Chuyến thị sát cùng tướng Nguyễn Hữu An

Chuyến thị sát cùng tướng Nguyễn Hữu An
2 giờ trướcBài gốc
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12) hai lần được tăng cường cho Quân khu 2 làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Lần thứ nhất, từ đầu tháng 5 đến tháng 8-1984. Lực lượng tham gia có Trung đoàn 141 và Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 165. Lần thứ hai, từ đầu tháng 8-1987 đến tháng 4-1988, lực lượng tham gia là toàn bộ Sư đoàn (thiếu Trung đoàn 209), được tăng cường Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, 2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 308, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn công binh 299 và một số binh khí kỹ thuật khác với nhiệm vụ: Thay phiên cho đơn vị bạn tổ chức phòng ngự ở phía Tây Sông Lô, khu vực từ Pa Hán đến ngã ba Thanh Thủy. Sở chỉ huy Sư đoàn 312 đóng ở điểm cao 812. Tôi nhớ, nhiệm vụ bấy giờ được ký hiệu là T87.
Tháng 12-1987, khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì nhận được tin Trung tướng Nguyễn Hữu An (sau là Thượng tướng, Phó giáo sư, Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao - nay là Học viện Quốc phòng), quyền Tư lệnh Quân khu 2 sẽ đến kiểm tra. Do tình hình biên giới lúc đó còn căng thẳng, khu vực Thanh Thủy - Vị Xuyên lại nhạy cảm nhất nên các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu và Quân đoàn thường xuyên đến kiểm tra nắm tình hình và động viên bộ đội. Nhưng từ khi chúng tôi nhận nhiệm vụ ở khu vực này, đây là lần đầu tiên Trung tướng Nguyễn Hữu An đến. Hôm đó, do đồng chí Sư đoàn trưởng Trần Minh Vân có việc bận nên nhiệm vụ đón và báo cáo, phục vụ đoàn kiểm tra được giao cho tôi - Phó sư đoàn trưởng về chính trị Sư đoàn 312 đảm nhiệm.
Trung tướng Nguyễn Hữu An là vị tướng tài năng, nổi danh trong toàn quân từ những năm kháng chiến chống Pháp, nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên cương vị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, ông đã chỉ huy đơn vị 3 lần tấn công đồi A1 - cứ điểm kiên cố nhất của địch, góp phần vào chiến thắng lịch sử “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Cá nhân tôi từng được gặp và nghe ông phát biểu trong buổi phổ biến quyết tâm chiến đấu của Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 vào cuối năm 1971 ở chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Khi đó ông là Phó tư lệnh mặt trận 959, còn tôi mới là cán bộ cấp tiểu đoàn của Trung đoàn 165. Sau khi Chiến dịch Z ở Cánh Đồng Chum kết thúc, tôi nghe tin ông về làm Tư lệnh Sư đoàn 308 một thời gian, sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Mặt trận Trị Thiên, rồi làm Tư lệnh Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975…
Nghe và biết như vậy nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi được làm việc trực tiếp với Trung tướng Nguyễn Hữu An. Ban đầu tôi cũng khá phân vân không biết liệu những nội dung thủ trưởng kiểm tra có giống như các đoàn kiểm tra trước không; có yêu cầu gì riêng để đơn vị bảo đảm không?... Nhưng ngay từ khi thủ trưởng Nguyễn Hữu An đến và nêu nội dung công việc để anh em triển khai, tôi đã cảm nhận thấy ở ông có sự gần gũi, sâu sát và rất nhanh nhạy. Trong khi các đoàn trước đây thường đi kiểm tra một việc cụ thể, đến một điểm chốt nào đó đã được xác định, nhưng quyền Tư lệnh Nguyễn Hữu An yêu cầu được đến tất cả các điểm mà Sư đoàn 312 đang chốt giữ. Trước khi rời sở chỉ huy sư đoàn, ông còn nói luôn chỉ cần một cán bộ sư đoàn cùng đi, không có cũng không sao, có người quen thuộc địa hình và các trận địa cùng đi là được. Ông nói:
- Không phải cầu kỳ lo cơm nước gì cả cho rối bận anh em. Các cậu chuẩn bị cơm nắm. Ta cứ đi, đến giờ ăn ở đâu thì ăn ở đó!
Do phải đi ngay nên việc chuẩn bị cơm nắm theo chỉ đạo của thủ trưởng không kịp, chúng tôi đành điện cho Trung đoàn Pháo binh 186 chuẩn bị, trên đường đi sẽ qua lấy.
