Ảnh mang tính minh họa.
Theo báo VietNamNet, năm 2016, ông Đ. trúng thưởng 4 tờ vé số. Trong 4 tờ này, 3 tờ trúng độc đắc với trị giá 1,5 tỷ đồng/tờ, 1 tờ còn lại là giải khuyến khích 100 triệu đồng. Sau đó, ông cho chị gái tờ trúng giải khuyến khích.
Khi biết tin ông trúng vé số, con rể đã tới tìm và đề nghị sẽ đi lãnh thưởng giùm cha. Tin tưởng, ông giao cả 4 tờ vé số cho con. Anh con rể mang vé số về đưa cho vợ là chị H., hôm sau vợ anh này cùng chị S. (một người con gái khác của ông Đ.) đi lãnh thưởng.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các con mua cho ông một căn nhà nhỏ để ở, còn lại chia nhau tiền tiêu xài. Trong đó, chị S. đem 1 tỷ đồng đi gửi ngân hàng. Sau nhiều lần đòi chị S. trả cho mình số tiền 1 tỷ đồng còn lại không được, ông Đ. đã khởi kiện con gái ra tòa.
Cho rằng chị S. không có chứng cứ để chứng minh ông Đ. đã cho chị số tiền 1 tỷ đồng, do đó, TAND huyện Tân Thạnh đã buộc chị S. phải trả lại cho ông Đ. 1 tỷ đồng.
Cũng theo báo VietNamNet, anh Nguyễn Hoàng Tuấn và Lâm Văn Vui (cùng ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cũng phải đưa nhau ra tòa vì tờ vé số.
Theo đó, tháng 10/2015, trong lúc ngồi nhậu với nhóm bạn, người bán số dạo tới mời mua vé số, anh Tuấn mua 5 tờ rồi đưa cho anh Vui giữ giùm.
Hôm sau, anh Vui đến đưa cho anh Tuấn 200 triệu đồng để “cám ơn” vì 2 trong 5 tờ vé số mà Tuấn đưa hôm trước đã trúng giải đặc biệt.
Nghĩ 2 tờ vé số trúng giải phải thuộc về mình vì chỉ đưa cho bạn giữ giùm nên một mặt anh Tuấn nhận số tiền 200 triệu đồng, mặt khác gửi đơn đến cơ quan điều tra.
Khi làm việc với công an, anh Vui khẳng định vé số trúng thưởng là mua từ tiền của mình. Anh Vui cho rằng mình đã đưa cho anh Tuấn 500.000 đồng đi mua mồi nhậu, sau đó anh Tuấn dùng tiền dư mua vé số.
Qua điều tra xác minh, Công an tỉnh Bạc Liêu xác định anh Tuấn mới chính là người mua 5 tờ vé số và đã đưa cho Vui giữ giùm.
Tuy nhiên, tháng 6/2016, TAND thị xã Giá Rai xử sơ thẩm, tuyên 2 tờ vé số thuộc về anh Vui. Anh Tuấn sau đó kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX buộc anh Vui phải trả lại cho anh Tuấn 1,15 tỷ đồng.
"Rất nhiều người trong số họ trở nên bất hạnh hoặc khánh kiệt. Tiền đến và đi dễ dàng. Họ có thể nghèo khổ, ly hôn hoặc có vài người qua đời", Don McNay, nhà tư vấn tài chính cho những người trúng xổ số cho biết, "Đó là bởi việc trúng số là một biến động ít ai sẵn sàng và nó khiến cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn thay vì được cả thiện".
Theo National Endowment for Financial Education, khoảng 70% những người đột nhiên trúng số sẽ mất sạch số tiền đó, phá sản trong vòng 7 năm. Một nghiên cứu năm 2006 được công bố trên Tạp chí Kinh tế Y tế cũng phát hiện ra dù cảm thấy hạnh phúc tột độ sau khi trúng giải nhưng mức độ hạnh phúc của những người này sẽ trở lại như trước không lâu sau đó.
Không giống như những người xây dựng doanh nghiệp hoặc thừa kế tài sản từ gia đình, người trúng số không dễ dàng được chào đón tại các CLB của giới siêu giàu và có thể bị chế nhạo vì giàu bởi may mắn. Một người trúng số mơ ước xây dựng một tổ chức từ thiện hoặc một doanh nghiệp mới có thể bị nghi ngờ về năng lực của mình. Lòng ghen tỵ với số tiền trúng thưởng có thể khiến những người xung quanh hoặc dư luận nói những điều gây tổn thương, ác ý,. Vậy nên nhiều người trúng xổ số có thể phải dành phần đời còn lại của mình để chịu áp lực, căng thẳng, cảm giác tội lỗi khiến họ cư xử tiêu cực, gặp vấn đề tâm lý hoặc làm những chuyện dại dột, thông tin trên Thể thao và Văn hóa.
Bảo Vy (t/h)