Có chuyện cấp dưới báo cáo không trung thực lên cấp trên về tỉ lệ che phủ rừng

Có chuyện cấp dưới báo cáo không trung thực lên cấp trên về tỉ lệ che phủ rừng
4 giờ trướcBài gốc
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, câu chuyện về quản lý, bảo vệ rừng, về trồng rừng thay thế, chất lượng rừng lại một lần nữa ‘nóng’ lên, được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra thảo luận.
Khi rừng mất đi, đến mùa mưa lũ thì chống chọi thế nào?
Trao đổi với PLO bên hành lang QH, ĐB Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị), cho hay tỉ lệ che phủ rừng là 42% nhưng trong số này bao gồm cả rừng sản xuất, đến chu kỳ lại khai thác và trồng mới lại, tỉ lệ rừng nguyên sinh còn rất ít.
"42% nhưng chất lượng để chúng ta vững tin vào đất rừng thì tôi nghĩ con số này chỉ còn một nửa, còn một nửa là rừng sản xuất. Chúng ta nhìn trên bản đồ, việc khai thác và trồng thay thế gần như tương đương, đó là quan ngại rất lớn. Khi rừng mất đi thì mùa mưa lũ sẽ xảy ra những hậu quả rất đáng tiếc” - ĐB Minh nói.
ĐB Hồ Thị Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị). Ảnh: QH
Hiện nay theo quy định, với các diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng khác đều phải thực hiện trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, ĐB đoàn Quảng Trị lại lo ngại rừng trồng thay thế chủ yếu là rừng trồng sản xuất nên tỉ lệ này chỉ tăng giảm hàng năm chứ không bền vững.
"Các vị ĐBQH đi bất cứ địa phương nào đều nhận thấy màu xanh của rừng không bền vững, chủ yếu là keo, bạch đàn, khá hơn một chút là cao su. Đây đều là những cây có khả năng giữ đất không cao, với chu kỳ khai thác ngắn, có khi chỉ 3-5 năm khiến đồi, núi lại trọc”.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)
“Chúng ta phải tính toán lại, trồng các nhóm gỗ có tuổi thọ 30-40 năm, để các rừng trồng thay thế này thành rừng nguyên sinh. Chứ không thể trồng thay thế theo chu kỳ rồi thu hoạch, rồi lại trồng mới. Như vậy, hiệu quả chỉ là trước mắt, còn về lâu dài chúng ta thấy tác động biến đổi khí hậu sẽ gây hệ lụy rất lớn. Thực tế những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng rất lớn ở nhiều địa phương”- vẫn lời ĐB Minh.
Độ che phủ có tỉ lệ thuận với chất lượng rừng?
ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn, lo ngại về độ che phủ và chất lượng rừng hiện nay.
Theo ĐB, qua các buổi khảo sát thực tế, tiếp xúc cử tri ở những xã vùng sâu vùng xa, những dữ liệu ghi nhận được khiến ông băn khoăn về số liệu, về tỉ lệ che phủ rừng. “Có câu chuyện xã báo cáo không trung thực với huyện, huyện báo cáo không trung thực với tỉnh, như vậy tỉnh cũng báo cáo không trung thực với trung ương” - ông nói.
ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng). Ảnh: QH
Từ đó, ĐB đoàn Lâm Đồng cho rằng chúng ta cần phải kiểm đếm diện tích rừng toàn quốc một lần cho chính xác để xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai.
ĐB cũng cho rằng phải đảm bảo mật độ che phủ của rừng phòng hộ, tránh hiện tượng xâm lấn đất rừng để sử dụng vào mục đích khác. Bởi ông thấy ở đâu đó vẫn còn nhân nhượng với tình trạng này.
“Đã vi phạm vào rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì cần phải xử lý nghiêm minh. Đồng thời xác định ranh giới rừng giữa rừng phòng hộ, rừng sản xuất với đất nông nghiệp. Để chỉ cần nhìn bằng mắt thường có thể thấy ngay đây là ranh rừng sản xuất, hay đây là rừng phòng hộ. Người dân nhìn thấy cây đó bị chặt hạ thì họ có thể biết ngay đó là rừng gì. Như vậy mới có thể nâng cao hiệu quả giám sát, bảo vệ rừng” - ĐB Tạo nêu giải pháp quản lý rừng.
Đề nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế. Trong độ che phủ rừng hiện nay có rừng tự nhiên, rừng trồng, diện tích cây lâu năm…, Chính phủ cần thực hiện đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng với đa dạng sinh học, phòng chống lũ quét, sạt lở, tác dụng giữ nước…
ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)
Bên cạnh đó, ông cũng cho hay việc cắm mốc xác định đất nông lâm ở các địa bàn có rừng, ngay cả cột mốc phân định đất nông lâm, phần lớn còn trên bản đồ giấy. Đây là một bất cập. Vì vậy, các địa phương cần bố trí kinh phí để cắm mốc thực tế phân định đất nông, lâm nghiệp.
“Chúng ta phải hiểu rằng, diện tích đất lâm nghiệp một khi bị phá, một đêm có thể phá vài ngàn m2, ngay hôm sau chuyển giao hợp thức hóa thành đất nông nghiệp. Đó là điều rất vô lý nhưng đã diễn ra ở Tây Nguyên.
Còn quay trên ảnh chỉ thấy một màu xanh nhưng màu xanh đó không phải của rừng, mà là của cây công nghiệp lâu năm như cà phê, mắc ca…” - ĐB Nguyễn Tạo nói.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/co-chuyen-cap-duoi-bao-cao-khong-trung-thuc-len-cap-tren-ve-ti-le-che-phu-rung-post818852.html