Nhưng nhờ sự chung tay của Đoàn Thanh niên và chính sách hỗ trợ của tỉnh, ước mơ đó đã dần thành hiện thực.
Cuộc sống bấp bênh của người phụ nữ đơn thân
Chúng tôi rời thành phố Tuyên Quang từ sáng sớm, xuôi theo tỉnh lộ để vào huyện Lâm Bình. Mất gần ba giờ di chuyển rồi cũng đến điểm hẹn với Bí thư Huyện Đoàn Lâm Bình và Bí thư Đoàn của xã Phúc Sơn. Sau chặng đường dài, chúng tôi tiếp tục theo chân hai cán bộ đoàn vào thôn Phiêng Tạ, nơi có căn nhà của chị Lý Thị Vân đang dần thành hình.
Đoàn viên thanh niên huyện Lâm Bình tham gia xây nhà giúp chị Vân
Căn nhà nằm cách xa chân đồi, hướng ra cánh đồng rộng. Giữa khoảng đất trống, những bức tường gạch đã dần hiện lên, hứa hẹn về một mái ấm. Khi chúng tôi đến, chị Vân dáng người nhỏ nhắn, đôi tay thô ráp vì quen việc nương rẫy đang lúi húi phụ giúp nhóm thợ vận chuyển vật liệu. Thấy chúng tôi, chị mừng rỡ bước ra chào, gương mặt hiền lành, ánh lên bao niềm vui.
Tính đến giữa tháng 3, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 3.418 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở, đạt 49,34% kế hoạch, tăng gần 1.000 nhà so với cuối tháng 2. Trong đó, 2.234 hộ đã làm mới nhà, 1.184 hộ sửa chữa. Hiện có 1.906 nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 1.512 nhà đang hoàn thiện. Một số địa phương có tiến độ cao như huyện Lâm Bình đạt 53,70% kế hoạch, huyện Hàm Yên 76,10%, thành phố Tuyên Quang 66,57%. Tuy nhiên, vẫn còn 3.708 hộ chưa triển khai làm nhà, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các ngành, địa phương để hoàn thành mục tiêu xóa 6.928 nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025.
Chị Vân là người dân tộc Nùng, sinh năm 1985, lớn lên trong một gia đình có bảy anh chị em. Bố mẹ qua đời từ sớm, căn nhà của họ để lại là nơi chị và người anh trai chung sống cùng chị dâu. Nhưng sau này, khi chị lập gia đình và chuyển đến huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, anh trai chị không may gặp tai nạn qua đời. Chị dâu sau đó đi bước nữa, vẫn sinh sống trong ngôi nhà của bố mẹ để lại.
Năm 2022, cuộc hôn nhân không trọn vẹn khiến chị Vân phải đưa hai con nhỏ từ Hà Giang trở về quê. Nhưng khi xin ở nhờ trong căn nhà cũ, chị không được chị dâu chấp thuận. Không còn nơi nào khác, chị phải tá túc nhờ nhà chị gái và anh rể, sống dựa vào sự giúp đỡ của người thân. Căn nhà chị ở nhờ cũng chỉ là một căn nhà tạm bằng ván gỗ, không có lấy một gian thờ cúng tổ tiên.
Công việc của chị chủ yếu là trồng ngô, lạc theo mùa vụ trên nương, khi hết vụ, ai thuê gì chị làm nấy để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Cuộc sống bấp bênh, khó khăn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ đơn thân.
Căn nhà mơ ước của ba mẹ con chị Lý Thị Vân đang gấp rút thi công
Cậu con trai lớn của chị, vì thương mẹ vất vả, đã nghỉ học ở nhà phụ giúp công việc nương rẫy. Còn bé Ngân Bình, cô bé lớp 3 con của chị Vân lại gầy gò, sinh ra đã bị khuyết tật bàn tay trái. Bàn tay nhỏ xíu, ngón tay dính vào nhau, không có đốt ngón, khiến việc cầm nắm của bé gần như không thể.
