Chuyện về cô gái vá đường năm ấy và 'bóng tối' cuối đời

Chuyện về cô gái vá đường năm ấy và 'bóng tối' cuối đời
12 giờ trướcBài gốc
Ký ức rực lửa
Con đường ngoằn nghèo dẫn đến căn nhà nhỏ nơi cựu nữ thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Linh (72 tuổi), đang sống cùng mẹ già ở cuối xóm Bình Tiến, phường Hà Huy Tập (Hà Tĩnh). Nghe tiếng xe vừa dừng ngoài cổng, một giọng nói ấm áp vang lên: “Ai ngoài đó. Nếu vào nhà cứ mở cổng, bà bị mù không ra đón được”.
Trưa tháng Bảy nắng gắt, hơi nóng hầm hập hắt thẳng xuống mái ngói cũ khiến không gian trở nên bức bí. Trong nhà đơn sơ, mẹ Hồ Thị Bốn (102 tuổi) nằm trên chiếc chõng tre, còn cô con gái Nguyễn Thị Linh ân cần bóp chân, tay. Vừa chăm sóc, bà Linh ghé mặt vào tai mẹ rồi thủ thỉ: "Mẹ ơi, ta ăn cơm trưa mẹ nha..".
Dù bị mù, nhưng cựu TNXP ấy vẫn hàng ngày chăm mẹ già 102 tuổi.
Nói xong, bà Linh lê từng bước chân chậm rãi, đôi tay bám lấy bức tường màu vôi bạc để vào gian bếp. Căn bếp đơn sơ bám mùi khói đen, vật dụng cũ kỹ, bữa cơm của hai mẹ con cũng giản đơn, là bát canh bí nấu với tép khô và ít lát thịt luộc. Tay trái bà Linh cầm chiếc bát, tay phải lần mò nồi cơm vừa mới nấu chín để lấy phần trưa cho mẹ Bốn. Dù mất đi ánh sáng đã gần 20 năm, nhưng những động từng động tác của nữ TNXP ngày ấy vẫn gọn gàng như thói quen đã hình thành từ bản năng.
"Mắt không nhìn thấy ánh sáng nên làm mọi thứ phải từ từ, rón rén. Bưng bát cơm cũng phải dò dẫm, sợ nghiêng, sợ đổ. Dù vẫn có em trai, có cháu đến hỗ trợ nhưng có tuổi rồi, không muốn phiền ai”, cựu nữ TNXP tâm sự.
Tuổi 75, tóc bà Linh điểm bạc, ánh mắt đục mờ, nhưng vẫn phảng phất sự cứng cỏi, kiên cường của người từng sống giữa mưa bom, bão đạn. Thanh xuân của người phụ nữ ấy đã gắn bó với rừng, với núi Trường Sơn để rồi khi xuất ngũ vẫn sống khắc khoải trong nỗi tủi hờn xen lẫn niềm tự hào.
Tâm sự về cuộc đời mình, cựu nữ TNXP cho biết, bà là con đầu trong gia đình thuần nông, đông con. Năm 1969, khi vừa tròn tuổi 19, cô gái ấy mang theo khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, tình nguyện lên đường nhập ngũ, phân công vào đơn vị C534 –N53- P18, trực tiếp tham gia vá đường, vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường chiến lược 21, đường 15 để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Dù mất đi ánh sáng nhưng bà Linh vẫn chủ động trong mọi việc.
“Thanh niên lúc đó ai cũng hăng say tình nguyện. Ngày đó không sợ khó, sợ khổ, ai cũng quyết tâm cống hiến sức mình cho Tổ quốc”, ánh mắt bà Linh rưng rưng khi kể lại.
Những ngày đầu nhập ngũ, cô gái 19 tuổi ấy còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng vì xa nhà, xa người thân, chưa quen kỷ luật quân đội. Nhưng chỉ ít lâu sau, nỗi nhớ nhà được thay bằng tinh thần trách nhiệm, là sứ mệnh của người lính cống hiến vì Tổ quốc.
“Chiến tranh ác liệt, có những thời điểm tiếng bom nổ vang trời, ù hai tai. Nhưng anh em luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường. Có hôm 1-2 giờ sáng, nghe tiếng báo động, mọi người nhanh chân mang cuốc xẻng ra đường để kéo xe, san lấp hố bom nhằm thông tuyến. Bởi tuyến đường 21 là huyết mạch, xe không thông là hàng hóa, đạn dược không thể vào chiến trường miền Nam được,” bà Linh nhớ lại.
