Chuyện về loài rắn

Chuyện về loài rắn
15 giờ trướcBài gốc
- Quáng ơi dậy chưa? Vào rừng Pác Khuổi hái ổi rừng a…
- Đợi tao với, tao ăn xong bây giờ! Thằng Quáng xúc nốt thìa cơm, nó đặt bát xuống chậu rồi hấp tấp chạy ra.
- Thế mày không đem theo dao, theo túi nải đựng à? Hay mày định cởi quần ra đựng quả đấy? Thằng Sin nhìn thằng Quáng chạy ra tay không thì chế nhạo.
- Ờ nhỉ, tao quên mất, thằng Quáng lại chạy ù vào nhà lấy mõ dao, vớ túi nải treo trên vách nhà rồi chạy ra rất nhanh.
Cả ba đứa Quáng, Nhị, Sin cùng học lớp sáu, chúng chơi thân với nhau từ khi còn bé, hết hè này bọn chúng lên lớp bảy. Ba đứa xêm xêm cao bằng nhau, duy có thằng Nhị thì đậm người hơn cả, trông vóc dáng hơi nặng nề của Nhị, tụi thằng Quáng gọi nó là tua pất (con vịt) nhưng Nhị không vì thế mà bực dọc, trái lại nó còn nhe hàm răng ngắn tũn ra tít mắt cười: Tua pất thì sao chứ? Thịt nó ngon mà!
Tụi nhỏ cặm cụi vừa đi vừa rôm rả chuyện, từ chuyện chặt cây ổi đẽo con quay đến chuyện đi chăn bò, mót sắn trên nương, cắt thành khúc cho vào ống nứa nướng chín… rừng im phắc, bước chân tụi trẻ lạo xạo trên lối mòn, hai bên đường những tán cây sau sau, sả gài, xoan hôi… râm mát, nhiều chỗ nắng sớm không len nổi qua kẽ lá. Từ bản Khuổi Lếch vào rừng Pác Khuổi có lẽ cũng phải hơn hai cây số, mùa này ổi rừng đã bắt đầu chín, có cây ổi thân to như cột nhà, cũng có nhiều cây ổi bọn trẻ đứng dưới vít cành xuống là hái được quả. Ổi rừng có hai loại, một loại lòng trắng, một loại lòng đỏ hồng ăn ngọt lịm. Ổi mọc thành từng vạt, mùa quả chín, từ xa đã ngửi thấy mùi thơm của ổi chín. Tụi trẻ không chỉ hái ổi rừng về ăn, nếu hái được nhiều ổi chín chúng đem ra chợ cóc ở đầu bản bán, nhiều thì được mười, mười lăm ngàn đồng, ít thì được dăm, bảy ngàn đồng. Dù sao cũng là thú vui của tụi trẻ ở bản Khuổi Lếch hẻo lánh này.
- Tao ngửi thấy mùi ổi chín rồi chúng mày ạ! Thằng Nhị khịt khịt mũi.
- Há… há… đúng là tua pất Nhị! Thằng Sin ha ha cười.
- Mày thì không thích ăn chắc? Thằng Nhị quặc lại.
- Ai chả thích? Tao cũng thích ổi chín đấy! Thằng Quáng dàn hòa.
Bước chân tụi trẻ rậm rịch nhanh hơn.
Kia rồi, chúng đã nhìn thấy những quả ổi vàng ruộm lúc lỉu, có cây quả lại trắng, toát lên hương vị ổi thơm rất hấp dẫn. Thằng Nhị nhanh hơn cả, nó kịp vít cành hái quả ổi chín nhai rau ráu. “Ngọt thật đấy”. “Pa tao bảo nếu cây bị rung nhiều thì quả sẽ bị chua chúng mày ạ”. “Thật à?”. “Ừ, thế không vít cành thì làm thế nào hái quả được?”. “Cũng phải vít thôi, mình không trèo lên rung cây là được”. Cả bọn vừa mải mê hái ổi vừa xôn xao nói chuyện.
- Hai đứa ơi, có một con rắn trắng dài cả sải tay trên cây ổi to đùng kia kìa! Thằng Sin tay cầm túi nải đựng ít quả ổi nó vừa hái được, hớt hải chạy lại chỗ hai thằng bạn đang hái ổi gần đó giọng hoảng hốt.
- Đâu… đâu? Tụi trẻ len lén đến gần cây ổi gốc to bằng cột nhà nhìn lên.
Một con rắn màu trắng to cỡ cổ tay người lớn, dài cả sải tay, nó nằm trên cành cao, đuôi buông thõng xuống như sợi dây.
- Rắn gì thế chúng mày nhỉ? Không biết có phải rắn độc không? Thằng Quáng mắt dán vào con rắn trên cao sợ sệt.
- Sao biết được nó là loài rắn gì chứ? Thằng Nhị phân vân.
- Các cháu đang nhìn gì thế? Một giọng nói dõng dạc từ phía sau vang lên.
Tụi trẻ giật mình ngoảnh lại: Thì ra là chú Phù cán bộ kiểm lâm, là người cùng bản Khuổi Lếch với chúng.
- Chú Phù ơi, có con rắn trắng to lắm kia kìa! Thằng Sin chỉ tay lên trên cây ổi.
- Ôi dà, con rắn ráo to quá! Chú Phù thốt lên.
- Nó có phải rắn độc không chú Phù? Thằng Quáng hỏi.
