Sáng 4-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Vướng ở đâu, gỡ ở đó
Theo mục tiêu tăng trưởng GDP, Việt Nam phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Do đó, nhu cầu điện phải tăng từ 12%-16%/năm. Phát triển năng lượng xanh và bền vững là yêu cầu cấp bách, trong đó phát triển ĐHN là một trong những biện pháp để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với xu thế thế giới.
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ mục tiêu, lộ trình; nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo, từng bộ, ngành, địa phương phải thực hiện trong phát triển hạ tầng; di dân tái định cư; vấn đề chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; chủ đầu tư; xác định nguồn vốn; các cơ chế chính sách; những vấn đề vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, trên tinh thần vướng ở đâu thì gỡ ở đó, xác định rõ ai giải quyết, bao giờ hoàn thành, kết quả là gì, tránh tình trạng trả lời "lòng vòng". "Phát triển ĐHN, xây dựng nhà máy ĐHN là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, vấn đề khó, nhạy cảm nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng; phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cần thiết thành lập tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách giúp Ban Chỉ đạo" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: VGP
Theo các báo cáo và ý kiến tại phiên họp, sau phiên họp thứ nhất (ngày 15-1) của Ban Chỉ đạo, nhiều công việc đã được triển khai. Bộ Công Thương đang rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, trong đó bổ sung dự án ĐHN Ninh Thuận và nghiên cứu, quy hoạch phát triển các nhà máy ĐHN mới; báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán với các đối tác nước ngoài. Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề xuất sửa Luật Năng lượng nguyên tử; xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ đặc biệt cấp quốc gia về công nghệ và an toàn hạt nhân; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phục vụ phát triển ĐHN.
Ngày 25-11-2024, thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án ĐHN Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng hoạt động. Dự án ĐHN Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Giao EVN và PVN làm chủ đầu tư
Thủ tướng chỉ đạo phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, phấn đấu đến ngày 31-12-2030, chậm nhất đến 31-12-2031 hoàn thành xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù để triển khai dự án nhà máy ĐHN nhanh nhất, thuận lợi nhất trên tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng"; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính; những việc doanh nghiệp làm tốt thì giao cho doanh nghiệp làm.
Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2.
Về lựa chọn đối tác nước ngoài tham gia dự án, thực hiện theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ Chính trị; Thủ tướng yêu cầu EVN, PVN và các cơ quan ngay trong tháng 2, cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống.
Quy mô, công suất, tổng mức đầu tư các nhà máy được xác định trên cơ sở đàm phán với các đối tác và cập nhật phù hợp với tình hình mới, từ đó cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thủ tướng nhấn mạnh cần khẩn trương rà soát, tập hợp những người đã được đào tạo trong lĩnh vực ĐHN và các lĩnh vực liên quan, đào tạo bổ sung và có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực, trong đó cần chú ý người tổng chỉ huy, tổng công trình sư của dự án.
Thủ tướng chỉ đạo về bố trí vốn cho dự án, trong đó có việc sử dụng vốn dự phòng của năm 2025, làm ngay thủ tục để sử dụng nguồn vốn này trước ngày 15-2. "Việc lựa chọn nhà thầu, dù chỉ định thầu hay đấu thầu phải trong sáng, vì lợi ích chung, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho nhiều bộ, ngành. Theo đó, Bộ Công Thương khẩn trương trình dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh liên quan ĐHN, hoàn thành trước ngày 28-2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nhanh nhất các thủ tục, đề xuất các cơ chế, chính sách.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí dự phòng theo quy định pháp luật, nếu cần ứng trước, nhất là ứng vốn cho Ninh Thuận giải phóng mặt bằng, tái định cư. Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán việc đào tạo nguồn nhân lực cho dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định liên quan môi trường dự án...
Ổn định sinh kế
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, sẵn sàng bàn giao 1.600 ha đất sạch để triển khai dự án; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp nâng cấp sân bay Thành Sơn theo hướng lưỡng dụng để phục vụ và khai thác nhu cầu từ dự án nhà máy ĐHN và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận và khu vực. Bộ Tài chính cấp đủ ngân sách để trong năm nay hoàn thành việc di dời và ổn định nơi ở, sinh kế cho người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để khởi động dự án
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết ngay sau có chủ trương khởi động lại dự án, địa phương đã khẩn trương xúc tiến các nội dung liên quan; phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến thông tin chính xác, minh bạch về dự án trọng điểm quốc gia này để người dân và các nhà đầu tư an tâm.
Đến nay tỉnh đã được cấp 423 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương để triển khai Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án và phát triển khu dân cư đối với 2 vị trí xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2. Tỉnh đang triển khai 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại vùng ảnh hưởng bởi dự án. Ngoài ra, tỉnh cũng cử 88 học sinh, sinh viên tham gia học tập ngành công nghệ hạt nhân tại Liên bang Nga. Đến nay có 44 người về nước được EVN giới thiệu việc làm; 29 người tự tìm việc làm; 15 em chưa về nước.
Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải - nơi quy hoạch nhà máy điện hạt nhân 2. Ảnh: HỢP PHỐ
Sau khi công bố quy hoạch địa điểm, Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Ninh Thuận đã tuyên truyền vận động và đa số nhân dân vùng dự án đã chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng lòng tự nguyện chấp thuận di dời, bàn giao mặt bằng. Có 90% người dân được lấy ý kiến đồng thuận với việc triển khai dự án. Người dân trong vùng làm dự án cũng mong muốn sớm triển khai nhà máy, xây dựng lộ trình cụ thể, lựa chọn nhà thầu có năng lực cao để bảo đảm an toàn và có chính sách hỗ trợ thỏa đáng với người dân.
Tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐHN như: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) để đồng bộ với luật chuyên ngành về xây dựng, điện lực, bảo vệ môi trường; hệ thống các tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật về đầu tư ĐHN để có cơ sở pháp lý triển khai các công việc tiếp theo. Đồng thời, đề nghị Trung ương cho chủ trương để tỉnh sớm điều chỉnh quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung định hướng phát triển nhà máy ĐHN; lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; bố trí lại không gian, phân bổ, khoanh vùng đất đai, quy hoạch xây dựng vùng phát triển ĐHN.
C.Tỉnh
LÊ THÚY