Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/12 gây tranh cãi khi ký sắc lệnh ân xá cho con trai. Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images.
Quyết định gây tranh cãi
Hôm 1/12, Tổng thống Joe Biden ký lệnh ân xá con trai trước thời điểm Hunter đối mặt các bản án liên quan đến sở hữu súng trái phép và trốn thuế. Đây là diễn biến gây bất ngờ khi ông Biden từng tuyên bố sẽ không can thiệp để bảo đảm tính độc lập của ngành tư pháp.
Quyết định diễn ra chỉ chưa đầy hai tháng trước khi ông Biden rời Nhà Trắng. Đáng chú ý, sắc lệnh ân xá bao gồm các hành vi phạm tội (nếu có) của Hunter từ năm 2014 – thời điểm con trai ông Biden tham gia hội đồng quản trị công ty năng lượng Burisma ở Ukraine, khi ông Joe Biden vẫn còn là Phó Tổng thống.
Trong tuyên bố cùng ngày, ông Biden nói: "Hunter bị nhắm tới chỉ vì đó là con trai tôi”. Ông Biden khẳng định "có động cơ chính trị” khi con trai ông bị truy tố. Ông nhấn mạnh Hunter đã chịu đựng áp lực “khủng khiếp” và đang cố gắng làm lại cuộc đời sau khi cai nghiện thành công trong hơn 5 năm qua.
Lợi thế cho ông Trump
Theo CNN, việc ông Biden ký lệnh ân xá cho Hunter đã ngay lập tức trở thành ngòi nổ để phe Cộng hòa, bao gồm ông Trump, công kích.
Ông Trump đăng bình luận trên mạng xã hội Truth: "Liệu lệnh ân xá của ông Biden có thể dành cho cả những người bị bắt giữ vì sự kiện ngày 6/1/2021 không? Đây là một sự lạm dụng và sai lầm nghiêm trọng của hệ thống tư pháp”.
Ông Trump được cho là ngầm chỉ trích sự bất công trong cách sử dụng quyền ân xá của Tổng thống Biden, đồng thời củng cố lập luận của ông, rằng hệ thống tư pháp Mỹ đang bị chính trị hóa, theo CNN.
Với quyết định trên, ông Biden đã vô tình giúp ông Trump khẳng định ảnh hưởng và sự đoàn kết trong nội bộ đảng Cộng hòa. Một số đồng minh thân cận của ông Trump như Thượng nghị sĩ Tom Cotton, cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt: "Đảng Dân chủ hãy ngừng giảng dạy về nguyên tắc pháp quyền khi Tổng thống Trump đề cử các ứng viên trong chính quyền mới”.
Phe Cộng hòa có thể tận dụng lệnh ân xá mà ông Biden ký để kêu gọi sự ủng hộ cho những lựa chọn nhân sự gây tranh cãi của ông Trump như Kash Patel – người được đề cử làm Giám đốc FBI và Pam Bondi, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp.
Tác động tiêu cực đến di sản của ông Biden
Đối với ông Biden, quyết định này có nguy cơ trở thành "vết nhơ" trong sự nghiệp chính trị. Nó không chỉ mâu thuẫn với cam kết ban đầu của ông về việc khôi phục sự độc lập của hệ thống pháp mà còn tạo nên hình ảnh một nhà lãnh đạo đặt lợi ích gia đình lên trên nguyên tắc pháp quyền.
CNN nhận định, quyết định ân xá này sẽ để lại hậu quả nặng nề về mặt chính trị, làm suy giảm uy tín của ông Biden trong mắt cử tri Mỹ. Cựu Tổng thống Barack Obama từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự độc lập giữa tổng thống và hệ thống tư pháp. Hành động của ông Biden rõ ràng đã làm lung lay nền tảng này, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu ông có đang phá vỡ những giá trị mà chính ông từng tuyên bố bảo vệ.
Tuy nhiên, CNN cũng lưu ý, lệnh ân xá của ông Biden, dù gây tranh cãi, vẫn không thể sánh với những gì ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Trong thời gian tại vị, ông Trump đã sử dụng quyền ân xá để bảo vệ nhiều đồng minh chính trị, trong đó có gia đình thông gia và bảo vệ các cộng sự thân cận như Roger Stone hay Paul Manafort.
CNN nhận định, quyết định ân xá của ông Biden, “phần nào xuất phát từ tình cảm của một người cha muốn bảo vệ con trai” khỏi những áp lực chính trị và pháp lý.
Tương lai hệ thống tư pháp Mỹ
Sắc lệnh ân xá đã làm nổi bật sự chia rẽ sâu sắc trong nền chính trị Mỹ, đồng thời đặt ra câu hỏi về tương lai của hệ thống tư pháp. Với việc cả hai nhà lãnh đạo – một đương nhiệm, một sắp trở lại – đều cáo buộc hệ thống này bị chính trị hóa, niềm tin của người dân vào tính công bằng và minh bạch của pháp luật có nguy cơ bị xói mòn nghiêm trọng, CNN nhận định.
Nếu ông Trump tiếp tục sử dụng quyền lực tổng thống để "trả đũa" các đối thủ chính trị trong nhiệm kỳ hai, hệ thống tư pháp Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Nhật Minh - CNN