Người di cư Guatemala bị Mỹ trục xuất về nước dưới thời ông Trump vào năm 2017. Ảnh: John Moore/Getty Images.
Cam kết trục xuất hàng loạt và đường lối nhập cư mới
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn nhấn mạnh chính sách nhập cư cứng rắn, nhất là trong việc ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép từ biên giới phía nam của Mỹ. Một trong những cam kết nổi bật của Trump là tiến hành trục xuất quy mô lớn, nhắm vào hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp một khi ông chính thức trở lại Nhà Trắng.
Tom Homan, người mới đây được ông Trump lựa chọn phụ trách giám sát biên giới Mỹ trong chính quyền mới, từng giữ vị trí Quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE). Ông Homan nhấn mạnh ông Trump đang chuẩn bị cho những cuộc đột kích quy mô lớn tại các doanh nghiệp và việc trục xuất người nhập cư trái phép sẽ không chỉ dừng lại ở các biện pháp trước đây.
Trả lời phỏng vấn trên Fox News, ông Homan khẳng định: “Chính sách sẽ không khác so với nhiệm kỳ đầu, nhưng lần này sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều vì có tới 10 triệu người nhập cư trái phép vào Mỹ dưới thời chính quyền Biden”.
So sánh với nhiệm kỳ của Obama: Vì sao số lượng người trục xuất thấp hơn?
Ông Homan mới đây được ông Trump lựa chọn phụ trách giám sát biên giới Mỹ trong chính quyền mới. Ảnh: AFP.
Ông Trump trong nhiệm kỳ đầu đã có nhiều hành động quyết liệt trong vấn đề nhập cư, bao gồm xây dựng bức tường biên giới với Mexico và áp đặt các lệnh hạn chế du lịch với một số quốc gia Hồi giáo.
Tuy vậy, số người bị trục xuất dưới thời ông Trump thực tế không tăng vọt. Trong nhiệm kỳ đầu ông Trump nắm quyền, có hơn 1,5 triệu người bị trục xuất, theo thống kê của Kathleen Bush-Joseph, nhà phân tích tại Viện Chính sách Di cư ở Mỹ. Con số này chỉ bằng khoảng một nửa so với nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống Barack Obama (trục xuất hơn 2,9 triệu người) và thấp hơn số liệu nhiệm kỳ hai của ông Obama (khoảng 1,9 triệu người bị trục xuất). Dưới thời ông Biden, số liệu cho thấy khoảng 1,49 triệu người bị trục xuất, một con số gần tương đương với ông Trump.
Theo CNN, điều này có thể được giải thích bởi các chính sách nhập cư khác nhau và bối cảnh phức tạp trong từng nhiệm kỳ. Theo Bush-Joseph, chính sách của Trump và Obama có sự khác biệt lớn trong phương thức triển khai. Ông Trump tập trung vào các cuộc trục xuất từ nội địa Mỹ - vốn khó khăn hơn, còn ông Biden và Obama lại ưu tiên trục xuất ngay tại biên giới, đặc biệt là từ Mexico.
Hạn chế của hệ thống nhập cư Mỹ
Ngoài việc so sánh số liệu, Bush-Joseph cũng chỉ ra một bối cảnh quan trọng. Đó là vì hệ thống nhập cư của Mỹ đang rất lạc hậu và thiếu nguồn lực. Hiện tại, có khoảng 1,3 triệu người đã nhận được lệnh trục xuất nhưng vẫn chưa thể rời khỏi Mỹ, chủ yếu do hệ thống bị quá tải. Ngoài ra, các yếu tố như thủ tục pháp lý và chính sách nhân đạo cũng ảnh hưởng đến quá trình trục xuất. Một số quốc gia không chấp nhận nhận lại công dân của mình, điều này gây khó khăn cho Mỹ trong việc hồi hương người nhập cư.
David Bier, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Cato ở Mỹ, nói một phần lý do số lượng trục xuất dưới thời Trump thấp là do nhiều cơ quan thực thi pháp luật địa phương ngừng hợp tác với các cơ quan liên bang về nhập cư.
Kết quả là nhiều bang quyết định không hỗ trợ các cuộc trục xuất và từ chối chuyển giao người bị bắt giữ cho chính quyền liên bang.
Chính sách của ông Trump khi nới rộng quy mô trục xuất, không chỉ ưu tiên trục xuất người có tiền án, mà mở rộng đối tượng bao gồm cả những người không đe dọa an ninh công cộng. Điều này dẫn đến một số hậu quả không mong muốn, bao gồm cả chính sách gây tranh cãi về việc chia cắt gia đình nhập cư bất hợp pháp.
Bier lập luận rằng, chính sách của ông Trump đã khiến các trại giam chật kín người nhập cư trái phép, nhưng chủ yếu là người xin tị nạn.
Nghiên cứu của Bier cho thấy, việc tăng cường bắt giữ những người nhập cư bất hợp pháp không góp phần đáng kể vào việc tăng số lượng trục xuất như ông Trump mong muốn.
Ông Trump thị sát khu vực biên giới Mỹ - Mexio vào tháng 2/2024. Ảnh: Reuters.
Trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền Donald Trump đã từng tổ chức nhiều cuộc đột kích và trục xuất người nhập cư trái phép ngay trong nội địa Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống hiện tại không đủ khả năng xử lý một lượng người lớn như vậy.
Hệ thống giam giữ hiện có chỉ khoảng 41.000 giường, theo ông John Sandweg, cựu giám đốc ICE. Việc xây dựng các trại tập trung quy mô lớn để giam giữ hơn 11 triệu người nhập cư mà ông Trump muốn trục xuất sẽ đòi hỏi nguồn ngân sách khổng lồ và một hệ thống hỗ trợ pháp lý phức tạp.
Sandweg cảnh báo nếu ông Trump tìm cách đẩy nhanh tiến độ trục xuất thì điều này có thể phát sinh nhiều vấn đề.
Quan ngại về các gia đình nhập cư
Sandweg cũng lưu ý rằng, phần lớn những người nhập cư bất hợp pháp không có tiền án và nhiều người trong số họ là thành viên của các gia đình có thân nhân là công dân Mỹ. Theo ước tính, có khoảng 4,6 triệu người nhập cư không giấy tờ sống trong các gia đình hỗn hợp - với người thân hoặc con cái là công dân Mỹ. Ông cảnh báo rằng việc theo đuổi mục tiêu trục xuất theo số lượng sẽ làm tổn thương đến các gia đình này. “Khi biến mục tiêu trục xuất thành một con số lớn, bạn không chỉ nhắm vào tội phạm. Đó là các gia đình và đây chính là mối lo ngại lớn nhất”, Sandweg nói.
Đăng Nguyễn - CNN