Những lặng thầm
Thanh xuân của bà Linh là những bữa cơm vội bên lề đường đất đỏ, những giấc ngủ chập chờn trong lán trại khi tiếng còi báo động vang lên. Không chỉ san lấp hố bom, thông tuyến, đơn vị bà còn làm nhiệm vụ gác barie, canh chừng bom từ trường, dẫn đường cho đoàn xe đi qua trong đêm.Đôi mắt bà Linh rưng rưng, khi nhắc đến người đồng đội đã hy sinh: “Nhiệm vụ mà ai cũng thuộc lòng là giữ cho mạch máu giao thông chiến lược không bị tắc nghẽn. Có anh đồng đội trong đơn vị cũng hy sinh ngay lúc gác barie. Nhưng lúc đó, mọi người đều nén đau thương, siết lại đội hình và thay đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”, bà Linh tâm sự.
Dẫu hiểm nguy luôn rình rập, nhưng khi được hỏi có lúc nào nghĩ mình sẽ không trở về, bà Linh tâm sự: “Cái chết cận kề thì nhiều lắm. Nhưng lúc đó ai cũng khí thế hừng hực, hăng say thực hiện nhiệm vụ”.
Cựu TNXP bật khóc khi kể lại ký ức tham gia chiến trường.
Sau hơn 3 năm tham gia xẻ đường, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến huyết mạch 15, đường 21, đến năm 1972, nữ TNXP Nguyễn Thị Linh rời quân ngũ. Những năm tháng sau đó, bà tiếp tục công tác trong ngành giao thông, làm công nhân đường bộ cho đến năm 1993 thì nghỉ hưu.
Trở về quê khi tuổi xuân đã lỡ, bà Linh sống một mình, không chồng con, trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở cuối xóm Bình Tiến cùng người mẹ. Cuộc đời tưởng như đã yên ổn, thì đến năm 2008, đôi mắt bà bỗng mờ dần rồi tối hẳn vì căn bệnh bong võng mạc. Dù từng khăn gói ra Hà Nội, rồi vào tận TP.HCM chạy chữa, nhưng bà không thể tìm lại ánh sáng.
Không chồng, không con, đôi mắt cũng đã mất đi ánh sáng, cuộc đời của cựu nữ TNXP Nguyễn Thị Linh trở nên khốn khó ở tuổi 72.
Không chỉ phải chống chọi với cảnh mù lòa, suốt gần hai thập kỷ qua, bà Linh còn là chỗ dựa, điểm tựa cho cho mẹ ruột cụ Hồ Thị Bốn, năm nay đã tròn 102 tuổi. Nhiều năm qua, hai mẹ con nương tựa vào nhau từ đồng trợ cấp ít ỏi dành cho người có công với cách mạng và từ người thân, họ hàng hỗ trợ. “Nhiều khi nghĩ đến cảnh mình cuối đời chật vật với bao nhiêu nỗi lo, tôi tủi thân rồi bật khóc. Thương mẹ, thương anh em, họ hàng cưu mang, nhưng ai cũng có nỗi vất vả riêng. Giờ đây, mắt tôi không còn thấy nữa, nhưng mỗi ngày còn được nghe mẹ gọi, đó là lý do để tôi gắng gượng”, bà Linh nói.
Bà Linh sống cùng mẹ trong căn nhà nhỏ đơn sơ.
Trong căn nhà cấp bốn chật hẹp, những vật dụng sinh hoạt đều đã cũ mòn theo thời gian. Góc bếp loang lổ vết khói ám như phản chiếu lại một cuộc đời nhiều vất vả của bà Linh. Nữ TNXP năm ấy đã dồn hết thanh xuân cho khói lửa chiến trường, để rồi trở về trong âm thầm, thiếu thốn. Bà Linh chia sẻ, dù hiện tại có khó khăn, nhưng bà không oán trách số phận, bởi tuổi xuân của bà đã có những tháng ngày rực rỡ mà không nghĩ đến thiệt hơn.
Bà Dương Thị Thìn - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Linh là con cả trong gia đình, có nhiều anh em. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, bà trở về địa phương, không lập gia đình, sống cùng mẹ nay đã 102 tuổi. Bà Linh hiện tại đã bị mù hoàn toàn. Gia đình thuộc diện khó khăn, sinh hoạt hằng ngày bà Linh gần như tự lực hoàn toàn. Anh em, người thân cũng vất vả nên chỉ giúp được phần nào. Điều đáng trân quý là bà Linh sống rất lạc quan, không oán trách, không đòi hỏi gì về chế độ trợ cấp. Đó là nữ TNXP có tinh thần rất tốt, rất mạnh mẽ".
Hoài Nam - Phạm Trường
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/chuyen-ve-co-gai-va-duong-nam-ay-va-bong-toi-cuoi-doi-post1762134.tpo