Trước thực trạng dôi dư trụ sở xã/phường, nhiều ý kiến đề xuất chuyển công năng để phục vụ nhu cầu tập luyện thể thao, sinh hoạt văn hóa của người dân.
Không phân biệt địa giới
Mỗi sáng, chị Đồng Thị Gái, 40 tuổi, người dân phường Tây Tựu (trước là phường Minh Khai, Hà Nội) vẫn giữ thói quen chạy bộ và tập dưỡng sinh tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phường Phú Diễn, trước là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm.
Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận Bắc Từ Liêm nay đổi tên thành Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao phường Phú Diễn.
"Trước sáp nhập, tôi lo không cho dân nơi khác tới tập. Nhưng may không có chuyện đó, các hoạt động diễn ra bình thường", chị Gái chia sẻ.
Không chỉ người lớn tuổi, nhiều thanh, thiếu niên, học sinh ở các khu dân cư giáp ranh giữa các phường vẫn đến trung tâm văn hóa, thể dục thể thao quen thuộc để tập luyện, học võ, bơi lội và chơi pickleball.
Thực tế, ranh giới hành chính thay đổi nhưng các hoạt động thể thao diễn ra phi ranh giới, xuất phát từ nhu cầu từ thực tế.
Ông Nguyễn Tự Mạnh, Chánh Văn phòng phường Phú Diễn (Hà Nội) cho biết: Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm hiện nay thuộc địa giới hành chính phường Phú Diễn, nên việc quản lý cơ sở vật chất, nhân sự, ngân sách duy tu, sửa chữa... sẽ do UBND phường đảm trách theo phân cấp. Nhưng mục tiêu phục vụ cộng đồng không thay đổi.
"Nhiều người lo ngại sau sáp nhập, sẽ có đơn vị khác tiếp quản hoặc phân quyền chồng chéo, nhưng đến nay, mọi thứ vẫn ổn định", ông Mạnh nói.
Đề xuất chuyển đổi công năng trụ sở dôi dư
Ông Nguyễn Viết Đạt, Chủ tịch UBND phường Tùng Thiện (Hà Nội) cho biết: Sau sáp nhập, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã Sơn Tây trước đây nằm trên địa giới phường Sơn Tây. Nhưng người dân phường Tùng Thiện vẫn hoạt động thể dục, thể thao tại trung tâm này. Thành phố đang yêu cầu rà soát trụ sở trên địa bàn và sẽ có phương án chuyển đổi công năng trụ sở dôi dư thành trường học, y tế và trung tâm văn hóa và thể thao.
Người dân chơi pickleball tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phường Cầu Giấy.
Tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Duy Chinh, Chánh văn phòng phường Đông Sơn cho biết: Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao của phường tiếp tục sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Đây không chỉ là nơi hội họp, mà còn là không gian tổ chức các lớp tập luyện cầu lông, bóng bàn và bóng chuyền.
Trong khi đó, tại Thái Nguyên, ông Đồng Văn Nghiên, Chủ tịch UBND xã Trung Hội thông tin, trước sáp nhập, toàn huyện có một trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao. Nay sáp nhập đơn vị hành chính, trung tâm thuộc địa bàn xã nào thì xã đó quản lý; các xã khác không có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao riêng.
"Hiện người dân chưa có không gian tập luyện thể thao hay sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Xã đang kiến nghị cấp trên xem xét bố trí lại các trụ sở dôi dư hoặc có phương án đầu tư, hỗ trợ xây dựng trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, thể chất cho nhân dân", ông Nghiên kiến nghị.
ThS Lê Thị Thúy Hà, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) chia sẻ, việc tận dụng lại các trụ sở cũ không chỉ giảm áp lực đầu tư công mà còn tiết kiệm ngân sách, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài sản công.
Sau sáp nhập, trên địa bàn Hà Nội còn 126 xã, phường, giảm khoảng 400 đơn vị hành chính cấp xã, phường so với trước. Nhiều trụ sở xã, phường cũ hiện bỏ trống hoặc chờ đơn vị tiếp nhận, sử dụng.
Trước thực trạng này, TP Hà Nội ban hành công văn yêu cầu rà soát, xây dựng phương án tổng thể xử lý các trụ sở làm việc dôi dư, đảm bảo tính đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả và ổn định lâu dài. Trong đó, phân loại các trụ sở cũ để có phương án bố trí lại công năng hợp lý. Thời hạn hoàn thành trong tháng 8/2025.
Huy Trung