Có chính sách khuyến khích để thu hút và giữ chân cán bộ giỏi về công tác tại xã

Có chính sách khuyến khích để thu hút và giữ chân cán bộ giỏi về công tác tại xã
5 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) ký ban hành Công văn số 14 hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: VGP)
Theo đó, một trong những vấn đề hiện nay là sự không thống nhất trong quy định pháp lý về thẩm quyền thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 và Nghị định số 118/2025 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa và cổng dịch vụ công quốc gia.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể, rõ về thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công để địa phương áp dụng thống nhất.
Bộ Nội vụ cũng được giao nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp xã).
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm: Tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; tiêu chí, điều kiện, thủ tục công nhận xã đảo, xã an toàn khu, vùng an toàn khu; tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố; các quy định về trình tự lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
"Có các giải pháp tăng cường đội ngũ nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ cho cấp xã; thực hiện chính sách khuyến khích hợp lý để thu hút và giữ chân cán bộ giỏi về công tác tại cơ sở", công văn nêu rõ.
Về vấn đề tài chính, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về định mức, tiêu chuẩn đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến công tác giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm dịch vụ công.
Bộ Tài chính cần tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền để cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí đối với nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng nghỉ theo chế độ tại Nghị định số 178/2024 và Nghị định số 67/2025 của Chính phủ.
Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo, Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền đối với các kiến nghị của địa phương về trụ sở làm việc, phương tiện phục vụ công tác cho cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.
Làm rõ thẩm quyền giữa cấp xã và Sở GD&ĐT
Công văn cũng nêu, một trong những bất cập lớn hiện nay là việc chồng chéo thẩm quyền giữa UBND cấp xã và Sở Giáo dục và Đào tạo trong quản lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức ngành giáo dục.
Ban Chỉ đạo dẫn khoản 10, Điều 23 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 quy định thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình....
Trong khi đó, điểm b, khoản 4 Điều 20 Nghị định số 142/2025 của Chính phủ về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang giao trách nhiệm cho Sở Giáo dục và Đào tạo: Thực hiện tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá... đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Việc quy định như trên gây khó khăn cho địa phương khi trên địa bàn của các tỉnh, thành phố có số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo lớn. Đơn cử như Cần Thơ có 1.059 đơn vị sự nghiệp công lập do 103 UBND cấp xã quyết định thành lập, trường hợp giao Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng, sử dụng, quản lý gây khó khăn cho cấp xã và chưa phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền.
Do đó, Ban Chỉ đạo giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể, rõ thẩm quyền quản lý đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn tiêu chí và quy trình để xác định nội dung quy định tại Thông tư số 20/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập) làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện đúng quy định.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành các quy định để đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, nhất là xã hội hóa đối với cấp học mầm non và tiểu học; hướng dẫn cụ thể về thực hiện xã hội hóa và cơ chế giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục để giảm tải áp lực về biên chế giáo viên.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và số hóa
Ban Chỉ đạo giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất phương án tổng thể về hoàn thiện chất lượng cơ sở hạ tầng công nghệ, hạ tầng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động, vận hành của Trung tâm phục vụ hành chính công của các xã, phường, các tỉnh, thành phố và liên thông với các bộ, ngành, Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm thông suốt, đồng bộ về thủ tục hành chính.
Bộ Khoa học và Công nghệ cần đề xuất Chính phủ, Thủ tướng để có các giải pháp hoàn thiện hạ tầng số, nhất là những nơi có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới, vùng "lõm sóng" để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống.
Một nội dung quan trọng khác là các bộ, cơ quan ngang bộ kịp thời ban hành tiêu chí xếp hạng và sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định tiêu chí xếp hạng đối với ngành, lĩnh vực có thay đổi khi sắp xếp tổ chức; ban hành và hướng dẫn tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.
Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công.
Các bộ, cơ quan ngang bộ cần tham mưu Thủ tướng sửa đổi, bổ sung các Quyết định ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực đang có hiệu lực hiện nay; cần bổ sung nội dung quy định về việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương, thống nhất với quy định tại Nghị định số 60/2021 của Chính phủ.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ ngành thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quyền địa phương cấp xã các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Nội dung tập huấn cần thiết thực, để áp dụng ngay vào công việc.
Anh Văn
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/co-chinh-sach-khuyen-khich-de-thu-hut-va-giu-chan-can-bo-gioi-ve-cong-tac-tai-xa-ar953550.html