Đoàn kêu gọi kinh phí, trực tiếp góp ngày công
Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Vân, Đoàn Thanh niên tỉnh Tuyên Quang đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ xây dựng nhà cho ba mẹ con chị. Sáng 7/3/2024, công trình được khởi công trong niềm vui không chỉ của ba mẹ con chị mà còn của cả những đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia.
Cùng với các công nhân xây dựng, 15 đoàn viên thanh niên của huyện Lâm Bình có mặt từ sáng sớm, xắn tay vào việc. Bí thư Đoàn xã Phúc Sơn, chị Tống Thị Thùy cũng trực tiếp tham gia cùng anh em cuốc đất, xúc cát, đá, trộn bê tông để đẩy nhanh tiến độ. “Các anh chị em đoàn viên, không ai nề hà việc gì, ai làm được gì thì làm. Dù vất vả nhưng ai cũng vui vì được góp sức giúp ba mẹ con chị Vân có mái ấm kiên cố”, chị Thùy chia sẻ.
Công trình được hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa do Đoàn Thanh niên vận động, phần còn lại chị Vân vay mượn thêm để hoàn thiện. Căn nhà rộng 45m2, gồm hai phòng ngủ, một phòng khách, một gian bếp, mái lợp tôn.
Trong những ngày thi công, ngoài đoàn viên thanh niên và nhóm thợ, cậu con trai lớn của chị Vân cũng xắn tay vào làm, giúp vận chuyển cát sỏi, dọn dẹp vật liệu. “Chờ đủ tuổi lao động, con sẽ đi làm phụ mẹ trả nợ”, cậu nói, ánh mắt sáng lên.
Chị Lý Thị Vân đứng trước căn nhà đang xây
Chị Vân nhìn mái nhà đang dần thành hình, ánh mắt tràn ngập hy vọng. "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể có một căn nhà riêng. Ngày trước, chỉ lo bữa ăn hàng ngày đã là cả một vấn đề, đâu dám mơ đến nhà cửa. Nhờ có Đảng, Nhà nước, có Đoàn thanh niên, những người tốt bụng giúp đỡ, mẹ con tôi sắp có nơi ở ổn định”, chị xúc động nói.
Chị Vân nhìn về căn nhà, khẽ mỉm cười khi tưởng tượng về ngày chính thức dọn vào ở. Chị kể, hôm trước, tôi bảo với con gái: “Ngân Bình ơi, nhà mình có bàn học rồi nhé! Mẹ cũng đặt được bàn thờ ông bà rồi!". Nghe tôi nói, con bé mừng lắm, nó lại bảo sẽ tự giác học tập để sớm trở thành giáo viên.
Giữa những ngọn đồi xanh ngắt của vùng cao Tuyên Quang, căn nhà của chị Vân đang dần hoàn thiện. Một mái ấm nhỏ bé nhưng chan chứa nghĩa tình là niềm hy vọng để mẹ con chị bước tiếp trên chặng đường phía trước.
Theo anh Lò Tiến Hướng - Phó Bí thư Huyện Đoàn Lâm Bình, toàn huyện có 988 căn nhà nằm trong diện cần xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến ngày 18/3, toàn huyện đã khởi công sửa chữa và làm mới 624 căn. Trong đó, Tỉnh Đoàn Tuyên Quang đã hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa 4 căn nhà, mỗi căn 60 triệu đồng.
Anh Hướng nói, hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn đang được Huyện Đoàn quyết tâm thực hiện. Những mái nhà kiên cố sẽ dần thay thế những căn nhà tạm xiêu vẹo, mang đến chỗ ở an toàn cho những gia đình nghèo như chị Vân. “Việc xóa nhà tạm không chỉ xây nên những ngôi nhà, mà còn thắp lên hy vọng, dựng xây ước mơ cho những mảnh đời còn nhiều gian khó. Biết như vậy nên các đoàn viên thanh niên khi tham gia các gia đình xóa nhà tạm đều rất nhiệt tình, trách nhiệm khi làm”, anh Hướng nói.
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Hải (TPO)