Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, sinh ngày 1/2/1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nông dân nghèo, giàu truyền thống cách mạng. Mồ côi mẹ từ sớm, tuổi thơ của anh rất vất vả.
Đến năm 15 tuổi, Nguyễn Văn Trỗi ra Đà Nẵng ở nhà người anh, tìm việc làm nuôi thân. Sợ trở thành gánh nặng cho gia đình anh chị, năm 1962, Nguyễn Văn Trỗi trốn vào Sài Gòn ở với người anh họ - Nguyễn Hữu Kiếm tại Vườn Xoài để tìm kế sinh nhai.
Lúc đầu, anh đạp xích lô, sau đó theo học nghề điện. Năm 1963, trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn chống bọn xâm lược, anh được Đảng giác ngộ và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên, trở thành chiến sĩ giải phóng trong đơn vị biệt động bí mật của Sài Gòn.
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trên pháp trường. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Khi biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Robert Strange McNamara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5/1964, lực lượng của ta vạch kế hoạch tiêu diệt.
Với lòng yêu nước sâu sắc và ý chí căm thù giặc mãnh liệt, Nguyễn Văn Trỗi – dù chỉ mới kết hôn hơn mười ngày vẫn xung phong nhận nhiệm vụ đặt mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP.HCM). Đây là vị trí được dự đoán là tuyến đường mà phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ, do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu, sẽ đi qua khi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm Sài Gòn.
Tuy nhiên, khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý thì không may bại lộ và bị giặc bắt.
Để bảo đảm an toàn hoạt động và tính mạng cho đồng đội, Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai, nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình. Sau thời gian giam giữ, tra tấn, kẻ thù đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử tại tòa, rồi kết án tử hình. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, trước giây phút bị quân thù xử tử, ông vẫn không ngừng đấu tranh với kẻ địch, luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trước pháp trường, với tư thế hiên ngang cùng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ông tranh thủ từng giây, từng phút vạch mặt kẻ thù và bọn tay sai bán nước. Trước lúc hy sinh, ông nhiều lần hô lớn "Hồ Chí Minh muôn năm. Việt Nam muôn năm". Lời hô của Nguyễn Văn Trỗi như tiến kèn xung trận thôi thúc mọi người lao vào cuộc chiến đấu mới giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, lầm than.
9 phút chiến đấu và hy sinh anh dũng của ông tại pháp trường cũng trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Mình từng ghi trên tấm ảnh của Nguyễn Văn Trỗi: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
Thiên Bình