Chuyện tình của người thanh niên xung phong quê Nhãn trên tuyến lửa Trường Sơn

Chuyện tình của người thanh niên xung phong quê Nhãn trên tuyến lửa Trường Sơn
8 giờ trướcBài gốc
Vợ chồng cựu thanh niên xung phong Hà Thanh Đô và Tạ Thị Trình, xã Tam Đa (Phù Cừ) bên kỷ vật thời chiến
Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt, thanh niên Hà Thanh Đô và Tạ Thị Trình, khi đó vừa tròn 16 tuổi đã tình nguyện viết đơn lên đường tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong. Họ cùng vào đơn vị C2, D171, Trung đoàn 29, Sư đoàn 473 thuộc Đoàn 559, lực lượng đảm trách mở đường Trường Sơn để quân ta vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào tiền tuyến lớn.
Ở trong đơn vị, mỗi người một nhiệm vụ. Ông Đô được phân công làm “anh nuôi”, phụ trách bếp ăn cho hơn 150 chiến sĩ. Trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, không có đủ lương thực, thực phẩm, ông phải lặn lội vào rừng kiếm rau, hái lá sắn, măng rừng, hoa chuối, ngồng khoai.... để cải thiện từng bữa ăn cho chiến sĩ...
Còn bà Trình có giọng hát trong trẻo nên đảm nhận vai trò làm văn công phục vụ chiến sĩ. Bà tham gia biểu diễn tại các chốt trạm, bãi xe, trạm giao liên, nơi bộ đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ. Giữa tiếng bom rền, đạn nổ, tiếng hát của bà và đội văn nghệ cất lên như liều thuốc tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Những bài ca về Trường Sơn, về Bác Hồ, về tình đồng chí, đồng đội… vang lên từ sân khấu dã chiến, từ rừng già thăm thẳm, hòa cùng tiếng gió đại ngàn, đã trở thành ký ức không thể phai.
Dù làm hai nhiệm vụ khác nhau, song họ đều mang chung một lý tưởng: góp sức trẻ mở đường cho độc lập dân tộc. Cuộc sống nơi chiến trường với thiếu thốn, hiểm nguy, bệnh tật và bom đạn không làm họ chùn bước, mà càng tôi luyện thêm ý chí, bản lĩnh, và lòng yêu nước.
Chuyện tình giữa rừng già – duyên lành sau ngày hòa bình
Chiến tranh là nơi sinh ly tử biệt, nhưng cũng là nơi nảy nở những chuyện tình đẹp và bền chặt hơn bất kỳ lời thề nguyền nào. Ông Đô và bà Trình là minh chứng sống động cho điều đó. Dù cùng đơn vị, cùng sống và chiến đấu giữa núi rừng Trường Sơn, nhưng vì đặc thù nhiệm vụ, người lo bếp núc, người bận rộn biểu diễn phục vụ nên hai người hầu như không có nhiều dịp gặp gỡ. Những cuộc chạm mặt hiếm hoi chỉ là lúc đơn vị tổ chức văn nghệ hoặc trong các lần nghỉ chân ngắn ngủi giữa rừng già.
Chính trong hoàn cảnh đặc biệt đó, giữa tiếng bom gào, giữa những buổi cơm vội bên ánh đèn dầu, hay giữa sân khấu dã chiến phủ đầy bụi đỏ… tình cảm âm thầm nảy nở. Không ồn ào, không vội vã, mà như dòng suối nhỏ len lỏi trong lòng núi, bền bỉ và chân thành...
Tháng 10/1975, khi đất nước đã ca khúc khải hoàn, ông Đô và bà Trình cùng được đơn vị cho xuất ngũ trở về quê nhà. Những ký ức về Trường Sơn, về đồng đội, về những lần tình cờ chạm ánh mắt giữa thời khắc sinh tử… bỗng trở nên tha thiết và sống động hơn bao giờ hết. Không lâu sau đó, vào cuối năm 1975, hai người quyết định nên nghĩa vợ chồng. Đám cưới của họ tuy đơn sơ, nhưng lại đầy ắp tiếng cười và nước mắt xúc động của gia đình, xóm làng và đồng đội.
Cuộc sống thời hậu chiến còn nhiều gian nan, song họ đã cùng nhau vun vén, sẻ chia từng miếng cơm, giấc ngủ, nuôi dạy con cái nên người. Bà Trình tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục, làm giáo viên tại Trường Mầm non Tam Đa rồi chuyển sang công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Đa. Ông Đô vẫn giữ tính cẩn thận, đảm đang như thời còn là “anh nuôi”, lặng lẽ đứng phía sau làm điểm tựa cho vợ con.
Những kỷ vật chiến trường như chiếc xoong và chiếc đĩa nhôm chia hai ngăn từng dùng để chia cơm, phát thức ăn cho anh em trong đơn vị được ông Đô gìn giữ suốt 50 năm như báu vật. Gần đây, ông bà quyết định trao tặng chiếc xoong ấy cho Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, như một cách gửi gắm ký ức hào hùng của thế hệ mình cho lớp trẻ hôm nay.
Ghi nhận những đóng góp của các cựu thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Hà Thanh Đô và bà Tạ Thị Trình cùng được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.
Giờ đây, khi đã bước vào tuổi 73, nhìn lại chặng đường đã đi qua, vợ chồng ông có thể mỉm cười mãn nguyện. Tình yêu nở hoa giữa chiến trường ấy vẫn vẹn nguyên, mộc mạc như thuở ban đầu, giản dị nhưng đầy ý nghĩa, như chính cuộc đời của họ.
Hương Giang – Dương Miền
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/chuyen-tinh-cua-nguoi-thanh-nien-xung-phong-que-nhan-tren-tuyen-lua-truong-son-3180816.html