Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ở Nhà Trắng ngày 14/7/. Ảnh: Reuters.
Ukraine nhận thêm hàng loạt hệ thống Patriot
Theo CNN, trong cuộc gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte ở Nhà Trắng, ông Trump đã đưa ra một số tuyên bố đáng chú ý về việc hỗ trợ Ukraine.
Ông Trump xác nhận các đối tác NATO sẽ được phép mua vũ khí Mỹ, bao gồm hệ thống Patriot để cung cấp cho Ukraine. Quy mô thỏa thuận ước tính có thể lên tới 10 tỷ USD. Ông Trump cũng gợi ý rằng có 17 tổ hợp Patriot “dư thừa” tại một quốc gia đồng minh và các hệ thống này có thể chuyển cho Ukraine trong “vài ngày tới”.
Báo Mỹ đánh giá, đây là sự hỗ trợ rất cần thiết cho Ukraine về mặt ngắn hạn. Ukraine đang chịu áp lực lớn từ các đợt tập kích bằng tên lửa đạn đạo của Nga, và chỉ Patriot – loại tên lửa Mỹ mà Nhà Trắng có quyền cấp phép chuyển giao – mới có khả năng đánh chặn hiệu quả. Ngoài Patriot, gói viện trợ có thể còn bao gồm các vũ khí hiện đại khác cũng rất cần thiết đối với Ukraine.
Ông Trump chưa lựa chọn giải pháp mạnh nhất
Theo CNN, điều khiến nhiều nhà quan sát lưu tâm là những gì không được công bố. Đó là việc thiếu vắng các biện pháp trừng phạt thứ cấp ngay lập tức nhằm vào các quốc gia vẫn mua năng lượng từ Nga – điều mà nếu được áp dụng, có thể làm sụt giảm mạnh nguồn thu ngân sách của Moscow.
Thay vì hành động ngay, ông Trump đưa ra thời hạn 50 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có thời gian đến tháng 9 để chờ xem liệu Mỹ có thay đổi lập trường hay không. Giai đoạn từ nay đến tháng 9 cũng được cho là sẽ quyết định cục diện chiến dịch tấn công mùa hè của Nga.
Một số phân tích cho rằng khoảng thời gian này cũng là lúc Trung Quốc và Ấn Độ cân nhắc khả năng giảm lệ thuộc vào năng lượng Nga. Nhưng theo CNN, điều này được đánh giá là khó khả thi, xét đến mức độ phụ thuộc cao và sự phức tạp về chuỗi cung ứng.
Báo Mỹ lưu ý, ông Trump thực tế đã phải đàm phán lại về một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sau một khoảng thời gian áp thuế hơn 100% nhưng không khiến Bắc Kinh lay chuyển.
Ông Trump chưa quay lưng hoàn toàn với Nga
Ông Trump nói sẽ gửi thêm 17 hệ thống Patriot cho Ukraine nhưng vấn đề cạn kiệt đạn tên lửa chưa được giải quyết. Ảnh: Reuters.
Theo CNN, việc ông Trump đưa ra thời hạn 50 ngày cho thấy ông vẫn giữ niềm tin Nga thực sự mong muốn hòa bình, và chỉ cần thêm áp lực để Moscow chấp nhận điều đó. Đây không phải lần đầu tiên ông Trump đặt ra mốc thời gian với mong muốn Nga đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Chiến thuật này đã được ông Trump áp dụng nhiều lần nhưng chưa mang lại kết quả rõ ràng.
Xét về các tuyên bố công khai, chính sách của ông Trump với xung đột Nga – Ukraine dường như đã thay đổi, CNN nhận định. Nhưng đằng sau là những giới hạn mà ông Trump vẫn chưa có dấu hiệu muốn vượt qua, gồm Mỹ không trực tiếp chi tiền hỗ trợ Ukraine, không cam kết viện trợ vũ khí mới, và tiếp tục hi vọng vào giải pháp ngoại giao với Moscow.
CNN nhận định, Ukraine có thể tạm cảm thấy hài lòng khi nhận thêm vũ khí, hệ thống Patriot nhưng về lâu dài, nước này có thể sẽ sớm quay về cảm giác thất vọng quen thuộc.
Quan điểm từ châu Âu
Cũng trong ngày 14/7, Liên minh châu Âu (EU) đã hoan nghênh các nỗ lực của ông Trump nhằm đưa Nga quay lại bàn đàm phán. Quan chức EU phụ trách đối ngoại, bà Kaja Kallas nói với tờ Telegraph rằng mốc thời gian 50 ngày mà Washington đặt ra là “rất dài”.
“Một mặt, chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Trump đang thể hiện lập trường mạnh mẽ với Nga… Nhưng mặt khác, 50 ngày là khoảng thời gian quá dài cho một sự thay đổi ở Ukraine”, bà Kallas nói.
Bà kêu gọi các đồng minh phương Tây của Ukraine có lập trường cứng rắn hơn với Moscow, đồng thời tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga ngày càng gia tăng.
“Rõ ràng chúng ta cần gây thêm áp lực để Moscow cũng muốn hòa bình. Việc Mỹ hành động là tín hiệu tốt, và tôi hi vọng họ sẽ cung cấp viện trợ quân sự như châu Âu đang làm”, bà nói thêm.
Đăng Nguyễn - CNN