Chuyện về xứ sở những mỹ nhân của đất phương Nam

Chuyện về xứ sở những mỹ nhân của đất phương Nam
3 giờ trướcBài gốc
NHA MÂN - VÙNG ĐẤT CỦA MỸ NHÂN
Dân gian vùng Nam bộ từng có câu nói “Gà nào ngon bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”, đây là vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Đồng Tháp).
Theo một số tài liệu ghi lại, vào năm 1785, trước nguy kịch bị vây đuổi của nhà Tây Sơn, quân nhà Nguyễn buộc phải bỏ lại hàng trăm thê thiếp để chạy thoát. Hàng trăm cung tần mỹ nữ chịu đựng không nổi cực khổ trên đường trốn chạy nên chúa Nguyễn đành gạt nước mắt bỏ họ lại dọc đường.
Để “nhẹ gánh loạn ly”, những mỹ nhân được ban cho ít vàng bạc rồi lên tá túc ở các làng bên bờ sông Tiền, nay thuộc Nha Mân. Những mỹ nhân bị “bỏ rơi” sau đó lấy chồng là người địa phương, trở thành nông dân nhưng con cái do họ sinh ra đều đẹp như “tiên đồng ngọc nữ”.
Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan.
Thêm nữa, người ta lý giải rằng, do nơi đây là vùng đất nằm giữa hai bờ sông Tiền, sông Hậu, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, sông nước êm đềm cũng là một phần tạo nên vẻ đẹp nhan sắc cho phụ nữ ở đây. Nét đẹp của những cô gái vùng đất này đến từ nước da trắng nõn cùng màu tóc đen tha thướt.
Vẻ đẹp hình thể vẹn toàn cùng sự đằm thắm, nhã nhặn của những cô gái khiến Nha Mân trở thành miền gái đẹp bậc nhất ở miệt sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết khác cho rằng, vùng đất Nha Mân là nơi có cả 3 dân tộc: Việt - Hoa - Khơme sinh sống. Chính sự quần cư này đã tạo điều kiện sinh ra những cô gái lai 3 dòng máu nên rất đẹp.
Ngoài ra, còn có câu chuyện tình bi thương đã trở thành giai thoại của ông thầy tuồng gánh hát Quốc Bửu Bang và cô vợ là con gái xứ Nha Mân. Người dân địa phương cho biết chính nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” của cô vợ thầy tuồng khiến ông bầu của đoàn hát say đắm. Không cưỡng lại vẻ đẹp đằm thắm, kiêu sa của người con gái Nha Mân, dù biết người này đã có chồng và là nhân vật chủ chốt, nuôi sống gánh hát của mình, ông bầu vẫn quyết tâm chiếm đoạt.
Lực bất tòng tâm, thầy tuồng chỉ biết năn nỉ, van xin ông bầu buông tha cho vợ mình trong vô vọng. Bất lực, thầy tuồng đành lấy dao rạch bụng tự sát để lên án tội ác của tên háo sắc. Sau ngày ông tự sát, gánh hát Quốc Bửu Bang không còn người viết tuồng mới, cứ diễn đi diễn lại bổn tuồng cũ nên đánh mất khán giả. Ông bầu sạt nghiệp, về chợ Nha Mân lay lắt ăn xin rồi chết.
GÒ CÔNG - “ĐẤT PHƯỢNG HOÀNG”
Gò Công nổi tiếng với “danh hiệu” xứ sở của nhiều đệ nhất phu nhân. Trong mắt khách viễn du, Gò Công hiền hòa, lặng lẽ nơi miền cửa biển với những ngôi nhà cổ, dinh thự xưa và bóng dáng thiếu nữ hoài nét duyên xưa. Gò Công trầm mặc là thế nhưng lại nổi tiếng với “danh hiệu” nhiều đệ nhất phu nhân, hoàng hậu ở miền Nam.
Theo chiều dài lịch sử, những danh hiệu dân gian đó đã được định hình, trường tồn bởi những Hoàng Thái hậu Từ Dụ (1810 - 1902), hay được gọi là Từ Dũ. Tuy mới 14 tuổi, nhưng bà đã là tuyệt sắc giai nhân, được tiến cung và trở thành vợ của Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, vợ Vua Thiệu Trị và mẹ Vua Tự Đức sau này.
Quốc sử triều Nguyễn ghi lại, bà Từ Dụ từng được bà Đức Thánh tổ Thuận Thiên (vợ Vua Gia Long) ban một bộ nút áo bằng vàng hình chim phượng nên cuộc đời của bà gắn với hình ảnh con chim phượng và vùng đất Sơn Quy nên dân gian hay gọi vùng Gò Công là “đất phượng hoàng”. Bà nổi tiếng là người đức hạnh, biết yêu quý dân và giỏi nuôi dạy con cái.
Tên của bà được đặt cho một bệnh viện phụ sản lớn nhất miền Nam - Bệnh viện Từ Dũ. Phẩm hạnh của bà được người dân Gò Công ngẫu hứng sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật chơi kiểng cổ lưỡng diện với thế “tam tòng tứ đức”, ca ngợi nét công, dung, ngôn, hạnh của người con gái Gò Công khi cuộc đời bà trải qua 9 đời vua triều Nguyễn.
Còn Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan (1914 - 1963) trước khi trở thành đệ nhất phu nhân của Hoàng đế Bảo Đại, năm 1934, bà đã 3 năm liền trúng giải Hoa hậu Đông Dương. Sau khi được tấn phong Hoàng hậu, Vua Bảo Đại đổi tên bà thành Nam Phương với ý nghĩa hương thơm của đất trời phương Nam. Câu chuyện tình đẹp đầy sóng gió của bà với cựu hoàng Bảo Đại được viết thành sách, được dựng thành phim và nhiều loại hình nghệ thuật khác.
Suốt cuộc đời mình, Hoàng hậu Nam Phương luôn giữ lời hứa sắt son, chung thủy vợ chồng, dù sau này Vua Bảo Đại có chạy theo các cuộc tình mới, Nam Phương Hoàng hậu vẫn sống một mình. Dù được sang Phương Tây du học từ nhỏ và theo đạo Công giáo nhưng suốt thời gian tại Việt Nam, Nam Phương Hoàng hậu đều chung thủy sắt son với tà áo dài truyền thống.
LÊ HỒNG QUÂN
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/chuyen-ve-xu-so-nhung-my-nhan-cua-dat-phuong-nam-1041604/