'Có cháu học tiến sĩ nước ngoài về chỉ được ký hợp đồng, giờ phải ra khỏi hệ thống'

'Có cháu học tiến sĩ nước ngoài về chỉ được ký hợp đồng, giờ phải ra khỏi hệ thống'
6 giờ trướcBài gốc
Đó là vấn đề mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đặt ra khi bàn câu chuyện tuyển dụng người tài.
Ông nêu thực tế, có những người trẻ tài năng vào Nhà nước làm việc hơn 10 năm, chỉ được ký hợp đồng lao động vì không có biên chế. Thậm chí, có người đi học tiến sĩ ở nước ngoài về, vì không có biên chế nên phải làm việc theo diện hoạt động không chuyên trách. Bây giờ thực hiện tinh giản bộ máy, những người này bị loại ra khỏi hệ thống…
Vì vậy, Bí thư Đà Nẵng cho rằng, quy định tuyển dụng người tài phải đi kèm chỉ tiêu biên chế, nếu không sẽ chỉ là "quy định mang tính tuyên ngôn".
'Thấy các cháu khóc mà chúng tôi cũng chảy nước mắt theo'
Bàn về nội dung “được phép ký hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học để làm một số nhiệm vụ của công chức” trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận để xem xét thông qua trong kỳ họp lần này, ông Quảng cho rằng đây là một thay đổi mang tính đột phá.
Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ có hướng dẫn để thực hiện quy định này, ví dụ những vấn đề liên quan đến thù lao, các cơ chế để đảm bảo thù lao.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: Nếu đã xác định ưu tiên cho người tài năng thì sao lại ràng buộc một số điều kiện? Ảnh: Hoàng Hà
Vấn đề thứ hai liên quan đến việc tuyển dụng người tài năng, trong dự thảo luật ghi rõ: “Tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận chỉ áp dụng đối với trường hợp tuyển dụng người tài năng từ khu vực ngoài công lập hoặc tuyển dụng người có kinh nghiệm đáp ứng ngay nhu cầu của vị trí việc làm đang là viên chức…”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận quy định này “nghe có vẻ hay” nhưng sẽ rất khó thực hiện.
“Nếu chúng ta đã xác định ưu tiên cho người tài năng thì sao lại ràng buộc một số điều kiện, như phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm và phải là viên chức? Như vậy, người tài năng phải là viên chức mới được tuyển vào hay sao?” - ông Quảng đặt câu hỏi.
Theo ông, nếu là viên chức nằm trong hệ thống thì câu chuyện lại khác. Còn nếu tuyển người tài năng thì không nên ràng buộc bằng các tiêu chí, như thế mới thu hút được người tài.
Ngoài ra, ông Quảng cho rằng còn một vấn đề vướng mắc nữa, đó là không có cơ chế mở về hạn ngạch của công chức, viên chức.
“Với tình hình như hiện nay, nếu không có quy định mở cho việc tiếp nhận bao nhiêu phần trăm người tài năng trong số lượng biên chế được giao thì chúng ta cũng không làm được. Cuối cùng lại quay về câu chuyện chúng ta có chỉ tiêu hay không thì mới tiếp nhận được”.
Ông Quảng cũng nêu ra trường hợp rất đáng tiếc của Đà Nẵng, đó là chương trình đào tạo 500 người trẻ tài năng làm việc trong cơ quan nhà nước, nhưng vì không có biên chế nên chỉ tuyển dụng đối tượng này theo hình thức ký hợp đồng lao động. Khi thực hiện Nghị quyết 18, hơn 400 người bị loại ra khỏi hệ thống, “mà toàn là các cháu xuất sắc”.
“Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 900 người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường sẽ phải kết thúc hoạt động theo chủ trương tinh gọn bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp. Trong đó, một nửa là các cháu tài năng, thậm chí có cháu được đào tạo từ nước ngoài về, học đến trình độ tiến sĩ. Nhưng vì không có chỉ tiêu biên chế nên chúng tôi sử dụng bằng cách đưa về hoạt động không chuyên trách.
