CNN: Quan hệ Mỹ - châu Âu vĩnh viễn thay đổi sau khi ông Trump điện đàm với ông Putin

CNN: Quan hệ Mỹ - châu Âu vĩnh viễn thay đổi sau khi ông Trump điện đàm với ông Putin
4 giờ trướcBài gốc
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đem lại khả năng xung đột ở Ukraine sớm kết thúc. Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters.
Hai sự kiện địa chính trị chấn động diễn ra hôm 12/2 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương:
• Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa nhà lãnh đạo Nga trở lại bàn đàm phán, hướng tới chấm dứt xung đột ở Ukraine và thỏa thuận trao đổi chuyến thăm giữa hai bên.
• Cùng thời điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đến Brussels (Bỉ) và tuyên bố với các đồng minh châu Âu rằng họ cần “tự đảm nhận trách nhiệm bảo đảm an ninh ở châu lục”.
Hai sự kiện này làm nổi bật chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump, cũng như xu hướng coi mọi vấn đề đối ngoại có thể được giải quyết thông qua lợi ích. Nó cũng phản ánh sự tự do của ông Trump khi giải quyết vấn đề đối ngoại do không còn bị cản trở như nhiệm kỳ đầu.
Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth cam kết duy trì liên minh NATO, nhưng điều cốt lõi đã thay đổi, CNN nhận định.
Sau hai cuộc chiến tranh thế giới và nhiều thập kỷ bảo đảm an ninh châu Âu trước mối đe dọa từ Liên Xô, Mỹ giờ đây đang điều chỉnh chiến lược. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố có thể sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO nếu họ không đầu tư vào quốc phòng.
Ông Trump quay trở lại lập luận của nhiều tổng thống Mỹ trước đây, những người luôn cảnh giác với việc sa lầy vào các liên minh nước ngoài. Hôm 12/2, ông nhắc lại: “Giữa Mỹ và châu Âu có một đại dương chia cắt hai bên”.
Mỹ đặt ra yêu cầu chưa từng có đối với châu Âu
Ngay từ đầu nhiệm kỳ hai, chính quyền ông Trump đã yêu cầu châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, điều này khiến các nước đồng minh vốn ưu tiên phúc lợi xã hội phải đau đầu. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte mới đây đã cảnh báo Nghị viện châu Âu: “Nếu không muốn tăng ngân sách quốc phòng, tốt nhất hãy bắt đầu học tiếng Nga hoặc chuyển đến New Zealand”.
Tuy nhiên, phát biểu của ông Hegseth vẫn gây bất ngờ. Người đứng đầu Lầu Năm Góc chính thức hóa yêu cầu của ông Trump rằng các nước NATO phải chi 5% GDP cho quốc phòng, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ ưu tiên đối phó với Trung Quốc và bảo vệ biên giới hơn là lo cho an ninh châu Âu. “Nước Mỹ sẽ không chấp nhận một mối quan hệ mất cân bằng, tạo điều kiện cho sự phụ thuộc”, ông Hegseth nhấn mạnh.
Cách tiếp cận cứng rắn này không giống như viễn cảnh phi thực tế về việc di dời người Palestine khỏi Gaza để xây dựng "Riviera của Trung Đông" mà ông Trump từng nhắc đến. Đây là một phản ứng hợp lý trước thực tế chính trị thay đổi, CNN phân tích.
Khác với những gì diễn ra trong và sau Thế chiến 2, Mỹ không còn coi châu Âu là ưu tiên hàng đầu. Ngày nay, những người Mỹ có ký ức về Chiến tranh Lạnh đã cao tuổi còn đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ nằm ở châu Á, không phải châu Âu. Vì vậy, không khó hiểu khi Trump đặt câu hỏi: “Tại sao 80 năm sau Thế chiến 2, châu Âu vẫn chưa thể tự lo cho an ninh?”.
