Theo thống kê, trong hơn 10 năm qua (kể từ năm 2014), Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Trong đó nổi bật là “chiến dịch” năm 2017. Và năm 2023, một “chiến dịch” lớn được triển khai với nhiều quyết tâm và kèm theo các giải pháp. Thậm chí đã bàn đến việc “cho thuê” vỉa hè, quận Hoàn Kiếm (cũ) đã triển khai thí điểm và trên địa bàn toàn thành phố, nhiều khu vực được đề xuất nên cho thuê...
Nhưng vỉa hè cũng là nơi mà cụm từ “bắt cóc bỏ đĩa” được dùng nhiều nhất, khi chỉ sau khi ra quân một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn, thậm chí có khi, có lúc mức độ còn nghiêm trọng hơn.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó có cả cái gọi là “văn hóa vỉa hè” và sinh kế của không ít người dân bấy lâu nay vẫn bám lấy vỉa hè làm nơi mưu sinh. Lấy ví dụ vỉa hè khu vực quận Hoàn Kiếm (cũ), nơi “tiêu biểu” nhất của “nền kinh tế vỉa hè”, có những hàng quán nổi tiếng (khách quốc tế biết đến nhiều) thì diện tích kinh doanh trong nhà có khi chỉ vài mét vuông, khách ngồi vỉa hè là chính. Cũng bởi sự nhộn nhịp trong kinh doanh của khu vực này mà từng có những ý kiến đặt ra, nếu trả lại vỉa hè công năng chính của nó thì giao thương, làm ăn, buôn bán... của khu vực phố cũ, phố cổ sẽ ngừng trệ?
Khái niệm “nền kinh tế vỉa hè” dù là thuật ngữ có thể chưa chính thức, thì trong thực tế trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, không thể không thừa nhận, vỉa hè, bằng cách này cách khác, công khai và ngang nhiên đã được sử dụng như một nơi mưu sinh phổ biến và hiệu quả. Sau những đợt ra quân, kết quả vỉa hè vẫn là nơi bán đồ ăn, uống bia hơi, bàn ghế, ô dù, quầy nấu nướng, rửa bát, rửa xe; chậu cây cảnh, bàn ghế cũ; là nơi để xe máy, bày hàng hóa, tập kết vật tư xây dựng, rác thải, hộp cáp điện thoại, tủ công tơ điện, bục biển quảng cáo hoặc thùng rác, cột trụ thùng rác thông minh kết hợp bảng quảng cáo điện; bên dưới lớp đá lát vỉa hè là hệ thống đường dây cấp điện ngầm, cáp quang thông tin, ống cấp nước, hệ thống thoát nước thải...
Để ngần ấy thứ, mới chỉ kể ra sơ sơ, có thể bày bán trên vỉa hè, có phải chỉ thuần túy là “ý thức người dân” hoặc tự phát không?
Câu trả lời lâu nay có thể được ngầm hiểu không phải bỗng nhiên mọi thứ được bày ra vỉa hè như thế. Theo KTS Trần Huy Ánh, khi “vỉa hè vẫn là món lợi ích cho nhiều bên thì còn nhiều “lý lẽ” trong việc lập lại trật tự”.
Thế nên, dù đã nhiều đợt ra quân rầm rộ, vỉa hè thỉnh thoảng lại là câu chuyện nóng lên như những ngày vừa qua khi một cô gái đứng trên vỉa hè chờ xe ở đường Phạm Hùng (phường Từ Liêm) thì người bán hàng gây gổ. Một nghịch lý đầy trớ trêu khi người lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh lại có quyền “xác lập địa phận làm ăn” với bất cứ công dân nào đang sử dụng không gian công cộng.
Công năng của vỉa hè là gì? Đó không đơn thuần chỉ là nơi giành cho người đi bộ. Vỉa hè nhìn trong tổng thể một đô thị, đó là một không gian công cộng. Cần nhận diện rằng tổng thể không gian đô thị ngoài công viên, vườn hoa, hồ nước... còn bao gồm vỉa hè, lòng đường và bởi vậy cần trả lại công năng không gian công cộng của vỉa hè.
Nghĩa là nó không chỉ là hành lang 1,5m cho người đi bộ, nó là không gian công sản vỉa hè, nơi mà mỗi công dân có quyền và có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc sử dụng không gian công cộng. Đồng ý rằng có những khu vực, có những phương án sử dụng không gian công cộng (trong đó có vỉa hè) vào việc tổ chức các không gian dịch vụ thương mại như khu vực phố ẩm thực hiện nay. Nhưng đó không phải việc tùy tiện ở bất cứ đâu cũng như không phải là việc sử dụng không gian công sản vỉa hè, lòng đường cho mục đích khai thác tư lợi.
Lập lại trật tự ở vỉa hè vẫn là câu chuyện khó, nhưng nếu quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được. Tất nhiên, không phải chỉ bằng các “chiến dịch cao điểm” khi mà nhìn chung thì đều không mấy khi nhìn thấy sự bền vững sau những đợt ra quân rầm rộ.
Cẩm Thúy