Vừa rồi đi tiếp xúc cử tri, thấy các cháu khóc mà chúng tôi cũng chảy nước mắt theo. Các cháu cống hiến mười mấy năm nay rồi mà bây giờ phải ra khỏi hệ thống…” - ông Quảng bùi ngùi chia sẻ.
Bí thư Đà Nẵng cho rằng chính sách tuyển dụng người tài năng rất đúng đắn, nhưng cơ chế sử dụng và tuyển dụng như thế nào để thực thi được trên thực tiễn thì Chính phủ phải có hướng dẫn. Nếu không, chính sách này sẽ chỉ dừng lại ở quy định mang tính tuyên ngôn.
Tạo môi trường bảo vệ tiếng nói phản biện
Trong khi đó, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (tỉnh Nghệ An), việc tháo gỡ thể chế để thu hút người tài đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong nhiều kỳ họp. Vấn đề này không chỉ liên quan đến hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước mà còn phản ánh năng lực cạnh tranh thể chế của quốc gia.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở thành yếu tố sống còn cho phát triển thì cải cách thể chế để thu hút, giữ chân và trọng dụng người tài trong khu vực công là yêu cầu cấp thiết.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có nhiều đề xuất quan trọng như nội dung về vị trí việc làm. Ảnh: Phạm Hải
“Tôi đánh giá cao một số đề xuất mới trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức lần này, đặc biệt là việc mở rộng cơ chế kết hợp hợp đồng linh hoạt với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thay vì ràng buộc họ vào biên chế suốt đời. Đây là cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với yêu cầu sử dụng nhân lực theo nhiệm vụ, theo dự án và theo giá trị tạo ra, thay vì theo niên hạn, ngạch bậc, bằng cấp” - ông Hiếu nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông, nếu chỉ dừng lại ở quy định thì chưa đủ. Điều quan trọng hơn là cần thay đổi tư duy về quản lý nguồn nhân lực khu vực công theo cơ chế thị trường.
"Tức là cần tạo ra cơ chế cạnh tranh công bằng với khu vực tư, cả về môi trường làm việc, cơ hội phát triển lẫn chính sách đãi ngộ. Điều này đòi hỏi phải tạo ra liên thông giữa khu vực công và tư, tức là cho phép sự dịch chuyển linh hoạt của nhân lực, đồng thời vẫn giữ được sự ổn định, công bằng và minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng và đánh giá.
Trong đó, việc thu hút người tài vào khu vực công trước hết cần dựa vào chế độ đãi ngộ tương xứng với giá trị và đóng góp của họ, tránh áp dụng cùng một mặt bằng lương cơ bản cho mọi chức danh như hiện nay" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cho rằng những cá nhân có trình độ, có chuyên môn đặc biệt, có thể giải quyết "bài toán" lớn, tạo ra tác động rõ ràng phải được trả lương cao hơn, tương xứng với giá trị thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng cơ chế đánh giá, sử dụng và trọng dụng minh bạch, theo kết quả.
“Người có năng lực phải được nhận nhiệm vụ rõ ràng, được đánh giá dựa trên kết quả cụ thể, không bị ràng buộc vào thâm niên hay các rào cản hành chính cứng nhắc.
Cuối cùng, chúng ta cần tạo môi trường làm việc năng động, sáng tạo và bảo vệ chính kiến chuyên môn. Không ai có thể phát huy năng lực nếu môi trường công vụ vẫn còn nặng tính mệnh lệnh, thiếu khuyến khích đổi mới và không bảo vệ những tiếng nói phản biện” - ông Hiếu khẳng định.
Nguyễn Thảo
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/co-chau-hoc-tien-si-nuoc-ngoai-ve-chi-duoc-ky-hop-dong-gio-phai-ra-khoi-he-thong-2400758.html