Hòa thượng Thích Viên Thanh đang nói về chiếc trống da trâu hơn 170 năm
Dành 47 năm lặng lẽ sưu tập từng cổ vật, chẳng vì danh tiếng, càng không phải vì lợi nhuận, Hòa thượng Thích Viên Thanh - Trụ trì Thiền viện Vạn Hạnh (phường Lâm Viên - Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cất giữ cổ vật chỉ với một lý do duy nhất: “để lại một nền văn hóa cho hậu nhân”. Cất gửi niềm tin vào văn hóa - cổ vật chính là hiện thân của văn hóa, bên cạnh những giá trị phái sinh khác như: lịch sử, mỹ học, tộc người... Hòa thượng Thích Viên Thanh trong một lần đi công tác thiện nguyện tại một bon của người dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên, thấy những chiếc nồi đồng, cối đá của người dân nơi đây bị hư hỏng do không được bảo quản tốt, đã nghĩ rằng những vật dụng kia nếu không kịp thời lưu giữ chắc chắn sẽ mất dần cùng nhịp phát triển xã hội. “Thấy tôi nhìn chúng, một người dân ở đấy lên tiếng: Thầy thích thì cứ lấy ạ! Từ đó, tôi bắt đầu sưu tập những vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên”, Hòa thượng Thích Viên Thanh cho biết.
Chiếc mũ do Hòa thượng Thích Viên Thanh sưu tập
Chuyện ông đến với công việc sưu tầm cổ vật tự nhiên như vậy! “Ấy là năm 1978, tôi đã “xin” những vật dụng tàn tạ, nằm lăn lóc trong vườn nhà dân, rồi mang về chùa để lưu giữ”, Hòa thượng Thích Viên Thanh nhớ lại. Biết ông sưu tập những vật dụng sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên, nhà nào có vật dụng không còn dùng đến nữa thì hiến tặng, nhưng cũng có người đem hiện vật bán cho Hòa thượng Thích Viên Thanh, coi đấy như một món... hời, vì vẫn có người sẵn sàng bỏ tiền ra mua, mặc dù vật dụng đó đã hết công năng sử dụng. Ông thì nhìn chúng ở góc độ khác. Hòa thượng Thích Viên Thanh coi mỗi hiện vật văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên không đơn thuần chỉ là một món cổ vật, ẩn đằng sau là những câu chuyện văn hóa, những niềm tự hào, những hồi ức quá khứ rực rỡ. Ông tin bản sắc dân tộc, tin vào tinh thần Phật đạo sẽ mãi là “nguồn lực mềm” kết nối quá khứ với hiện tại, nối dài đến tương lai. Do vậy, Hòa thượng Thích Viên Thanh không quản ngại khó khăn, dành nhiều thời gian, tâm huyết và tiền bạc để đưa những mảnh văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Phật giáo về đặt trang trọng trong không gian thanh tịnh của Thiền viện Vạn Hạnh. Qua đó, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Phật giáo của tăng, ni, cũng như các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu các giá trị văn hóa xưa cũ với gần 40.000 hiện vật. Từ các vật dụng sử dụng trong đời sống hằng ngày của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên đến các loại khí nhạc. Từ chiếc trống da trâu đã hơn 170 năm đến những khẩu súng thần công thời vua Quang Trung. Từ những nông cụ sản xuất nông nghiệp đến những đồ trang sức đậm chất dân tộc học, hay từ những chiếc mâm đồng đến những chiếc trống đồng hàng ngàn tuổi... Tất cả đang âm vang những giá trị tinh thần và vật chất không thể đong đếm. Nhiều cổ vật Phật giáo đang lưu giữ ở Phòng trưng bày cổ vật Vạn Hạnh, ngoài giá trị đặc biệt về mỹ thuật và chất liệu tạo hình, còn là sự đúc kết tinh hoa của văn hóa Phật giáo.
Chiêm ngưỡng gần 40.000 hiện vật văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc mà ông đã kỳ công sưu tập, người xem thấy ở Hòa thượng Thích Viên Thanh một ý thức dân tộc sâu sắc. Qua các hiện vật, ông muốn những hậu nhân hiểu rõ sự đồng hành của Phật giáo xuyên suốt lịch sử dân tộc, thêm yêu những di sản của cha ông để rồi cùng chung tay gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị mỹ học, giá trị dân tộc ẩn bên trong hiện vật.
Trịnh Chu