Đồng chí Nguyễn Hữu An (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội tại chiến trường Trị Thiên - Huế năm 1973. Ảnh tư liệu gia đình
Thực hiện nhiệm vụ T87, Sư đoàn 312 có 3 trung đoàn bộ binh gồm: 165, 141, 48 và Trung đoàn pháo binh 186 tham gia. Đồng chí Nguyễn Hữu An đã đến thăm và kiểm tra tất cả các điểm chốt giữ mà các trung đoàn được giao đảm nhiệm. Quá trình kiểm tra, ông đã phát hiện ra những điểm mà lâu nay chúng tôi không biết và cũng không lưu ý tới. Trung đoàn 165 đảm nhiệm phòng ngự hướng chủ yếu, đồng chí Nguyễn Hồng Sinh, Phó trung đoàn trưởng được cử đi cùng và báo cáo về tình hình các điểm chốt giữ của trung đoàn.
Ông hỏi đồng chí Sinh vị trí của từng đại đội chốt giữ. Ông còn hỏi đến cả cán bộ đại đội cụ thể vị trí B40, B41 đặt đâu, trung liên đặt đâu? Gặp đồng chí chiến sĩ B41, ông hỏi ngay hướng bắn và vị trí bắn… Sau khi nhận được câu trả lời, ông phân tích cách bố trí như vậy không phát huy được hỏa lực của từng loại vũ khí. Nhận định này của đồng chí Nguyễn Hữu An rất chính xác, anh em đều tán thành vì thực tế bấy giờ, khi nhận bàn giao trận địa, đơn vị trước bố trí như thế nào đơn vị sau tiếp thu như vậy và bước vào thực hiện nhiệm vụ ngay. Qua kiểm tra, có thể thấy tướng Nguyễn Hữu An rất quan tâm đến hỏa lực và vị trí bố trí của hỏa lực, ông chỉ đạo theo đúng phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.
Ở hướng thứ yếu do Trung đoàn 141 đang phụ trách ở khu vực điểm cao 468 (đất), 468 (đá). Đồng chí Nguyễn Sơn Hà, Trung đoàn trưởng đi cùng và báo cáo đoàn kiểm tra. Trung tướng Nguyễn Hữu An hỏi đồng chí Hà về quân số của ta trên từng điểm cao và trên từng mỏm H1, H2, H3… Sau khi nghe báo cáo và xem xét địa hình, Trung tướng Nguyễn Hữu An phát hiện ta đang bố trí ở các vị trí với quân số quá đông, cần rút bớt bộ đội ra để giảm thương vong không cần thiết. Mặc dù không có văn bản chính thức, nhưng đồng chí Nguyễn Hữu An đã có gợi ý để đơn vị chủ động điều chỉnh chiến thuật, rút bớt bộ đội cho phù hợp.
Tác giả (đi đầu) trong chuyến thị sát biên giới năm 1987. Ảnh do tác giả cung cấp
Năm ấy, đồng chí Nguyễn Hữu An đã ở tuổi ngoài 60, nhưng sức khỏe ông còn rất tốt, hành quân bộ cả ngày mà vẫn rất sung sức. Đường đi địa hình rừng núi hiểm trở, lại có cả bom đạn rình rập nhưng ông không nề hà. Khi lên đến những điểm sát đối phương, anh em lo lắng đến sự an toàn thì ngược lại ông đã động viên anh em và cương quyết tới tận nơi. Dọc đường đi, ông trò chuyện với tôi rất thân tình, cởi mở về công việc, gia đình. Nhất là buổi trưa, khi cả đoàn dừng nghỉ và ngồi ăn cơm nắm. Ông hỏi tôi về gia đình về học hành, tôi thưa với ông là mình đã đi học ở học viện 3 lần nhưng đều là đào tạo ngắn. Ông cười, nói với tôi:
- Tớ và cậu giống nhau, toàn đi học ngắn. Ngày trước cứ khi tớ chuẩn bị đi học dài, học ở nước ngoài, thì lại bị hoãn vì có nhiệm vụ mới. Thế thì mình học từ anh em, đồng đội, từ thực tế cũng được, như tớ cũng lên được tướng đấy thôi!
Sự quan tâm, động viên rất thật đó khiến tôi hiểu tâm tư của người cán bộ cấp cao như ông. Nhiệm vụ khó khăn là thế, nhưng đã là người lính thì phải luôn sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó!
Sau này, mỗi khi hồi tưởng lại tôi vẫn thấy một ngày được tháp tùng tướng Nguyễn Hữu An đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc. Tôi đã học tập được ở ông một tinh thần tận tụy, thông minh sắc sảo của một con người lớn lên trong từng chặng chiến đấu của Quân đội ta. Những bài học của tướng Nguyễn Hữu An đến nay vẫn luôn tỏa sáng trong tôi.
Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/chuyen-thi-sat-cung-tuong-nguyen-huu-an-797164