Chuyện về tiến sĩ 'cua'

Chuyện về tiến sĩ 'cua'
10 giờ trướcBài gốc
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau ngay từ nhỏ, anh Bắc đã tiếp xúc và gắn bó với con tôm, con cua. Lớn lên, anh theo học và tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản Trường ĐH Cần Thơ vào năm 2010. Sau đó hoàn thành thạc sĩ, tiến sĩ liên quan các nghiên cứu về nuôi vỗ béo cua trong hệ thống tuần hoàn nước.
Với kiến thức có được, anh Bắc mở trại nuôi cua tại quê nhà ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi. Quá trình này, anh nhận ra con cua tuy phát triển tốt nhưng lại dễ bị bệnh, rủi ro cao.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc đang triển khai thực hiện mô hình nuôi vỗ cua hai da và cua lột trong hệ thống tuần hoàn bằng hình thức nuôi tập trung mang lại hiệu quả khá cao, góp phần nâng giá trị cho đặc sản cua Cà Mau. Ảnh: Nguyên Du.
Đến năm 2015, anh Bắc về làm việc tại Trường cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Tại đây, biệt danh "tiến sĩ cua" được ra đời với nhiều công trình đặc biệt mang đậm dấu ấn cá nhân .
Mới đây, vị tiến sĩ này cùng với các cộng sự đã đưa ra Giải pháp nuôi vỗ béo cua hai da và cua lột trong hệ thống tuần hoàn bằng hình thức nuôi tập trung và bước đầu mang lại hiệu quả khá cao, góp phần nâng giá trị cho đặc sản cua Cà Mau.
Từ đầu năm 2023, hệ thống được vận hành tại Cơ sở 2, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, có địa chỉ ở Khóm 3, phường Tân Xuyên, thành phố Cà Mau, với mật độ từ 4 – 8 con/bể và cho kết quả cao nhất. Theo anh Bắc, mục tiêu của dự án là nhân rộng cho người dân và nâng quy mô sản xuất để đáp ứng sản lượng cho những đơn hàng lớn. Một con cua nuôi trong hộp đến khi bán tốn chi phí khoảng 85.000 đồng, trong khi nuôi tập trung chỉ khoảng 25.000 đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc bày tỏ ưu điểm của mô hình này là tiết kiệm được diện tích nuôi, tiết kiệm chi phí, thời gian và tiết kiệm được mồi ăn cho cua.
Giải pháp nuôi vỗ béo cua hai da và cua lột trong hệ thống tuần hoàn bằng hình thức nuôi tập trung cho phép nuôi với mật độ lên đến 25 kg/m3, qua đó giúp cho người nuôi cải thiện năng suất nuôi. Ảnh: Nguyên Du
Hệ thống được thiết kế với chu kỳ thả giống 4 lần/40 ngày và số lần thu hoạch 4 lần/vụ, nhằm hạn chế biến động lớn về khối lượng cua sau khi thu hoạch. Qua đó, giúp duy trì một lượng cua nhất định trong bể nuôi, cùng với đó tỷ lệ sinh khối vi khuẩn trong bể được ổn định.
Cua nuôi được thả với trọng lượng trung bình 200g/con, sau khi cung cấp thức ăn đa phần là nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để cung cấp đủ các chất đạm, béo, xơ… Sau đó, cua tăng trưởng đến trọng lượng trung bình 250g/con là xuất bán các tỉnh trong nước, với giá giao động hiện nay từ 600.000 – 650.000 đồng/kg.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc chia sẻ, ưu điểm của mô hình nay là tiết kiệm được diện tích nuôi, chi phí, thời gian và tiết kiệm được mồi cho cua ăn. “Nếu như nuôi theo từng con cua mồi khi cho ăn cua ăn không hết phải bỏ ra nhưng nếu nuôi tập trung con này ăn không hết con khác sẽ đến ăn. Khi bỏ mồi vào con nào háu ăn sẽ đến ăn trước điều này cũng kích thích những con khác đến ăn”, anh Bắc cho hay.
Với hệ thống gồm 10 bể nuôi, kệ đặt bể nuôi, đèn UV diệt khuẩn, máy tạo ô xy, bể lọc cơ học và sinh học… có chi phí dao động từ 15 đến 20 triệu đồng được xem là thấp hơn các quy trình nuôi cua trên bể khác. Với hệ thống này, người nuôi có thể nâng công suất thiết kế nuôi lên một chu kỳ thu hoạch là 40 ngày/lần và sản lượng thu hoạch lên đến 1.000 kg. Dự án nuôi thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch, cua thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua biển, kết hợp với du lịch trải nghiệm của nhóm Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc đã giành giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023.
Đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc đã triển khai hệ thống trên đến với hàng chục hộ nuôi trên địa bàn tỉnh, khi người dân có nhu cầu liên hệ, học hỏi nhân rộng mô hình.
Uu điểm của mô hình nuôi vỗ béo cua hai da và cua lột trong hệ thống tuần hoàn bằng hình thức nuôi tập trung tiết kiệm được diện tích, chi phí, thời gian và tiết kiệm được mồi cho cua ăn. Ảnh: Nguyên Du.
Giải pháp nuôi vỗ béo cua hai da và cua lột trong hệ thống tuần hoàn bằng hình thức nuôi tập trung cho phép nuôi với mật độ lên đến 25 kg/m3, qua đó giúp cho người nuôi cải thiện năng suất nuôi. Mặt khác, do nuôi trong bể nên rất chủ động trong việc thu hoạch và kiểm tra chất lượng cua trước khi xuất bán. Bên cạnh đó, hệ thống có chi phí lắp đặt thấp, thời gian hoàn vốn nhanh và có thể giúp người tham gia mô hình nuôi có lợi nhuận ngay từ năm đầu tiên.
Theo ông Trần Văn Nguyên, một người nuôi trồng thủy sản lâu năm ở tỉnh Cà Mau nhận xét: "Tôi thấy mô hình của Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc khá hay và có thể áp dụng vào thực tế. Khi giá cua biển bắt đầu tăng, người dân sẽ bắt cua mềm hoặc yếu gạch để nuôi vỗ béo cho đến thời điểm thích hợp thì bán. Cua được nuôi trong quy trình khép kín, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường nước, thức ăn, ánh sáng, nên quyết định được thời gian thu hoạch, chất lượng thịt, gạch”.
Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, cho biết đề tài nêu trên của Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc đã đạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp tỉnh năm 2023. Đây là mô hình hay, sáng tạo và có thể nhân rộng để giúp người dân phát triển kinh tế. Trung tâm đã hỗ trợ để ông Bắc tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm...
Nguyên Du
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/chuyen-ve-tien-si-cua-10303162.html