Chuyện tình hiếm có của nữ Anh hùng lái máy xúc

Chuyện tình hiếm có của nữ Anh hùng lái máy xúc
6 giờ trướcBài gốc
Vợ chồng Anh hùng lao động Lê Thị Ngừng - Lê Viết Phụng
Giữa tiếng nổ mìn rền vang và bụi đá cuộn trắng trời trên đại công trường Sông Đà, người ta vẫn nhớ hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé ngồi lọt thỏm trong buồng lái chiếc máy xúc mà chỉ riêng cái răng gầu của nó đã nặng 108 cân, bánh xích 104 cân...
Đó là bà Lê Thị Ngừng, nữ công nhân từng được phong Anh hùng Lao động vì những cú vẩy gầu thần sầu. Ít ai biết rằng, sau ánh hào quang trên công trường là câu chuyện tình yêu thầm lặng mà bền bỉ, gắn chặt với những năm tháng gian khổ và niềm tin son sắt.
Tình yêu bắt đầu từ cái nhìn khâm phục
Vì là nữ lái máy xúc duy nhất trong số gần 500 công nhân công trường lúc đó, bà Ngừng được chú ý. Anh thanh niên Lê Viết Phụng khi đó là cán bộ tổ chức của Bộ Giao thông vận tải lên làm việc ở Sông Đà cũng bị cô gái này thu hút.
Ông Phụng kể: "Tôi từng làm giảng viên trường Đại học Giao thông, có nghiên cứu về máy EKG - biệt danh là "ông khổng lồ" và biết rằng độ rung cũng như độ ồn của nó đều ở mức người thường khó mà thích nghi nổi.
Lần đầu thấy Ngừng làm chủ được nó thì tôi nể phục lắm, một cô gái chỉ cao 1m55, nặng 52kg, ngồi lọt thỏm trong cabin thao tác tay nhoay nhoáy, nhìn sao cũng thấy "ngầu". Sau đó, tôi phát hiện hai nhà ở gần nhau, thế là đặt vấn đề tìm hiểu rồi cưới".
Tiếp lời của chồng, bà Ngừng bổ sung: "Một lần, đoàn chuyên gia của Liên Xô sang thăm Công ty Sông Đà, chứng kiến tôi lái máy xúc. Một người nhận xét, với trình độ này ở Liên Xô thì đã là thợ bậc 4/7 chứ không phải 2/7. Sau đó, trong cuộc thi nâng ngạch, quả đúng là tôi đạt trình độ 4/7".
Sinh năm 1954 trong một gia đình thuần nông đông con, bà Lê Thị Ngừng chỉ được học hết lớp 7 rồi ở nhà quanh quẩn trồng rau nuôi gà. Năm 22 tuổi, cô nông dân người huyện Thanh Oai (Hà Nội) này mới trúng tuyển làm công nhân Sông Đà.
Bà Ngừng trong cabin của máy xúc EKG. Ảnh: NVCC
"Lúc ấy được làm công nhân Sông Đà thì phấn khởi lắm. Tôi lên nhà máy, được bố trí học sửa chữa ô tô, xe máy. Học xong nhưng khi đó chỉ toàn máy mới, không có gì để sửa, thế là tôi quay ra làm đủ việc: từ bốc gạch, thợ xây, lên rừng kiếm củi nấu ăn, đào rãnh thoát nước...
Lay lắt một thời gian thì cấp trên có chủ trương, cái gì nam giới làm được thì nữ giới cũng làm được, tôi được tuyển đi học lái máy xúc cùng hơn 20 chị em nữa", bà nhớ lại.
"Lần đầu ngồi lên cabin, có chị không quen bị máy rung bật cả người ra ngoài. Sau một tháng, cả đội rơi rụng hết, chỉ còn tôi và chị Lê Thị Hiên. Khi đó, tôi sút 8 cân, người lúc nào cũng lơ lơ lửng lửng vì ám ảnh tiếng ồn lẫn độ rung của máy, chưa kể còn phải ra sức nhớ hết 36 động cơ lớn nhỏ.
Máy của Liên Xô toàn chữ Nga, tôi phải tự phiên ra ký hiệu của mình, mỗi ngày cố gắng học một ít. Một thời gian sau, chị Hiên cũng từ bỏ, còn mỗi mình tôi", bà Ngừng nhớ lại.
Sau những khó khăn ban đầu, bà Ngừng dần quen với nhịp độ công việc và trở thành lái chính của đội lái. Trung bình mỗi ngày, một lái chính phải làm việc 6 tiếng (tính bằng một công) nhưng "lái Ngừng" luôn đảm nhận hơn 40 công mỗi tháng vì liên tục phải thay cho đồng nghiệp nghỉ ốm.
