Chuyện về Tàu Cảnh sát biển 8005 - Bài 2: Vượt sóng gió, kiên cường bám biển

Chuyện về Tàu Cảnh sát biển 8005 - Bài 2: Vượt sóng gió, kiên cường bám biển
7 giờ trướcBài gốc
Trong chuyến vượt biển hàng nghìn hải lý trong điều kiện sóng gió cấp 7, cấp 8 đến thành phố Kochi (Ấn Độ) lần này, một số anh em phóng viên báo chí Quân đội và các thành viên trong đoàn công tác đều thấm mệt. Chỉ có cán bộ, thủy thủ Tàu CSB 8005 là vẫn kiên cường bám trụ.
Gần gũi với các thành viên đoàn công tác và cán bộ, thủy thủ trên con tàu CSB 8005, chúng tôi còn biết thêm nhiều câu chuyện hết sức cảm động, sâu sắc. Thượng tá Vũ Chí Công, Phó trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn và Bảo vệ tài nguyên môi trường biển (Bộ Tham mưu CSB Việt Nam), nguyên Phó hải đội trưởng Hải đội 322, Hải đoàn 32 (Bộ tư lệnh Vùng CSB 3) là người có nhiều chuyến vượt biển cứu nạn ngư dân. Kỷ niệm khiến anh nhớ mãi là vào năm 2018, trên cương vị Phó hải đội trưởng Hải đội 322 trực tiếp chỉ đạo Tàu CSB 2010 hành quân trong đêm từ Ninh Hòa thực hiện nhiệm vụ cứu nạn. Chặng đường từ Ninh Hòa vào tới khu vực biển Nha Trang cách 20 hải lý, Tàu CSB 2010 hành quân trong điều kiện sóng gió cấp 6, cấp 7, trời tối mịt mùng, mưa như roi quất vào thịt da. Phần lớn anh em trên tàu say sóng, lúc này, Vũ Chí Công đến từng khoang máy, buồng hành trình động viên và đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận kiên quyết không bỏ vị trí.
Sau 4 giờ đồng hồ vật lộn với sóng gió, cán bộ, thủy thủ Tàu CSB 2010 đã dũng cảm cứu được 6 ngư dân trong điều kiện họ gần như đã tuyệt vọng bởi tàu cá chìm dần, lương thực, thực phẩm cạn kiệt. Vũ Chí Công cũng có thời gian xa hậu phương gia đình hơn 13 năm. Trong khoảng thời gian ấy, mọi việc từ chăm sóc bố mẹ già, con cái đến giỗ chạp, cưới xin... hai bên nội ngoại đều phó thác cho vợ là chị Quản Thị Quỳnh Giao lo liệu. Vào khoảng tháng 6-2011, Vũ Chí Công là Thuyền trưởng Tàu 609 (thuộc Vùng 2 Hải quân) đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn DK1 thì nhận được tin bố mất tại quê nhà xã Hiệp Hòa, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nén đau thương, anh tưởng niệm bố giữa trùng khơi rồi tiếp tục chỉ huy tàu hoàn thành nhiệm vụ rồi mới vào đất liền, về quê chịu tang bố...
Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, trưởng đoàn công tác, kiểm tra công tác kỹ thuật trên Tàu CSB 8005.
Trên Tàu CSB 8005, tôi có nhiều dịp trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Thiện, Chính ủy Hải đoàn 32. Về nhậm chức Chính ủy Hải đoàn trong điều kiện đơn vị đóng quân cách xa Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 gần 500km; lực lượng tàu hoạt động phân tán trên nhiều vùng biển khác nhau, quân số thiếu so với biên chế; phần lớn cán bộ, thủy thủ trong Hải đoàn đều xa hậu phương gia đình, một số đồng chí chưa thực sự yên tâm công tác. Trước thực tế ấy, Chính ủy Hoàng Ngọc Thiện chủ động thảo luận, bàn bạc với các đồng chí trong Ban chỉ huy Hải đoàn xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết, tập trung giải quyết tốt công tác tư tưởng. Mặt khác, các anh luôn quan tâm xây dựng mối đoàn kết, nhất là giải quyết tốt các chế độ, chính sách, quan tâm đến hậu phương gia đình của cán bộ, chiến sĩ... tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong đơn vị. Nhờ vậy, năm 2023, Hải đoàn 32 đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng", đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu". Năm 2024, Hải đoàn 32 dẫn đầu khối thi đua của CSB Việt Nam, được tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng”; được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”; tỉnh Khánh Hòa tặng cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu khối thi đua của LLVT”.
