Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp - Ảnh: VGP
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, đã làm rõ những điểm mới nổi bật trong các văn bản pháp luật nêu trên và ý nghĩa trong bối cảnh phát triển thị trường điện hiện nay.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những điểm mới đáng chú ý trong Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và Nghị định 72/2025/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện? Những thay đổi này có ý nghĩa ra sao đối với việc vận hành thị trường điện minh bạch, hiệu quả và theo cơ chế thị trường?
Ông Lê Đại Hải: Luật Điện lực năm 2024 được ban hành thay thế cho Luật Điện lực cách đây 20 năm, do đó có rất nhiều thay đổi về chính sách, nhất là chính sách liên quan đến giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Cụ thể, tại khoản 12 của Điều 5 Luật Điện lực năm 2024 quy định về chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện. Theo đó, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước và phù hợp với cấp độ thị trường điện lực cạnh tranh, trong đó giá bán điện phải bảo đảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực.
Quy định mới này tạo cơ sở pháp lý quan trọng để việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được thực hiện kịp thời theo biến động của các thông số đầu vào, từng bước tiến tới áp dụng cơ chế thị trường hoàn chỉnh khi hình thành được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ phản ánh và được điều chỉnh linh hoạt theo biến động thực tế, bảo đảm chi phí hợp lý, có lợi nhuận phù hợp để doanh nghiệp duy trì, phát triển vốn kinh doanh trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và cấp độ thị trường điện lực.
Một điểm khác biệt lớn so với trước đây là khi thị trường bán lẻ điện được vận hành theo cơ chế thị trường, giá bán lẻ điện sẽ được tính toán theo thông số đầu vào, đảm bảo doanh nghiệp có mức lợi nhuận hợp lý. Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, giá bán lẻ điện vẫn chịu sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước do đây là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động rộng lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, cũng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Dù các yếu tố hình thành giá đã phần nào tuân theo cơ chế thị trường, phần giá bán lẻ đầu ra vẫn bị kiểm soát, khiến doanh nghiệp điện lực không chủ động được về tài chính. Thực tế, nhiều năm qua, dư luận từng chứng kiến các thông tin về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng do chi phí đầu vào theo thị trường nhưng giá bán lại do Nhà nước kiểm soát. Doanh nghiệp từ đầu năm đã có thể tính được mức lỗ dự kiến theo sản lượng điện tiêu thụ.
Nghị định 72/2025/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết vấn đề này. Nghị định đã nêu cơ chế điều chỉnh giá một cách linh hoạt, trong đó tại Điều 5 quy định nếu giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, thì giao toàn quyền điều chỉnh giảm tương ứng cho doanh nghiệp, trong trường hợp này thì nhà nước không cần kiểm soát. Tức là có một cái van hai chiều, khi giá giảm thì doanh nghiệp phải giảm giá theo và khi tăng giá thì có quy định nếu giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 2% đến dưới 5% so với giá hiện hành, thì doanh nghiệp báo cáo Bộ Công Thương cho ý kiến để làm cơ sở tăng giá bán lẻ điện.
Nếu giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành, doanh nghiệp báo cáo Bộ Công Thương chấp thuận để làm cơ sở tăng giá bán lẻ điện, tức là Bộ Công Thương sẽ kiểm soát việc tính toán hình thành giá cho doanh nghiệp có bảo đảm không, từ đó chấp thuận cho doanh nghiệp tăng giá bán lẻ điện từ 5-10%. Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 10% trở lên so với giá hiện hành, doanh nghiệp báo cáo Bộ Công Thương để kiểm tra, rà soát và báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Theo quy định, mặc dù đã có cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt nhưng trong tất cả mọi trường hợp tăng giá thì đều phải có sự thẩm tra, rà soát, đánh giá của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt phải có ý kiến của Chính phủ. Nếu phát hiện ra tính toán giá bán lẻ điện có sai sót thì Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp dừng việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Như vậy, các quy định, điều chỉnh trong Luật Điện lực và Nghị định 72/2025/NĐ-CP sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của thị trường, thông qua việc tăng tính tự chủ của doanh nghiệp (cụ thể ở đây là EVN) với nhiều mức điều chỉnh giá bán lẻ điện trong phạm vi khung giá bán lẻ điện được Thủ tướng quy định trên cơ sở chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ.
Đồng thời, phân định rõ ràng trách nhiệm của doanh nghiệp và Nhà nước, tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, giám sát nhà nước khi các tính toán của doanh nghiệp đều được rà soát, kiểm tra và cho ý kiến.
Từ đó, có cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở đảm bảo việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được tính toán theo quy định pháp luật hiện hành, giảm tối đa các sai sót có thể xảy ra trong quá trình điều hành giá bán lẻ điện.