- À, loài rắn này không có nọc độc như rắn hổ mang, rắn cạp nong…, loài rắn này thường săn bắt chuột, nó có ích đấy các cháu ạ. Chú Phù nói.
- Nó không có nọc độc, vậy bọn cháu bắt nó đem bán chú nhá? Thằng Sin nhìn chú Phù rồi phăm phăm đến bên gốc cây ổi cổ thụ, nó tính trèo lên.
- Không được, các cháu không nên bắt động vật hoang dã, các cháu hãy bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, như thế rừng mới phát triển, các cháu mới được vào hái những quả ổi rừng thơm ngon như thế chứ! Chú Phù khuyên.
- Chú ơi, cháu nghe nói loài rắn biết trả thù phải không? Thằng Quáng lại hỏi.
- Làm gì có chuyện rắn trả thù chứ? Hàng ngàn loài rắn, nếu chúng trả thù thì sẽ không ít người chết vì rắn rồi các cháu ạ! Chú Phù lắc đầu cười.
- Nhưng chú bảo có cả ngàn loài rắn, sao mà nhiều thế chú? Thằng Quáng nghi ngờ.
- Có đấy… nào các cháu ra chỗ những cây ổi thấp kia, chú sẽ kể cho mà nghe những chuyện về rắn độc! Chú Phù ngồi lên một phiến đá nhỏ dưới gốc cây ổi.
Minh họa: Hoàng Chinh
Bọn trẻ ngồi quây quần bên chú Phù, háo hức nghe chú kể chuyện: Thế giới hiện có gần 3.000 loài rắn khác nhau, nhưng hơn 10% trong số này là có nọc độc. “Nhiều thế cơ à?”. Thằng Nhị lè lưỡi. Trong số đó, một phần rất nhỏ thực sự nguy hiểm đối với con người, nỗi sợ bị rắn độc cắn vẫn lan tràn khắp toàn cầu, bởi vì chúng ta đã nghe hoặc nhìn thấy những hậu quả khủng khiếp từ nọc độc của rắn.
“Chú Phù ơi, sao rắn lại có nọc độc? Nọc của nó ở chỗ nào vậy chú?”. Thằng Sin sốt ruột hỏi.
Chú Phù kể tiếp: Nọc độc của rắn là một dạng nước bọt đặc biệt, có chứa một loạt các zootoxin và được lưu trữ, giống với tuyến nước bọt của chúng ta. Một khi nọc độc được tạo ra và lưu trữ trong các tuyến này, nó không di chuyển trở lại qua cơ thể, nơi nó có thể lây nhiễm các mô khác, giống như trong con mồi của chúng. Nọc độc được lưu trữ trong các tuyến và được bảo vệ đặc biệt, cho đến khi nó được di chuyển xuống, qua các ống hẹp trong nanh và đưa vào con mồi. Tuy nhiên, nếu nọc độc đó bằng cách nào đó bỏ qua dạ dày, hoặc xâm nhập vào máu con người theo một cách khác, chẳng hạn như qua vết cắn thì chất độc sẽ không bị phá vỡ và sẽ bắt đầu gây tổn hại thực sự cho cơ thể người hoặc vật, điển hình là ở dạng hoại tử và xuất huyết.
Hiện nay, trên thế giới có một số loài rắn cực độc: rắn Taipan nội địa, rắn biển Belcher, rắn đuôi chuông, rắn hổ mang Philippines, rắn độc Úc… Rắn Taipan có tên gọi khác là rắn dữ tợn, nó là loài rắn cực độc nhất thế giới, một vết cắn của nó có thể giết chết cả trăm người hay 200.000 con chuột. Lượng nọc độc rất nhỏ của loài rắn này độc gấp 10 lần vết cắn của rắn đuôi chuông, độc gấp 50 lần rắn hổ mang… Người trưởng thành sẽ thiệt mạng sau 45 phút khi bị rắn này cắn. Hay như rắn biển Belcher, là loài rắn độc dưới nước, nó nằm trong top 10 loài rắn độc nhất thế giới, chỉ cần vài milligram nọc độc của nó đã đủ giết chết cả ngàn người. Chúng thường bơi trong nước ấm ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Ngư dân biển nơi đây chính là nạn nhân của loài rắn này…
- Wow… khiếp thật đấy! Thằng Sin trợn mắt so vai.
- Sao chú Phù biết nhiều thế? Thằng Quáng giọng thán phục.
- Chú là kiểm lâm nên phải biết về tài nguyên thiên nhiên, các loài động vật hoang dã mới có thể bảo vệ chúng được, thôi các cháu hái ổi đi, mải nói chuyện mặt trời đã lên gần ngọn cây rồi, chú cũng phải đi tuần tra rừng, các cháu nhớ là không được bắt rắn đem bán nhé, chẳng may bắt phải rắn độc thì nguy hiểm đến tính mạng đấy! Chú Phù rảo bước rồi quay lại dặn dò bọn trẻ.
- Vâng ạ. Chúng cháu biết rồi! Cả bọn đồng thanh đáp.
Bọn trẻ ngó nghiêng, hái những quả ổi chín thơm nức được lưng túi nải rồi rủ nhau về. Trên đường về chúng vẫn bàn tán về những loài rắn độc mà chú Phù kể. Thỉnh thoảng thằng Quáng còn liếc ven lối mòn, nó sợ có con rắn độc nào đó bất chợt bò ra.
Đoàn Ngọc Minh
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/chuyen-ve-loai-ran-3175429.html