Chuyến công tác lần này, tôi đặc biệt ấn tượng với đồng chí trưởng đoàn, Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Vùng CSB 3. Trong quá trình điều hành, chỉ đạo đoàn công tác, Đại tá Nguyễn Minh Khánh luôn thể hiện tính thẳng thắn, dứt khoát bằng mệnh lệnh của người chỉ huy. Điều đó được thể hiện qua việc anh cùng Trung tá Nguyễn Tất Hùng, Phó chủ nhiệm Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Vùng CSB 3 đi kiểm tra công tác hậu cần đời sống, trực tiếp nhắc các bộ phận bảo quản rau xanh, thịt lợn, gà luôn tươi ngon; khắc phục ghế lung lay, quạt thiếu lồng... Lên buồng hành trình, Đại tá Nguyễn Minh Khánh nhắc nhở Đại úy Trần Hữu Ngọc, Thuyền trưởng Tàu CSB 8005 kiểm tra nắm tình hình khu vực neo đậu tàu có bảo đảm an toàn không. Lưu ý tín hiệu phải phối hợp nhịp nhàng với hoa tiêu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ... Sự sâu sát, tỉ mỉ ấy thể hiện kinh nghiệm, sự từng trải và trách nhiệm của người chỉ huy.
Vốn tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của Đại tá Nguyễn Minh Khánh rất tốt. Vì vậy, khi đoàn công tác sang làm việc với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ, anh là người luôn chủ động thống nhất về các phương án luyện tập cũng như trao đổi thông tin. Trong quá trình tham quan thành phố Kochi, qua lời giới thiệu của anh, chúng tôi hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa Ấn Độ nói chung và nét đẹp cổ kính của thành phố Kochi bên bờ biển xanh nói riêng.
Trong suốt chặng hành trình gần 6.000 hải lý lênh đênh trên biển, các thành viên đoàn công tác chủ yếu giải trí bằng cách xem phim, xem video và hát karaoke. Để thay đổi không khí, Đại tá Nguyễn Minh Khánh đề nghị Trung tá Đinh Khánh Ngọc, phát thanh viên Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và Trung úy Nguyễn Hoàng Bá Lưu, Chính trị viên Tàu CSB 7011, Hải đội 322 (Hải đoàn 32, Bộ tư lệnh Vùng CSB 3) vào tổ phát thanh. Theo đó, Trung tá Đinh Khánh Ngọc và Trung úy Nguyễn Hoàng Bá Lưu luân phiên đọc cuốn “Người thầy”-một cuốn sách rất nổi tiếng của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Bằng chất giọng truyền cảm, ấm áp, hai phát thanh viên đã giúp cán bộ, thủy thủ trong đoàn công tác trên Tàu CSB 8005 hiểu sâu hơn về công lao của Thiếu tướng tình báo, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Trần Đức và những trăn trở, hy sinh, khó khăn mà ông phải vượt qua. Đồng thời, ông còn là tấm gương về phẩm chất đạo đức và các mối quan hệ tình cảm vợ chồng, cha con, thầy trò...
Đại úy Trần Hữu Ngọc, Thuyền trưởng Tàu CSB 8005 chỉ huy tàu hành quân trên biển.
Trong hải trình đến thành phố Kochi lần này, Thuyền trưởng Trần Hữu Ngọc được các thành viên đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ tin yêu bởi bản lĩnh cũng như khả năng quán xuyến, điều hành, chỉ huy của anh.
Trao đổi với chúng tôi về những chuyến đi biển thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Trần Hữu Ngọc khẳng định: “Trong những chuyến ra khơi vượt sóng gió, kiên cường bám tàu, bám biển bao giờ cũng phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 8005 vẫn không hề nao núng, bởi chúng tôi gắn bó với nhau bằng nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng, bằng niềm tin đồng đội và bởi sau lưng chúng tôi là hậu phương gia đình, là thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc!”.
Bản lĩnh vững vàng ấy của các anh được thể hiện rõ nét bởi sự mưu trí, dũng cảm trong xử lý chính xác các tình huống phức tạp, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Từ năm 2016 đến nay, tàu liên tục hoạt động trên biển, có những chuyến ra khơi kéo dài hàng tháng trời. Bao nhiêu chuyến đi là bấy nhiêu lần những người thủy thủ gồng mình chống chọi với sóng gió và cả những tình huống căng thẳng, phức tạp trên biển. Có chuyến ra khơi gặp bão dông, cán bộ, thủy thủ chếnh choáng say, không thể nấu được cơm, đành phải dùng đồ hộp.
“Vượt sóng gió, kiên cường bám biển, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, câu khái quát ngắn gọn của Đại tá Nguyễn Minh Khánh đã phần nào nói lên những chiến công thầm lặng của tập thể cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 8005. Vâng! Đúng như thế. Trong những năm qua, Tàu CSB 8005 đã tổ chức hàng chục chuyến ra khơi làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, đưa đón các đoàn công tác đối ngoại quốc phòng, phục vụ huấn luyện và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển... Thành tích đáng nể của con tàu mới 8 năm tuổi ấy là liên tục 8 năm liền (2016-2024) được Đảng ủy cấp trên công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; 4 năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.
(còn nữa)
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuyen-ve-tau-canh-sat-bien-8005-bai-2-vuot-song-gio-kien-cuong-bam-bien-812013