Chuyến xe 'bão táp' về quê đón Tết năm xưa

Chuyến xe 'bão táp' về quê đón Tết năm xưa
7 giờ trướcBài gốc
Bây giờ từ Nam ra Bắc (và ngược lại) vô cùng thuận tiện, chứ những năm chưa xa ấy để có một vé tàu lửa về quê ăn Tết là cả chặng đường trần ai lao khổ nên hầu hết người dân chỉ còn nước chọn xe đò.
Khoảng 9 giờ sáng 24 tháng chạp tôi ra xa lộ Đại Hàn, chỗ Khu công nghệ cao hiện nay, đón xe về Thanh Hóa. Tôi còn nhớ giá tiền xe năm ấy là 170 nghìn đồng. Leo được lên xe về quê là cả nỗi mừng vui khôn tả, song một chặng đường kinh hoàng mà đến nay mỗi lần nhớ lại vẫn không khỏi rùng mình. Nhà xe vừa chạy vừa đón thêm khách dọc đường nên mãi tới chiều muộn xe mới bò tới Xuân Lộc, Đồng Nai. Từ đêm đó trở đi, cứ chạy được một đoạn xe lại hỏng dọc đường và phải dừng lại để sửa. Sáng hôm sau xe tới được địa phận tỉnh Khánh Hòa. Ngày hôm sau, suốt chặng đường xe cũng vừa đi vừa sửa các hỏng hóc song bất cứ ai đứng bên đường vẫy thì nhà xe đều bắt khách và đẩy lên xe mà không cần biết trong xe đứng ngồi ra sao, miễn là nhét được hành khách lên. Chật như nêm, tiếng trẻ em kêu khóc, tiếng than thở của người già, phụ nữ khắp xe.
Ra tới Quảng Ngãi, xe lại bị hư và lại phải dừng lại để sửa, chỉ mới đến đây thì quãng đường về nhà đã mất 4 ngày. Sau khi sửa xong, xe chạy ra tới Đà Nẵng lại hỏng hóc. Hành khách đành vật vờ xuống xe chờ nhà xe sửa. Sáng hôm sau, 28 tháng chạp, vừa qua khỏi đèo Hải Vân thì lại… hư tiếp. Trên hành trình của chuyến hồi hương vất vả, dọc đường đã có những người bỏ xe này để bắt xe khác về quê vì không tin tưởng nó nữa. Cũng có người quê ở Quảng Trị kết thúc cuộc hành trình vì sau 5 ngày đã về tới quê hương. Khi ấy, nhìn những hành khách đi cùng xuống xe về nhà, lòng tôi lại ao ước giá mà nhà mình cũng ở đó. Đến nước này thì tôi cũng giống một số hành khách trước đó, không thể nào tin tưởng nổi chiếc xe tòng tọc sẽ đưa mình kịp về quê đón Tết vì năm ấy không có ngày 30.
Tôi quyết định rời bỏ nó và xách hành lý là chiếc rương nhôm nhỏ đi dọc đường hướng về trung tâm thị xã Đồng Hới. Vừa đi tôi vừa để ý xem có chiếc xe nào chạy qua hay không để vẫy tay. Cũng có nhiều xe chạy qua song khi hỏi biết tôi về Thanh Hóa các lơ xe đều lắc đầu. Sau này tôi mới biết là quãng đường từ đó về Thanh Hóa ngắn hơn đường ra các tỉnh phía bắc nên nhà xe không muốn rước khách bởi tiền vé không cao. Thực ra tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trả 200 đồng trong tổng số 500 nghìn dành dụm tích cóp được để trả tiền vé nếu có nhà xe nào đó cho đi.
Đêm 28 Tết năm 1999 ấy, trời rét căm căm, một mình xách chiếc rương nhỏ đi dọc con đường về hướng bắc, bụng bảo dạ dù thế nào cũng phải kiếm cái gì bỏ bụng. Thấy một quán cơm nhỏ khá sạch sẽ, tôi tạt vào và gọi một đĩa cơm mực xào hành tây. Phần vì đói, phần vì mực tươi ngon nên tôi đã ăn một bữa cơm quá ngon! Khi ấy tôi đinh ninh trong lòng rằng đĩa cơm này chí ít cũng phải 15 - 20 nghìn đồng (khi ấy một đĩa cơm “bụi” chúng tôi thường ăn tại huyện Thủ Đức giá 1.500 đồng). Thật bất ngờ khi chủ quán tính tiền đĩa cơm hôm ấy với giá… 5 nghìn đồng. Thật cảm động và biết ơn. Bụng no rồi nhưng cũng chưa biết đi đâu, làm sao để về quê. Biết hoàn cảnh của tôi, cô chủ quán nói cháu đừng đi vì giờ này cũng khó bắt xe, chịu khó ngồi ở đây khi có xe nào vào quán ăn cơm thì cháu nói với họ. Nghe lời cô, tôi ngồi ở quán uống nước và đợi. Khoảng 7 giờ tối có một xe du lịch 16 chỗ tấp vào quán. Tôi đợi khi nhóm hành khách này ăn cơm xong liền tới đánh bạo hỏi ai là lái xe, trình bày hoàn cảnh và xin đi nhờ về Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Người lái xe đồng ý cho tôi lên xe và sắp cho tôi một chỗ ngồi, anh cũng không nói giá tiền bao nhiêu. Khỏi phải nói cảm giác may mắn và hạnh phúc như thế nào khi ấy. Vì mừng vui nên tôi nghĩ rằng lái xe có lấy đến 300 nghìn tôi cũng sẵn lòng vui vẻ trả nên cũng không hỏi giá. Lên xe tôi mới biết đây là xe chở những người đi lao động ở Hàn Quốc trở về, từ TP.HCM ra các tỉnh phía bắc. Gần 5 giờ sáng 29 Tết (ngày cuối cùng của năm), xe về tới ngã tư Bỉm Sơn, Thanh Hóa, tôi cảm ơn, xin trả tiền xe và xin xuống xe để đi bộ 8km về nhà. Khi tôi hỏi giá, người lái xe lại làm tôi bất ngờ, anh chỉ lấy 50 nghìn đồng.
Vậy là sau đúng 5 ngày 5 đêm tôi đã kết thúc chặng đường từ TP.HCM về quê đón Tết. Những gian nan trên chuyến xe tết năm ấy hằn sâu trong ký ức đến mức sau này tôi đã nhiều lần chiêm bao về nó. 6 năm sau chuyến xe bão táp, tôi lấy vợ người Đồng Hới. Kể Khi nghe tôi kể câu chuyện này, bà xã nói giỡn vậy mà năm ấy anh không gặp em trên đường. Nhiều lần tôi chở bà xã trên xe máy chạy chầm chậm từ hướng trung tâm Đồng Hới về phía cầu Quán Hàu để tìm lại quán cơm năm xưa mà không thấy. Những cảnh năm xưa dọc đường in hằn trong ký ức đã thay đổi đến mức không thể nhận ra, nhưng buồn vui, nhất là tình người về chuyến xe tết vẫn chưa bao giờ phai mờ.
Vũ Trung Kiên
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/chuyen-xe-bao-tap-ve-que-don-tet-nam-xua-228820.html