Có chế tài để vừa chia sẻ thông tin, vừa bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân

Có chế tài để vừa chia sẻ thông tin, vừa bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân
6 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức: Hoàn thiện hành lang pháp lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội lớn của cả nước, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều này thể hiện rõ khi TP. Hồ Chí Minh có mật độ dân số cao nhất cả nước, là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính, cơ quan hành chính với lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ, khiến thành phố trở thành mục tiêu hàng đầu của tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, đánh cắp thông tin để thực hiện lừa đảo.
Trên cơ sở khảo sát thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, cần quan tâm xây dựng hành lang pháp lý để bảo đảm các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức đóng vai trò kiểm soát và sử dụng dữ liệu, hay các bên thứ ba có liên quan, đều phải tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều này bao gồm việc tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình tạo lập, thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu, bảo đảm tính ứng dụng thực tế trong cuộc sống.
Đồng thời, cần nâng cấp hệ thống cả về kỹ thuật và con người, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và các quy định đặt ra. Bởi, để bảo đảm tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia và bộ phận chuyên trách thực hiện việc giám sát, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, hiện nay, tình trạng tội phạm sử dụng dữ liệu cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng cũng như xâm phạm lợi ích quốc gia đang diễn ra rất phức tạp. Chúng ta đã triệt phá nhiều vụ án, nhưng vấn đề cốt lõi là phải xác định rõ nguồn gốc của những dữ liệu cá nhân này.
Kết quả điều tra cho thấy, thông tin cá nhân có thể bị thu thập và rao bán qua nhiều hình thức khác nhau. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường sử dụng phương thức ẩn danh, mã hóa tinh vi. Cũng có trường hợp người dùng vô tình để lộ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Các đối tượng tội phạm có thể sử dụng phần mềm, công cụ phân tích dữ liệu thông minh để tổng hợp, đánh giá và tạo thành kho dữ liệu cá nhân để mua bán, khai thác trái phép.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng dự luật lần này là phải xác định rõ nguyên nhân và hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn các hành vi vi phạm, giảm thiểu tối đa điều kiện để các đối tượng có thể lợi dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu quản lý nhà nước, việc chia sẻ dữ liệu công dân vẫn là tất yếu. Do đó, cần có chế tài vừa bảo đảm việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý, vừa bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân.
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại UB Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Vũ Xuân Hùng: Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng là thách thức lớn
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Vũ Xuân Hùng
Trong bối cảnh chiến lược chuyển đổi số, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng trở nên quan trọng. Bởi, dữ liệu là tài nguyên chiến lược quốc gia, là “máu” của nền kinh tế, phục vụ sự phát triển đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên số nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hiện, văn bản mới nhất liên quan đến dữ liệu cá nhân là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17.4.2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Qua khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp về công nghệ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho thấy, việc thực thi Nghị định này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số doanh nghiệp có nền tảng công nghệ đã đưa ra các giải pháp triển khai, tuy nhiên, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, dẫn đến nhiều rào cản trong quản lý dữ liệu cá nhân.
Là cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân, Công an TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, bổ sung một số vấn đề về xử lý vi phạm trong quá trình thu thập, lưu trữ, kiểm soát, sử dụng dữ liệu cá nhân; lưu giữ và xóa dữ liệu trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, phường; thời hạn xóa dữ liệu cá nhân trong 72h đã hợp lý và khả thi chưa?...
Ngoài ra, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội cũng là một thách thức lớn. Dự kiến dự thảo Luật Dữ liệu cá nhân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín tới đây và sau đó sẽ xem xét, thông qua. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của dự luật này trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại UB Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trần Đức Thuận: Rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trần Đức Thuận
Thời gian qua, Công an TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm đến công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.
Về chế tài xử phạt vi phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, hiện vẫn còn những bất cập. TP. Hồ Chí Minh có lực lượng Công an thành phố và các đơn vị an ninh mạng chuyên trách, có kinh nghiệm xử lý nhiều vụ án liên quan đến xâm phạm dữ liệu cá nhân, tấn công mạng, lừa đảo công nghệ cao. Đây là lực lượng chủ chốt trong phát hiện, điều tra và xử lý các vi phạm về dữ liệu cá nhân. Đề nghị cần làm rõ hơn thực trạng vi phạm đã phát hiện được cũng như cách thức và quy trình xử lý hiện có hạn chế gì, cần điều chỉnh ra sao để bảo đảm tính răn đe và hiệu quả thực thi.
Tội phạm công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân nhằm thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hệ thống chính quyền điện tử, cơ sở dữ liệu dân cư, dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, việc số hóa mạnh mẽ cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về bảo mật dữ liệu, bảo đảm thông tin cá nhân không bị lộ lọt, bị lợi dụng. Vậy, các loại tội phạm nào đang diễn ra phổ biến nhất? Các phương thức, thủ đoạn có gì mới so với trước đây?
Bên cạnh đó, cần làm rõ việc quản lý dữ liệu nội bộ. Bởi, các cơ quan, tổ chức đều lưu trữ lý lịch trích ngang của cán bộ, nhân viên, trong đó chứa nhiều thông tin dữ liệu cá nhân. Cần có thêm biện pháp gì để bảo đảm an toàn thông tin cho chính lực lượng thực thi pháp luật? Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nhằm bảo đảm hiệu quả trong thực tế.
Bài và ảnh: Tịnh Hà
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/co-che-tai-de-vua-chia-se-thong-tin-vua-bao-ve-bi-mat-du-lieu-ca-nhan-post410254.html