'Chuyến tàu Đại đoàn kết' đưa kiều bào ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I

'Chuyến tàu Đại đoàn kết' đưa kiều bào ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I
10 giờ trướcBài gốc
Chương trình "Đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1" được tổ chức từ ngày 18 - 26/4/2025, trong không khí hưởng ứng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm thành lập Quân chủng Hải quân.
Đây là hoạt động thường niên được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng Quân chủng Hải quân tổ chức từ năm 2012 đến nay, góp phần tích cực giúp cho bà con kiều bào hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta và thực tiễn công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đây cũng là dịp để bà con được tận mắt chứng kiến cuộc sống, công việc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa; giao lưu, trò chuyện, thăm hỏi và động viên cán bộ, chiến sĩ, và thể hiện tình yêu và trách nhiệm đối với biển đảo quê hương thông qua những hành động, đóng góp cụ thể, thiết thực và ý nghĩa.
Kiều bào giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ tại Nhà giàn DK-I/8 Quế Đường. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Hải trình năm nay mang chủ đề “Chuyến tàu Đại đoàn kết”, gửi gắm khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, bền vững, đoàn kết – nơi kiều bào cùng đồng bào trong nước đồng lòng, chung sức vì tương lai đất nước. Trong hải trình, các đại biểu đến thăm các đảo Đá Thị, Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Đá Tây A, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK-I/8 Quế Đường.
Các đại biểu đã tham dự các hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn nghệ với quân dân trên các điểm đảo; thăm trường học, nhà dân, chùa, trạm xá tại các đảo nổi; dự Lễ khánh thành Công viên Cầu Vồng tại đảo Đá Tây A; dự Lễ tưởng niệm các liệt sỹ tại khu vực đảo Gạc Ma; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, dự Lễ Chào cờ và duyệt đội ngũ, tham dự chương trình “Đi bộ vì Trường Sa thân yêu” tại đảo Trường Sa Lớn.
Lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng đoàn công tác chia sẻ đầy xúc động: “Chỉ khi đặt chân đến Trường Sa, tận mắt chứng kiến những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của quân dân nơi đảo xa, tôi mới thực sự cảm nhận hết ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một hải trình khẳng định lòng yêu nước, kết nối cộng đồng người Việt trên toàn thế giới với đất mẹ Việt Nam”.
Ông Hoàng Xuân Bình, kiều bào tại Ba Lan chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào khi được tham dự chương trình. Qua chuyến đi, tôi cảm nhận rõ được sự vất vả, gian khổ, cũng như ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo. Chuyến đi giúp tôi nhận ra rằng Trường Sa không hề xa – Trường Sa luôn ở trong trái tim mỗi người Việt Nam”.
Trở lại đảo Sinh Tồn sau 10 năm, bà Trương Thị Hồng, kiều bào tại Israel chia sẻ: “Tôi cảm thấy xúc động khi đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo được cải thiện rất nhiều, các công trình trên đảo kiên cố, vững vàng hơn, đặc biệt là màu xanh của cây cối đã hiện hữu rất nhiều nơi. Qua đó, cho thấy Việt Nam ngày càng phát triển, thịnh vượng hơn, cũng như sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của các cán bộ, chiến sỹ hải quân. Điều này giúp cho kiều bào chúng tôi cảm thấy yên lòng hơn”.
Chị Cao Hạ Linh, kiều bào tại Singapore cho biết: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được đặt chân lên thăm các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tôi thực sự thấy may mắn và xúc động, tự hào khi đất nước tôi có những con người đang ngày đêm bám đảo, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc”. Chị Cao Hạ Linh cho biết, sẽ lan tỏa rộng rãi thông tin về Trường Sa và hải trình này tới cộng đồng người Việt tại Singapore, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, kiều bào Campuchia chia sẻ: “Hải trình giúp tôi cảm nhận được sự đoàn kết, gắn kết của kiều bào khắp nơi trên thế giới, các đại biểu kiều bào đều có chung một niềm tin, tình yêu mãnh mẽ với Tổ quốc nói chung và biển đảo nói riêng”.
Trong hải trình lần này, bà con kiều bào đã ủng hộ hơn 2 tỷ đồng tiền mặt, quà tặng và hiện vật đóng góp cho các chương trình như xanh hóa Trường Sa, xây dựng nhà văn hóa đa năng, mua nhu yếu phẩm, dụng cụ y tế, đồ dùng học tập gửi tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và Nhà giàn DK-I.
Kiều bào tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ tại các điểm đảo.
Từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền kiều bào quyên góp cho Trường Sa và Nhà gian DK-I lên tới gần 30 tỷ đồng - dùng để đóng xuồng chủ quyền, xây dựng công trình dân sinh, đóng góp mua quà hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo. Bên cạnh đó, bà con còn tích cực gửi gắm tình cảm thông qua sáng tác thơ, văn, truyện ngắn về viển đảo quê hương.
Kiều bào cũng thành lập các Câu lạc bộ Hoàng Sa Trường Sa tại Pháp, Singapore, Hàn Quốc, Ba Lan…, tăng cường nghiên cứu các biện pháp, sáng chế mới để cải thiện đời sống cán bộ, chiến sỹ trên đảo, thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm khẳng định tình yêu đất nước, góp phần tuyên truyền mạnh mẽ đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Kiều bào chụp ảnh lưu niệm trên tàu KN390.
Thành công của “chuyến tàu Đại đoàn kết” năm nay đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước: coi cộng động người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Kết luận 12-KL/TW, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chuyến đi cũng góp phần khẳng định tình cảm, trách nhiệm và đóng góp của kiều bào đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, cũng như công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc nói riêng.
Khánh Vân
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/chuyen-tau-dai-doan-ket-dua-kieu-bao-ra-tham-truong-sa-va-nha-gian-dk-i.687464.html