Ngoài ra, những thay đổi này còn góp phần thúc đẩy cơ chế mua bán trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn theo Nghị định 57/2025/NĐ-CP khi mà kết quả rà soát, kiểm tra của Bộ Công Thương theo Nghị định 72/2025/NĐ-CP là cơ sở để xác định chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện tính cho một đơn vị điện năng, tạo tiền đề cho việc hình thành một thị trường bán lẻ điện minh bạch, hiệu quả.
Luật Điện lực (sửa đổi) đã có nhiều thay đổi quan trọng trong cơ chế xác lập giá điện. Theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất để bảo đảm tính minh bạch, ổn định và có thể dự báo trong điều hành giá điện?
Ông Lê Đại Hải: Với nhiều thay đổi trong cơ chế xác lập giá bán lẻ điện theo quy định tại Luật Điện lực 2024 thì yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo tính minh bạch, ổn định và có thể thể dự báo trong điều hành giá bán lẻ điện là các công thức tính toán xác định giá bán lẻ được cụ thể hóa, phản ánh trung thực doanh thu, chi phí, lợi nhuận hợp lý, hợp lệ của đơn vị và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát cho ý kiến trước khi áp dụng.
Cơ chế điều chỉnh giá điện định kỳ theo Nghị định 72 có thể được xem là bước tiến tất yếu trong tiến trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Theo ông, vì sao điều này lại cần thiết trong giai đoạn hiện nay?
Ông Lê Đại Hải: Việc xác định, điều chỉnh giá bán lẻ điện định kỳ theo Nghị định 72/2025/NĐ-CP góp phần thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện sử dụng năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn theo Nghị định 57/2025/NĐ-CP. Kết quả rà soát, kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ là cơ sở để xác định chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện cho mỗi đơn vị điện năng, từ đó tạo tiền đề hình thành thị trường bán lẻ điện minh bạch, hiệu quả.
Bên cạnh đó, điều chỉnh giá bán lẻ điện định kỳ giúp doanh nghiệp sớm phản ánh đúng chi phí đầu vào, tránh tình trạng doanh nghiệp gánh lỗ khi các thông số đầu vào tăng mạnh. Ngoài ra, việc quy định rõ các mức điều chỉnh, phân rõ vai trò doanh nghiệp và Nhà nước sẽ giảm sự tùy tiện và tăng trách nhiệm giải trình, một đặc trưng không thể thiếu trong thị trường điện cạnh tranh, đồng thời giúp khách hàng sử dụng điện hiểu rõ nguyên nhân điều chỉnh giá và tạo sự đồng thuận cao hơn.
Tín hiệu về điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Nghị định 72/2025/NĐ-CP là bước tất yếu để dần hình thành cơ chế thị trường cho các loại hình năng lượng; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tiến tới xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.
Như ông đã đề cập ở trên, trong khi giá điện mua vào áp dụng theo cơ chế thị trường thì giá điện bán ra lại chịu sự quản lý của nhà nước. Vậy trong bối cảnh chi phí đầu vào của ngành điện liên tục tăng cao, nếu không kịp thời điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an ninh năng lượng quốc gia và khả năng thu hút đầu tư vào hạ tầng điện, thưa ông?
Ông Lê Đại Hải: Điều này chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ. Việc không kịp thời điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính ngành điện, không tạo áp lực để sử dụng tiết kiệm điện và hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng mà còn đe dọa trực tiếp an ninh năng lượng quốc gia, làm chậm quá trình hiện đại hóa hạ tầng điện và mất cơ hội thu hút đầu tư chiến lược. Một cơ chế giá điện linh hoạt, minh bạch và có thể dự báo là điều kiện tiên quyết để bảo vệ cả nền kinh tế và môi trường đầu tư dài hạn.
Khi giá điện không phản ánh đúng chi phí đầu vào, các doanh nghiệp điện lực sẽ chịu thua lỗ kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thanh toán cho các nhà máy điện. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nhiên liệu, làm suy giảm khả năng vận hành liên tục của các nhà máy điện và tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn, ảnh hưởng đến uy tín và năng lực tài chính.
Việc không kịp thời điều chỉnh giá điện còn gây áp lực lớn lên việc cân đối vốn đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán cho các dự án nguồn điện, cũng như công tác sửa chữa, bảo dưỡng các công trình điện nhằm đảm bảo vận hành an toàn, ổn định trong các năm tiếp theo. Về lâu dài, tình trạng này sẽ cản trở quá trình thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh, làm suy giảm hiệu quả và tính bền vững của toàn hệ thống.
Ngoài ra, các dự án điện mới, đặc biệt là điện LNG, điện tái tạo có lưu trữ, điện gió ngoài khơi đều đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi dài. Chi phí mua điện từ các dự án này sẽ được phản ánh sang giá bán lẻ điện qua các hợp đồng mua bán điện với doanh nghiệp. Nếu giá điện không đảm bảo tính minh bạch và khả năng hoàn vốn, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang thị trường khác, làm chậm tiến độ bổ sung nguồn điện trong tương lai.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Anh Thơ (thực hiện)