Châu Âu phải tự đảm bảo an ninh
Theo CNN, trong nhiều thập kỷ, các đời tổng thống Mỹ và lãnh đạo châu Âu đã thất bại trong việc tái định nghĩa NATO. Hậu quả là liên minh này giờ đây bị đặt trước thách thức lớn nhất từ trước đến nay khi đối mặt với ông Trump – người vốn khó đoán và sẵn sàng thực hiện các chính sách khác biệt.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gần đây nhấn mạnh: “Mỹ không nên đóng vai trò ‘tuyến đầu’ trong an ninh châu Âu, mà chỉ là ‘hàng rào phòng thủ cuối cùng’”.
Ông Rubio cũng chỉ trích các nước châu Âu: “Khi hỏi tại sao không thể tăng ngân sách quốc phòng, họ trả lời rằng vì như vậy sẽ phải cắt giảm phúc lợi, trợ cấp thất nghiệp và phải tăng tuổi nghỉ hưu. Đó là lựa chọn của họ, nhưng tại sao chúng ta lại phải trợ cấp cho điều đó?”.
Thông điệp của Mỹ về Ukraine trái ngược với Châu Âu
Theo CNN, thử thách đầu tiên của trật tự mới trong quan hệ Mỹ - châu Âu chính là Ukraine. Ông Trump tuyên bố các cuộc đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu “ngay lập tức” sau cuộc điện đàm với ông Putin. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vai trò Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bị gạt ra ngoài. Mặc dù ông Trump có gọi điện cho ông Zelensky sau đó, nhưng có những lo ngại rằng trọng tâm của thỏa thuận hòa bình Ukraine nằm ở Nga và Mỹ.
Khi được phóng viên hỏi liệu Ukraine có được coi là đối tác bình đẳng trong đàm phán hay không, ông Trump ngập ngừng trước khi trả lời: “Tôi đã nói cuộc xung đột này lẽ ra không nên xảy ra”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth cũng không kém phần thẳng thắn. Ông tuyên bố Ukraine không thể khôi phục đường biên giới trước năm 2014, cũng như không thể gia nhập NATO và Mỹ sẽ không huy động binh sĩ tới Ukraine, kể cả trong nhiệm vụ giám sát hòa bình.
Nếu có lực lượng gì được triển khai, đó sẽ là quân đội châu Âu và các nước khác, nghĩa là Mỹ sẽ không can dự, theo CNN.
Báo Mỹ nhận định, Nga đang được hưởng lợi lớn nhất vì diễn biến mới đánh sập hi vọng giành lại lãnh thổ của Ukraine.
Trả lời các phóng viên ở Brussels, Hegseth lập luận rằng ông chỉ đang nói lên thực tế và quả thực, không ai có thể quay ngược thời gian về trước năm 2014. Dù nhận hàng tỷ USD viện trợ từ phương Tây, Ukraine vẫn không thể giành lại toàn bộ phần lãnh thổ đã mất kiểm soát.
Châu Âu phản ứng trước bước đi của Mỹ
Sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, lãnh đạo Pháp, Đức, Ba Lan đến Anh và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt tuyên bố: “Ukraine và châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào”. Họ cảnh báo ông Trump rằng “một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine là điều kiện tiên quyết cho an ninh xuyên Đại Tây Dương”.
Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt thậm chí so sánh tình huống này với Hội nghị Munich năm 1938, khi Anh nhượng bộ Đức, một năm trước khi Thế chiến 2 nổ ra.
“Đây là một sự sắp đặt có ảnh hưởng tới một quốc gia khác, mà hai bên tham gia lại không thực sự hiểu về đất nước đó", ông Bildt nói.
Dù ông Trump chưa công bố kế hoạch cụ thể, nhưng có vẻ như một thỏa thuận kiểu Đông - Tây Đức đang được thảo luận. Miền đông Ukraine do Nga kiểm soát, trong khi phần còn lại có thể gia nhập EU nhưng không phải NATO. Nếu điều này thành hiện thực, Nga có thể kết thúc xung đột trong thế thắng, CNN nhận định.
Đăng Nguyễn - CNN
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/cnn-quan-he-my-chau-au-vinh-vien-thay-doi-sau-khi-ong-trump-dien-dam-voi-ong-putin-204251302185107214.htm