CLIP: Những dòng suối bị 'bức tử' ở Phú Quốc

CLIP: Những dòng suối bị 'bức tử' ở Phú Quốc
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều con rạch và suối làm nhiệm vụ thoát nước, điều tiết nước cho trung tâm phường Dương Đông và các xã lân cận của TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang dường như bị "bức tử" bởi việc xây dựng lấn chiếm tràn lan. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ngập lụt cục bộ ở Phú Quốc trong thời gian qua.
Cận cảnh những con suối bị bóp nghẽn dòng chảy ở Phú Quốc
Một lãnh đạo TP Phú Quốc cho biết UBND thành phố đã nhiều lần phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, buộc những trường hợp san lấp, xây dựng lấn chiếm lòng suối, kênh rạch phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Rạch Ông Trì ở trung tâm phường Dương Đông kết nối 2 con rạch dẫn nước từ núi Ông Phụng, núi Gành Gió rồi đổ ra sông Dương Đông – con sông huyết mạch của TP Phú Quốc.
Những năm qua, con rạch này bị xây nhà lấn chiếm, không còn hành lang bảo vệ. Hàng ngày, con rạch này hứng trọn đủ loại chất thải và nước thải, rồi dẫn ra "đầu độc" sông Dương Đông.
Theo quy hoạch, 2 bên rạch Ông Trì là 2 hành lang cây xanh bảo vệ, thế nhưng hiện nay 2 bên bờ rạch không còn một khoảng hở, nhà xây dựng kiên cố ken dầy
Khi chảy qua khu chợ trung tâm phường Dương Đông, con rạch này hứng trọn đủ loại nước và rác thải sinh hoạt, rồi hòa vào dòng sống huyết mạch của thành phố
Đường Trần Hưng Đạo nối từ ngã 5 trung tâm phường Dương Đông xuống phía Nam đảo Phú Quốc có nhiều hệ thống suối chảy ngang, giữ vai trò thoát nước quan trọng từ núi xuống biển.
Theo quy hoạch, đây là những con suối chính cần được bảo vệ bởi hành lang cây xanh, thế nhưng hiện nay chúng cũng đã bị lấn chiếm, xây dựng nhà tràn lan, tắc nghẽn dòng chảy.
Hiện trạng phía thượng nguồn của những con suối này nằm trên sườn núi đã bị bóp méo hoàn toàn với những công trình nhà ở xâm lấn, chỉ còn là những con rạch nhỏ chảy rỉ rả xuống hạ nguồn, rồi mất dấu tại những khu dân cư đông đúc.
Tình trạng dòng suối chảy qua cầu Bà Kèo trên đường Trần Hưng Đạo, khu phố 7, phường Dương Đông bị hàng loạt công trình đường bê tông và khách sạn cao tầng án ngữ
Con suối rộng nhiều mét khi chảy đến khu dân cư này thì chỉ còn một lỗ nhỏ cho nước chui qua nền 1 nhà hàng để tìm đường thoát xuống biển
Dưới chân cầu Bà Kèo, dòng suối đã cạn khô vì nước bị ách lại phía bên kia khu dân cư
Cũng trên trục đường Trần Hưng Đạo, dòng suối chính chảy qua cầu Bà Phong bị nghẽn bởi bức tường của một khách sạn cao tầng. Cứ tiếp tục như thế, nhiều khu khách sạn, nhà cao tầng, nhà hàng, resort khác lấn chiếm, san lấp, bắt dòng suối luồn lách qua lỗ cống nhỏ âm dưới lòng đất chảy từ từ ra biển
Cũng tại trung tâm phường Dương Đông, một hộ kinh doanh ngang nhiên đổ bê tông lấp gần 2/3 bề rộng của con suối tự nhiên, đồng thời là lối thoát nước chung của người dân tại khu phố 12.
Trước đó, năm 2019, UBND phường Dương Đông đã lập biên bản sự việc, chủ hộ đã cam kết trả lại hiện trạng ban đầu con suối bị lấn chiếm. Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) lại ký văn bản cho phép chủ hộ xây dựng lấn chiếm nghiêm trọng hơn trước.
Mới đây, UBND phường Dương Đông cùng đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Phú Quốc cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương tiếp tục lập biên bản, đề nghị chủ hộ phải tháo dỡ kè bê tông lấn lòng suối tại khu phố 12 đến hết ngày 30-7-2024. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy khắc phục
Phần lấn chiếm được đổ bê tông cố định, làm cản trở dòng chảy, gây ngập lụt cả tuyến đường trong mùa mưa
Trong khi đó, tại địa bàn xã Cửa Dương, TP Phú Quốc có nhiều đoạn suối bị lấn chiếm bởi những khu dân cư tự phát, khu du lịch. Đây cũng là khu vực thường xuyên ngập lụt cục bộ nghiêm trọng nhất trong mùa mưa tại Phú Quốc.
Tại khu vực ấp Cây Thông Trong và Cây Thông Ngoài, nhiều dòng suối bị chắn ngang bởi những con lộ do người dân tự làm vào các khu dân cư tự phát. Đường thoát nước qua lộ quá nhỏ khiến nước không thoát kịp vào lúc mưa lớn, gây ngập lụt nghiêm trọng và tràn qua lộ trông không khác gì những đập tràn thủy điện.
Còn tại khu du lịch suối Đá Bàn nổi tiếng ở Phú Quốc, đơn vị khai thác suối cho xây dựng đập bằng đá chắn ngang dòng suối để trữ nước phục vụ kinh doanh, "bức tử" hoàn toàn dòng chảy tự nhiên của suối. Mặc dù UBND xã Cửa Dương lập biên bản vi phạm từ năm 2020 nhưng đến nay đã hết thời hiệu xử lý
DUY NHÂN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/clip-nhung-dong-suoi-bi-buc-tu-o-phu-quoc-196241106115148502.htm