Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, cơ cấu thu ngân sách nhà nước đã có nhiều thay đổi tích cực theo hướng bền vững, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
PGS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Cơ cấu thu NSNN hợp lý có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đảm bảo cho NSNN có số thu bền vững, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam đều dành sự quan tâm đến cơ cấu thu NSNN. Xuất phát từ yêu cầu thực tế trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh để thay đổi cơ cấu các bộ phận trong tổng thu NSNN, đảm bảo cho NSNN ngày càng bền vững, phù hợp với những điều kiện cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước trong từng giai đoạn.
Cụ thể, cơ cấu thu NSNN đã dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa từ mức bình quân 52,3%/tổng thu NSNN (giai đoạn 2001-2005) lên mức 58,9% (giai đoạn 2006-2010); 68,7% (giai đoạn 2011-2015) và lên mức 82% (giai đoạn 2016- 2020) và đến năm 2020 đạt mức 85,5%. Năm 2021, thu nội địa đã chiếm 83,2% tổng thu NSNN; năm 2022 đạt 80,0%; năm 2023 là 82,3% và năm 2024 ước đạt 83,9%.
Thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng, từ mức 37,4% tổng thu NSNN giai đoạn 2011-2015 lên mức 45% giai đoạn 2016-2020 và khoảng 47% giai đoạn 2021-2024 đã tăng cường khả năng tự chủ cho địa phương, đảm bảo các hoạt động của các cấp chính quyền cơ sở và đầu tư phát triển các địa phương. Việc phân cấp, phân quyền và phân chia nguồn thu phù hợp đang tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững nền kinh tế Đất nước.
Từ những con số trên có thể thấy, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống chính sách thuế theo hướng bền vững hơn, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế. Cơ cấu thu đã dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa giảm phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài (thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu).
Phóng viên: Cùng với việc điều chỉnh cơ cấu thu theo hướng bền vững, các chính sách tài chính liên quan đến thuế, phí, lệ phí cũng đã được quyết liệt triển khai để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Những chính sách đó đã thực hiện hợp lý và tạo được hiệu ứng tích cực như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và tạo sức ép lớn lên cân đối ngân sách nhà nước. Nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ hoặc sụt giảm, trong khi nhu cầu chi tiêu cho phòng chống dịch tăng cao. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài khóa về miễn, giảm, giãm thuế nhằm hỗ trợ cho những người gặp khó khăn.
Kết quả thực hiện của ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế nói riêng là đáng khích lệ và đúng với phương châm “nuôi dưỡng nguồn thu”; có ý nghĩa lớn hỗ trợ các doannh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng mức tiêu dùng trong điều kiện đại dịch COVID-19 đã “bào mòn” thu nhập của các chủ thể trên thị trường.
Phóng viên: Vậy, thời gian tới, ông có khuyến nghị gì xây dựng cơ cấu thu ngân sách nhà nước tiếp tục bền vững, từ đó có thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi phát triển?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Để có một nền kinh tế vững mạnh vượt qua những khó khăn thách thức chung trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, chúng ta cần tiếp tục tái cơ cấu nguồn thu NSNN, đặc biệt là chú trọng tới nguồn thu thuế nội địa. Các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cần xem xét để mở rộng đối tượng chịu thuế, nâng mức thuế suất phù hợp với từng nhóm hàng hóa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Đất nước.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, góp phần thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho NSNN.
Cần tiếp tục mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất cấp hóa đơn tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh. Kịp thời nắm bắt các hình thức kinh doanh mới trong thương mại điện tử, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ nguồn thu từ các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài... và xử lý nghiêm những trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Thùy Linh