Chuyển từ trồng dược liệu sang phát triển công nghiệp dược liệu

Chuyển từ trồng dược liệu sang phát triển công nghiệp dược liệu
3 giờ trướcBài gốc
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai trồng cây tam thất. Ảnh: Phương Liên
Với điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng nên tỉnh Lào Cai có số lượng loài cây dược liệu phong phú. Tỉnh hiện có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược. Đặc biệt, một số loài còn là đặc hữu, chỉ Lào Cai mới có, như: Hoàng liên gai, thất diệp nhất chi hoa, sâm vũ diệp (Tam thất hoang)... trên dãy núi Hoàng Liên.
Bên cạnh đó, tiềm năng đất rừng của Lào Cai rất lớn, với nhiều cánh rừng già, rừng tự nhiên lâu năm có mức độ đa dạng sinh học cao và trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm, có giá trị y dược cao. Nhiều chủng loại cây dược liệu là cây trồng xen, phù hợp với đất rừng nên nếu được phát triển còn góp phần nâng cao giá trị đất rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Có thể kể đến diện tích chè dây đang được thu hái trên khoảng 35.000ha đất rừng tại Bát Xát, Sa Pa, hay tổng diện tích quế toàn tỉnh hiện đạt trên 59.000ha. Trong suy nghĩ của những người nông dân như ông Lý Văn Mong, ở xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, quế là cây trồng đa năng vì vừa có thể làm thuốc, vừa làm cây gia vị, có giá trị kinh tế cao, lại có khả năng bảo vệ môi trường và thời gian khai thác kéo dài qua nhiều thế hệ.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành 2 đề án, 1 nghị quyết, 4 quyết định, 2 kế hoạch và các cơ chế chính sách hỗ trợ để chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung nguồn lực phát triển sản xuất cây dược liệu. Theo thông tin do ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ, đối với nhóm dược liệu trồng làm thuốc, toàn tỉnh đã đạt 4.105ha, gồm: 890ha cây dược liệu hằng năm (Atiso, đương quy, cát cánh, chùa dù, tía tô, cỏ ngọt...) và 3.215ha cây dược liệu lâu năm (sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hồi, đại bi, khôi nhung...). Tổng sản lượng thu hoạch 19.000 tấn, trong đó, sản lượng cây hằng năm là 8.700 tấn, cây lâu năm là 10.300 tấn; giá trị đạt trên 400 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 157ha với 11 loại cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang chuyển hướng từ trồng dược liệu sang phát triển công nghiệp dược liệu, nghĩa là sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Lào Cai đã có 30 sản phẩm từ dược liệu đã được chứng nhận OCOP, cụ thể, có 4 sản phẩm được xếp hạng 4 sao (cao mềm Actiso, trà phun sương Actiso Sa Pa, trà dây leo Sa Pa, đông trùng hạ thảo Sa Pa); 26 sản phẩm được xếp hạng 3 sao (trà giảo cổ lam Sa Pa, trà dây Fansitea, viên nang đông trùng hạ thảo Sa Pa, đông trùng hạ thảo Sa Pa tươi, trà tam thất xạ đen đông trùng hạ thảo...). Đồng thời, do đặc thù của tỉnh có lợi thế về văn hóa, cảnh quan, các hoạt động du lịch phát triển mạnh nên các hoạt động kinh tế dược liệu đã được gắn với du lịch, thông qua xây dựng các trục văn hóa - dược liệu, tạo các vùng tham quan trải nghiệm dược liệu, chăm sóc sức khỏe và các nông sản đặc trưng tại các khu vực, địa phương có thế mạnh như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai...
Sản phẩm thuốc tắm của người Dao đỏ ở Lào Cai đã được thương mại hóa rộng rãi. Ảnh: Phương Liên
Việc phát triển cây dược liệu gắn với du lịch từ việc phát huy các bài thuốc tắm của người Dao đỏ là một thành công ở Lào Cai. Bao đời nay, người Dao đỏ đã biết chế nhiều bài thuốc tắm từ các loại cây dưới tán rừng. Cây thuốc được đồng bào thu hái từ tự nhiên theo hướng có bảo tồn, tức là chỉ thu một phần, để lại một phần cho cây tiếp tục phát triển. Tùy theo mục đích sử dụng mà đồng bào sẽ phối trộn từ những loại cây khác nhau để chế ra các bài thuốc hiệu nghiệm.
Chị Lý Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết, theo tri thức cổ truyền, các bài thuốc tắm chủ yếu dùng cho phụ nữ sau sinh. Nay, hợp tác xã đã nghiên cứu, phát triển bài thuốc với khoảng 28 vị phối trộn với nhau, có tác dụng giúp du khách thư giãn, chữa nhức mỏi, bồi bổ xương khớp. Ngâm mình trong bồn tắm lá thuốc của người Dao đỏ đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng trải nghiệm khi đến với Lào Cai. Do vậy, thuốc tắm người Dao đỏ đang được các công ty, hợp tác xã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển bền vững trên diện tích trồng và khai thác tự nhiên khoảng hơn 1.300ha tại các huyện Bát Xát, Văn Bàn, thị xã Sa Pa...
Nhóm thảo dược dùng trong ẩm thực ở Lào Cai cũng được đánh giá là tương đối đa dạng, phong phú, với nhiều loại cây như: Gấc, hoài sơn, các loại nấm, cây lá dứa, tai chua, sen, khởi tử, bò khai, rau ngót rừng, đương quy, ngũ gia bì gai... phục vụ cho mục đích tăng cường sức khỏe. Phát huy thế mạnh này, một số địa phương đã xây dựng mô hình trồng thảo dược gắn với các món ăn bản địa độc đáo để thu hút khách du lịch nhằm tăng giá trị kinh tế. Ngoài ra, các hợp tác xã, doanh nghiệp còn đang phát triển nhóm các loại mỹ phẩm, chất tẩy rửa hữu cơ từ thảo dược theo tiêu chí an toàn sử dụng và thân thiện với môi trường như son dưỡng môi, kem dưỡng ẩm, mặt nạ tía tô, sữa rửa mặt tía tô, nghệ đỏ, mặt nạ hoa hồng, mặt nạ nghệ đỏ, sữa tắm, dầu gội đầu tía tô...
Những bước đi này ở Lào Cai rất phù hợp với chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước ta. Theo ông Hoàng Quốc Khánh, thời gian tới, bên cạnh việc mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất các loại đầu vị để tạo ra nguyên liệu làm thuốc, tỉnh tiếp tục phát triển nhóm thảo dược dùng làm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại trà, ẩm thực... vì thị trường có nhu cầu khá lớn. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng tầm quy mô và hình thức thực hiện bài bản, đi vào chiều sâu, gắn sản xuất dược liệu với các mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, dịch vụ tắm lá thuốc, ẩm thực, văn hóa. Chủ động trong khâu sản xuất, cung ứng giống có chất lượng và chi phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển dược liệu, từ đó duy trì và tiếp tục phát triển sinh kế, giúp nhân dân các dân tộc yên tâm bám trụ nơi phên dậu Tổ quốc.
Phương Liên
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/chuyen-tu-trong-duoc-lieu-sang-phat-trien-cong-nghiep-duoc-lieu-post482074.html