
Phạm Quang Vinh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chuyen-dat-ten-xa-nhin-tu-huyen-dien-chau-yen-thanh-quynh-luu-nghe-an-2396199.html