"Số tôi đúng là… xúc được chồng"
Mãi đến năm 1988, sau hơn 10 năm gắn bó với máy xúc và trở thành thợ bậc 6/7, bà Ngừng, ông Phụng mới làm đám cưới. Chỉ vài tháng sau, bà có thai. Nhưng những năm tháng bám công trường đã để lại dư chấn nặng nề trên cơ thể bà.
Bà Ngừng và chuyên gia Liên Xô trên công trường thủy điện Sông Đà. Ảnh: NVCC
Các bó cơ bụng co thắt bất thường khiến thai nhi không phát triển được, buộc bà phải vào bệnh viện tiêm giãn cơ mỗi ngày trong suốt thai kỳ. Trong khoảng thời gian đó, chồng của bà đều đặn đạp xe chở vợ đi tiêm, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ.
"Hôm nào trời mưa cũng đi, đường trơn, dắt xe lên dốc mà không một lời kêu ca", bà kể, giọng lặng đi.
"Trong chiến dịch lấp sông đợt II với những con lũ mạnh, lưu tốc nước 7.000m3/s, cả công trường chạy đua với khẩu hiệu "Cao độ 81 hay là chết". Lúc đó, thanh niên chúng tôi đều tự nguyện thi đua, động viên nhau lao động, làm thêm giờ, bất kể ngày đêm, phấn đấu vượt năng suất nên tôi làm thông từ 18h hôm nay đến 6h sáng hôm sau mà không thấy mệt mỏi, không hề nản chí…", bà Ngừng kể. Cũng nhờ những cố gắng liên tục này, bà được nhận danh hiệu "Dũng sĩ ngăn sông Đà" đợt 2.
Dù chỉ có một người con gái duy nhất do ảnh hưởng bởi công việc, bà Ngừng luôn tự hào "con gái ngoan ngoãn, chưa bao giờ khiến bố mẹ phiền lòng". Còn ông Phụng, người chồng gắn bó hơn 30 năm, vẫn luôn đồng hành với bà, kể cả khi bà quyết định học tiếp ngành Luật để phục vụ công việc hành chính sau khi rời Sông Đà.
"Bà ấy không biết đi xe máy. Để vợ đi trong đêm không yên tâm, tôi đưa đón bà ấy suốt mấy năm", ông kể với nụ cười nhẹ.
Người ta vẫn bảo, sau ánh hào quang của người anh hùng thường là sự cô đơn. Nhưng bà Ngừng là một ngoại lệ. Khi nghỉ hưu, bà làm tổ trưởng tổ dân phố hơn 10 năm, vẫn giữ phong thái quyết đoán, rõ ràng.
Nói về cuộc hôn nhân của mình, bà Ngừng bảo, chả hiểu sao lại ở được với nhau, hợp nhau thế. Ông Phụng tính tình trầm lặng, cẩn trọng, trái ngược hẳn với bà Ngừng, người phụ nữ luôn nói to, đi nhanh, làm việc quên mệt.
"Ban đầu cũng ngợp", ông thú nhận. Không phải ngợp vì sợ, mà vì không quen với cách bà "xử lý mọi thứ như xúc đá ngoài công trường": dứt khoát, quyết đoán, có phần hơi… át vía chồng.
Nhưng càng sống lâu, ông càng hiểu, đó là cách bà sinh tồn trong môi trường lao động toàn bụi đá, mìn nổ. Ông Phụng không vì sự mạnh mẽ ấy mà cảm thấy mình bị lu mờ.
"Nhiều người hỏi tôi có bị "lép vế" không, tôi chỉ cười", ông kể, "ở nhà thì bà ấy nói to thật, nhưng chuyện lớn, chuyện nhỏ đều bàn bạc cả".
Hơn 30 năm bên nhau, ông Phụng chưa bao giờ than phiền vợ điều gì… trừ một chuyện: "Bà ấy nói to quá. Nhiều lúc hàng xóm tưởng vợ chồng cãi nhau". Bà Ngừng thì giải thích bằng giọng cười sảng khoái: "Hơn 10 năm, ngày nào cũng hét ngoài công trường. Thành tật rồi".
Nhưng cái "tật" ấy, ông Phụng lại thương. Bởi ông hiểu, phải to tiếng mới át được tiếng ầm ầm của mìn phá đá, mới điều khiển được cỗ máy xúc răng gầu trăm ký giữa trăm ngàn thanh niên đàn ông. Chính cái giọng nói ấy từng là "mệnh lệnh thép" nơi đại công trường. "Cưới được bà ấy là lộc lớn", ông nói.
Giờ đây, khi tóc đã bạc, bà Ngừng vẫn hóm hỉnh tổng kết: "Tôi không đẹp, quê mùa, lại làm nghề nặng nhọc. Thế mà lại gặp được người chồng tri thức, nho nhã. Số tôi đúng là… xúc được chồng".
Hạ Đan
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/chuyen-tinh-hiem-co-cua-nu-anh-hung-lai-may-xuc-20250518175221393.htm