Theo quy định tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp xã đều có ủy viên phụ trách quân sự. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp huyện lại không có ủy viên phụ trách quân sự.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện là đại diện của Ban Chỉ huy quân sự. Ảnh: TRỌNG HẢI
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung cơ cấu Ủy ban nhân dân cấp huyện có đại diện Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm, chúng ta đang chuẩn bị không tổ chức công an cấp huyện, nhưng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện vẫn còn. “Ban Chỉ huy quân sự huyện thực hiện làm nhiệm vụ địa phương rất nhiều, không cơ cấu thành viên Ủy ban tôi thấy là không hợp lý. Cho nên đề nghị bổ sung người đứng đầu Ban Chỉ huy quân sự huyện là thành viên của Ủy ban”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng có quan điểm tương tự.
Đại biểu Đinh Văn Thê phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI
Nhất trí với đại biểu Phạm Văn Hòa và đại biểu Hà Sỹ Đồng, đại biểu Đinh Văn Thê (Gia Lai) làm rõ thêm: Hiện nay, cơ cấu tổ chức quân đội theo Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 31-11-2022 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, cơ cấu của Bộ Quốc phòng thì Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện vẫn nằm trong cơ cấu, tổ chức của Bộ Quốc phòng.
Theo đại biểu Đinh Văn Thê, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp huyện đều liên quan đến công tác hoạt động bảo đảm quốc phòng, như xây dựng tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng, khu vực phòng thủ kết hợp kinh tế quốc phòng, quốc phòng kinh tế...
Mặt khác, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện có chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng trên địa bàn cấp huyện. Vì thế, đại biểu Đinh Văn Thê kiến nghị bổ sung thành phần ủy viên phụ trách quân sự vào cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp huyện vào dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề nghị bổ sung Ủy viên phụ trách quân sự trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng giải thích, thực tế cho thấy, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương luôn gắn liền với công tác quốc phòng, quân sự tại địa phương. Hiện nay, các nghị quyết của Đảng và Chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, trong đó Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện vẫn thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.
“Vì vậy, việc giữ lại ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban nhân dân cấp huyện là cần thiết để bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ quốc phòng, quân sự tại địa phương”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nói.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung và sửa lại tại đoạn 2 khoản 1 Điều 36 dự thảo luật như sau: “Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, ủy viên phụ trách quân sự".
CHIẾN THẮNG