Chuyện về cha con sống sót sau thảm họa diệt chủng người Do Thái

Chuyện về cha con sống sót sau thảm họa diệt chủng người Do Thái
2 ngày trướcBài gốc
Đây là một câu chuyện có thật. Từng người, từng sự kiện, từng bước ngoặt và từng sự việc trùng hợp một cách kỳ diệu ở trong đó đều được lấy từ các nguồn tư liệu lịch sử. Ước gì đó không phải là một câu chuyện có thật, ước gì câu chuyện đó chưa từng xảy ra, bởi một vài sự kiện trong câu chuyện ấy quá đỗi khủng khiếp và đau thương. Nhưng tất cả đã thực sự xảy ra, nằm trong ký ức của những người vẫn đang còn sống.
Có rất nhiều câu chuyện xung quanh cuộc thảm sát Holocaust, nhưng không giống với câu chuyện này. Câu chuyện kể về Gustav và Fritz Kleinmann, cha và con trai, có những chi tiết tương đồng như mọi câu chuyện khác nhưng lại tương đối khác biệt, chẳng giống bất kỳ một câu chuyện nào.
Ảnh minh họa. Nguồn: LeotherNeo.
Rất hiếm người Do Thái từng trải nghiệm và sống sót xuyên suốt thời kỳ từ những vụ bắt giữ hàng loạt đầu tiên tại các trại tập trung của Đức Quốc xã vào cuối những năm 1930 cho tới kế hoạch Giải pháp cuối cùng đối với vấn đề Do Thái, và sau cùng là tới ngày được giải phóng năm 1945.
Không có một ai, theo những gì mà tôi biết, từng trải qua quãng thời gian địa ngục đó cùng với nhau, cha và con trai, từ khi bắt đầu cho tới lúc kết thúc, từ sống dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, tới Buchenwald, tới Auschwitz và cuộc chống trả của tù nhân chống lại lính SS, tới các chuyến cuốc bộ tử thần, và sau đó tiếp tục tới Mauthausen, Mittelbau - Dora, Bergen - Belsen, mà vẫn còn sống sót để quay trở về.
Chắc chắn không có một người nào để lại được một bản ghi chép bằng tay về chuyến hành trình này. May mắn và lòng dũng cảm đóng góp một phần, nhưng thứ sau cùng giúp cho Gustav và Fritz sống sót là tình yêu thương và sự tận tâm mà hai cha con họ dành cho nhau. “Thằng bé là niềm vui to lớn nhất của tôi,” Gustav viết trong cuốn nhật ký bí mật của mình khi ở trại Bunchenwald.
“Chúng tôi tiếp sức mạnh cho nhau. Chúng tôi là một, không thể tách rời.” Sợi dây gắn kết này đã phải vượt qua thử thách cuối cùng sau đó một năm, khi Gustav bị chuyển tới trại Auschwitz - gần như đã nắm chắc án tử - và Fritz đã lựa chọn bỏ lại sự an toàn của chính mình để đồng hành cùng cha.
Tôi đã làm sống lại câu chuyện này bằng tất cả lòng chân thành của mình. Đọc nó giống như đang đọc một cuốn tiểu thuyết vậy. Tôi là một người kể chuyện, cũng là một người nghiên cứu lịch sử, ấy thế nhưng tôi chưa hề cần tới sáng tạo hay thêm thắt bất cứ điều gì; thậm chí kể cả những đoạn hội thoại cũng là được trích dẫn hoặc viết lại dựa trên những nguồn tư liệu gốc.
Nền tảng cho câu chuyện này là cuốn nhật ký mà Gustav Kleinmann đã viết trong trại tập trung trong giai đoạn từ tháng 10 năm 1939 tới tháng 7 năm 1945, bổ sung thêm cùng với đó là cuốn hồi ký và các cuộc phỏng vấn với Fritz vào năm 1997.
Tất cả những tư liệu này đều không hề dễ đọc, cả về mặt cảm xúc lẫn theo nghĩa đen - cuốn nhật ký được viết trong hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt - rất sơ lược, thường sử dụng cách ám chỉ bí ẩn để nói tới những điều nằm ngoài khả năng hiểu biết của độc giả đại chúng (thậm chí ngay cả các sử gia nghiên cứu về cuộc thảm sát Holocaust cũng phải đối chiếu các tài liệu tham khảo của mình để có thể diễn giải được một số đoạn).
Động lực để Gustav viết nên cuốn nhật ký không phải là để lưu giữ lại mà là để giúp duy trì sự minh mẫn của bản thân; những gì mà nó nhắc đến, vào thời điểm viết, ông hoàn toàn hiểu được.
Khi đã được giải mã, cuốn nhật ký cho người ta có được hiểu biết sâu sắc, phong phú nhưng rất đau xót của những người đã sống qua cuộc thảm sát Holocaust từ tuần sang tuần, tháng sang tháng và năm sang năm. Ấn tượng nhất, nó cho thấy sức mạnh và tinh thần lạc quan không thể đánh bại của Gustav: “... mỗi ngày tôi đều tự nhủ một lời cầu nguyện với chính mình,” ông viết trong năm thứ sáu bị giam cầm: “Đừng tuyệt vọng. Hãy nghiến chặt răng - những tên sát nhân SS không được phép đánh bại mình”.
Những cuộc trò chuyện với các thành viên còn sống sót của gia đình đã cung cấp thêm những chi tiết cá nhân. Căn cứ cho toàn bộ câu chuyện này -từ cuộc sống ở Vienna trong những năm 1930 cho tới hoạt động ở các trại tập trung và tính cách của các nhân vật có liên quan -càng được củng cố thêm dựa trên nghiên cứu tài liệu chuyên sâu, bao gồm chứng thực từ những người sống sót, hồ sơ của các trại cho tới các văn bản tài liệu chính thống khác, những tài liệu này xác thực cho câu chuyện trong từng bước của hành trình, kể cả những điều phi thường và khó tin nhất.
Jeremy Dronfield, tháng 6 năm 2018
Jeremy Dronfield/Bách Việt Books & NXB Văn học
Nguồn Znews : https://znews.vn/chuyen-ve-cha-con-song-sot-sau-tham-hoa-diet-chung-nguoi-do-thai-post1522759.html