Chuyến thăm Trung Đông 'không Israel' của ông Trump

Chuyến thăm Trung Đông 'không Israel' của ông Trump
7 giờ trướcBài gốc
Ông Trump lặp lại bước đi của ông Obama?
Ngay từ đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện chuyến công du Trung Đông mà không ghé thăm Israel. Điều này khiến nhiều người nhớ lại năm 2009, khi Tổng thống Barack Obama cũng từng thực hiện chuyến đi đầu tiên đến khu vực này nhưng bỏ qua Israel.
Thay vào đó, ông Obama gặp Quốc vương Ả Rập Xê-út và có bài phát biểu quan trọng về tầm nhìn mới cho khu vực Trung Đông.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Donald Trump tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. (Ảnh: CNN)
Khi đó, quyết định không ghé thăm Israel của Tổng thồng Obama đã bị Thủ tướng Benjamin Netanyahu xem như một sự thiếu tôn trọng. Đây được coi là khởi đầu cho mối quan hệ đầy căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo suốt nhiệm kỳ của ông Obama.
Lần này, Tổng thống Trump cũng có lịch trình tương tự: ghé thăm Ả Rập Xê-út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhưng không hề có kế hoạch dừng chân tại Israel. Nhà Trắng gọi đây là "chuyến trở lại mang tính lịch sử với Trung Đông", nhấn mạnh mục tiêu xây dựng "tầm nhìn chung về ổn định, cơ hội và sự tôn trọng lẫn nhau".
Tuy nhiên, những tuyên bố này không giúp Israel bớt lo lắng. Ông Trump đã nhiều lần khiến Israel bất ngờ, từ việc đàm phán với Iran, ký kết thỏa thuận với phiến quân Houthi ở Yemen, đến việc đàm phán trực tiếp với Hamas. Giới chức Israel lo sợ ông Trump tiếp tục đưa ra những quyết định quan trọng mà không hề tham khảo ý kiến của họ.
Thủ tướng Netanyahu mất dần ảnh hưởng
Trong nhiệm kỳ hai của ông Trump, Thủ tướng Netanyahu đã cố gắng duy trì sự ảnh hưởng của mình tại Washington. Ông từng tự hào là nhà lãnh đạo đầu tiên gặp gỡ ông Trump hồi tháng 2/2025. Đến tháng 4, ông Netanyahu tiếp tục sang Mỹ để thuyết phục ông Trump ký thỏa thuận thương mại mới sau khi ông Trump áp thuế nhập khẩu hàng hóa lên Trung Quốc.
Nhưng chuyến đi này đã thất bại hoàn toàn. Thay vì đạt thỏa thuận thương mại, ông Trump bất ngờ tuyên bố khởi động đàm phán hạt nhân mới với Iran. Điều này tạo cú sốc lớn đối với Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: CNN)
Alon Pinkas, một nhà ngoại giao Israel, bình luận: “Netanyahu hiện giờ không còn lá bài nào để chơi ở Washington. Các nước Ả Rập giàu có như Ả Rập Xê-út, Qatar và UAE đang hứa hẹn đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào Mỹ. Họ có sức ảnh hưởng lớn, còn ông Netanyahu thì không”.
Ông Pinkas nói thêm: “Dù trước đây ông Netanyahu là người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ, nhưng giờ đây, ông ấy không còn gì để trao đổi với ông Trump”.
Dưới thời các tổng thống đảng Dân chủ, Thủ tướng Netanyahu có thể dựa vào sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa để gây sức ép lên Nhà Trắng. Nhưng với Tổng thống Trump, ông Netanyahu chưa từng công khai chỉ trích và có lẽ cũng không dám làm điều đó.
Chính sách bất ngờ của Tổng thống Trump
Trước khi ông Trump lên đường sang Trung Đông, hàng loạt quyết định của ông đã khiến Israel rơi vào thế bị động. Ông Trump đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân nhưng không yêu cầu Tehran phải từ bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân dân sự. Ông cũng đạt được thỏa thuận ngừng bắn với phiến quân Houthi mà không yêu cầu nhóm này ngừng tấn công Israel.
Theo Reuters, ông Trump còn không yêu cầu Ả Rập Xê-út bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy chương trình hạt nhân dân sự của nước này. Điều này khiến ông Netanyahu vô cùng lo lắng khi lâu nay ông luôn phản đối bất kỳ thỏa thuận nào có lợi cho Iran.
Một nguồn tin từ CNN cho biết: “Việc thả tự do Edan Alexander là bước đầu tiên để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”.
Người dân biểu tình đòi thả tự do Edan Alexander. (Ảnh: CNN)
Trong khi ông Trump tìm cách xây dựng hình ảnh là người kiến tạo hòa bình, ông Netanyahu lại khẳng định đánh bại Hamas quan trọng hơn việc giải phóng con tin. Điều này khiến ông bị đặt vào thế đối đầu với ông Trump, người đang cố gắng đạt được thỏa thuận ngừng bắn và mở rộng viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Dan Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, nhận định: “Ông Trump đang hành động như một chiếc xe ủi đất, quyết tâm đạt được những gì ông ấy muốn – từ thỏa thuận ngừng bắn đến việc giải phóng con tin. Cách tiếp cận này khiến ông Netanyahu trở thành người ngoài cuộc trong các quyết định quan trọng”.
Đại sứ Mỹ tại Israel Mike Huckabee cố gắng xoa dịu tình hình khi phát biểu trên kênh Channel 13 rằng: “Không có Tổng thống nào từng quan tâm và làm nhiều cho Israel như Tổng thống Trump”.
Tuy nhiên, báo chí Israel lại vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Tờ Yedioth Ahronot đăng tranh biếm họa mô tả ông Trump đang nấu một nồi súp lớn, còn ông Netanyahu ngồi co ro lo lắng phía sau.
Quỳnh Anh (Nguồn: CNN)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/chuyen-tham-trung-dong-khong-israel-cua-ong-trump-ar942949.html