Với bối cảnh sau dịch bệnh, chuyện nhà ở cho công nhân gần nhà máy là ưu thế cho lựa chọn. Bên cạnh là sự quan tâm, nhiệt tình thu hút đầu tư cũng như sự giữ chữ tín, lời hứa của chính quyền tỉnh Bình Thuận…
“Trên nóng, dưới bị lạnh theo…”
Đâu chỉ mỗi xã Đông Hà trong hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu bị mùi hôi từ các trại heo, gà làm mờ, che lấp đi bao thành tích đã đạt được mà đặt trong điều kiện phát triển chung ở đây, cả ở hiện tại và tương lai, hậu quả gây ra không nhỏ. Thế nên, nếu nhìn từ giữa năm 2023 đến thời điểm này, có thể nói UBND tỉnh đã liên tục ban hành các công văn chỉ đạo; cứ mỗi đợt từ 2-3 tháng có công văn nhắc nhở về các nội dung xoay quanh việc di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận tại thôn Nam Hà, xã Đông Hà, huyện Đức Linh.
Lãnh đạo tỉnh, huyện và các cơ quan chức năng kiểm tra môi trường ở Cụm công nghiệp Nam Hà, Đức Linh. Ảnh: N. Lân
Từ tháng 7/2023, UBND tỉnh có Công văn số 2437/UBND-KT về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Đức Linh. Trong đó, giao UBND huyện tập trung hỗ trợ, tìm vị trí đất phù hợp trên địa bàn huyện để đẩy nhanh tiến độ di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận (trại heo Vissan) đến vị trí mới trước ngày 30/12/2023. Cũng trong tháng 7/2023, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 3434/VP-KT thông báo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc đề nghị UBND huyện Đức Linh khẩn trương lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan thống nhất vị trí di dời xí nghiệp này để đẩy nhanh tiến độ di dời đến vị trí mới.
3 tháng sau, tức cuối tháng 10/2023, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 5406/VP-KT về việc chuyển Văn bản số 4727/Vissan ngày 14/10/2023 của Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản về việc công tác di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận nhằm bảo đảm an toàn sinh học và phù hợp định hướng phát triển kinh tế tại địa phương.
Trại chăn nuôi heo Vissan (ảnh N. Lân)
Sang năm 2024, từ tháng 2 đến tháng 9, UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, cụ thể như Công văn số 406/UBNDKT ngày 6/2/2024, Công văn số 2270/VP-KT ngày 6/5/2024, Công văn số 3161/VP-KT ngày 18/7/2024, Công văn số 5085/VP-KT ngày 18/9/2024… với cùng nội dung về việc di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận tại thôn Nam Hà, xã Đông Hà, huyện Đức Linh.
Điều đáng chú ý, trong mỗi công văn chỉ đạo đều có thời hạn báo cáo kết quả thực hiện nhưng hình như đều bị quá thời hạn nên trong các công văn từ tháng 4/2024 trở đi đã xuất hiện nhiều các từ của thúc giục: Khẩn trương, tập trung đôn đốc... Cụ thể, ngày 2/4/2024, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 1609/VP-KT, theo đó: “Giao UBND huyện Đức Linh khẩn trương triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại điểm 1 Công văn số 476/VP-KT ngày 6/2/2024...”. Rồi ngày 6/5/2024, UBND tỉnh có Công văn số 2270/UBND-KT; theo đó: “Giao UBND huyện Đức Linh tập trung đôn đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản xây dựng lộ trình, vị trí, kế hoạch di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận…”.
Cứ thế, sau mỗi văn bản chỉ đạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại có công văn về huyện Đức Linh. UBND huyện Đức Linh lại có công văn đến Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản rồi tổ chức làm việc nhưng không có kết quả khả quan. Đến tháng 9/2024, qua Báo cáo số 369, UBND huyện Đức Linh thông tin Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản có xây dựng 4 phương án cho lộ trình di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan và cả 4 đều sẽ hoàn thành vào khoảng nửa cuối năm 2028 đến năm 2029.
Một trại chăn nuôi bên cạnh cụm công nghiệp Nam Hà (Ảnh N. Lân)
Kiên trì từ hy vọng đổi thay
Trong thời gian trên, dù tỉnh, huyện nỗ lực kiểm soát môi trường, thông qua triển khai các giải pháp chung lẫn riêng cho từng trại chăn nuôi với thời hạn cụ thể nhưng thực tế, mùi hôi thối vẫn còn lan tỏa vào các cụm công nghiệp, khu dân cư liền kề. Chỉ có hộ chăn nuôi heo đã dừng. Trại gà Taffa Việt, dù đã triển khai các giải pháp như dịch chuyển chuồng trại xa hơn… nhưng thỉnh thoảng cũng vẫn còn mùi hôi. Tương tự, Trại gà Đức Phát vẫn chưa giảm mùi. Và bao trùm hơn tất cả, trại heo Vissan ở vị trí như vùng lõi của các cụm công nghiệp, khu dân cư luôn phát tán mùi hôi nồng nặc ra môi trường xung quanh khiến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ứng, báo chí phản ánh, chính quyền luôn ở trạng thái căng thẳng của kiểm soát nhưng bất thành nên chỉ có giải pháp là di dời. Điều đáng quan tâm là dù biết môi trường có mùi hôi nhưng những tập đoàn, doanh nghiệp vẫn đã và đang vào đầu tư tại các cụm công nghiệp Nam Hà, Đông Hà với hy vọng, tình trạng ô nhiễm môi trường trên sẽ được chính quyền địa phương giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất.
Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam
Như tại CCN Nam Hà, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam đã thuê lại 100% diện tích đất công nghiệp với mức đầu tư khoảng 170 triệu USD, thu nhận khoảng 27.000 công nhân. Giai đoạn 1 đã xây dựng và đưa vào sản xuất với vốn đầu tư khoảng 58 triệu USD, thu nhận đươc khoảng 2.300 công nhân và dự kiến đến quý I/2025 là khoảng 7.000 công nhân. Giai đoạn 2 & 3, dự kiến sẽ được xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất năm 2025-2027 với tổng số vốn đầu tư khoảng 112 triệu USD và thu nhận khoảng 20.000 công nhân.
Còn CCN Đông Hà rộng 38 ha, đã thu hút 5 nhà đầu tư Hàn Quốc và 2 doanh nghiệp trong nước. Hiện 3 nhà máy sản xuất Inox, phụ tùng ô tô, đồ gỗ đang hoạt động. 3 nhà máy khác sản xuất máy in, đóng gói bao bì đang trong quá trình xây dựng. Sắp tới, có thêm một tập đoàn khác vào xây dựng nhà xưởng cho thuê.
Một nhà máy trong Cụm công nghiệp Đông Hà (ảnh N. Lân)
Riêng tại CCN Nam Hà 2, vào ngày 2/11 tới, Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Hòa Long sẽ làm lễ khởi công xây dựng nhà xưởng theo tiêu chí xanh, sạch trên diện tích đã thuê 27 ha với số vốn đầu tư khoảng 1.745 tỷ đồng để thu nhận các nhà đầu tư thứ cấp có vốn FDI.
Qua tìm hiểu từ các nhà đầu tư này, ngay ban đầu, họ bị sức hút của sự bài bản trong đầu tư hạ tầng của các cụm công nghiệp nơi đây. Nhất là có 3 khu dân cư tập trung và đã xây dựng hoàn thiện các hạ tầng cơ sở như đường bê tông nhựa, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống cây xanh, hệ thống điện âm, chiếu sáng và sinh hoạt, cáp quang… và các công trình công cộng như chợ, trường học, phòng khám đa khoa, công viên thể dục thể thao, nhà máy xử lý nước thải…
Chợ Nam Hà, Đức Linh (ảnh N. Lân)
Khu dân cư Nam Hà, Đức Linh (ảnh N. Lân)
Trường mẫu giáo Nam Hà, Đức Linh (ảnh N. Lân)
Sân bóng đá mini trong khu dân cư Nam Hà, Đức Linh (ảnh N. Lân)
Đường giao thông khu dân cư Nam Hà, Đức Linh (ảnh N. Lân)
Công viên trong khu dân cư Nam Hà, Đức Linh (ảnh N. Lân)
Nhà máy xử lý nước thải trong Cụm công nghiệp Nam Hà, Đức Linh (ảnh N. Lân)
Tuyến đường Đông Hà – Gia Huynh (ảnh N. Lân)
Đường Z30A (ảnh N. Lân)
Với bối cảnh sau dịch bệnh, chuyện nhà ở cho công nhân gần nhà máy là ưu thế cho lựa chọn cũng là theo hướng sản xuất xanh. Bên cạnh là sự quan tâm, nhiệt tình thu hút đầu tư cũng như sự giữ chữ tín, lời hứa của chính quyền tỉnh Bình Thuận. Bằng chứng là tỉnh đã triển khai xây dựng, nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường Đông Hà – Gia Huynh, đường Z30A, tạo điều kiện cho các xe container vận chở hàng hóa ra vào và các xe buýt đưa rước công nhân; cùng việc đi đứng của hàng chục ngàn công nhân. Tỉnh cũng đã đẩy nhanh xây dựng và nghiệm thu trạm biến áp 110kV Đông Hà và Nhà máy nước sạch Đông Hà, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy tại các cụm công nghiệp.
Hạ tầng trong Cụm công nghiệp Nam Hà được đầu tư bài bản. Ảnh: N. Lân
Trước mùi hôi vẫn còn, các nhà đầu tư thứ cấp trên luôn có yêu cầu nhà đầu tư hạ tầng phải có cam kết rõ ràng về thời gian chấm dứt mùi hôi để họ còn mạnh dạn trong đầu tư cũng như bảo đảm sức khỏe của người lao động. Đồng thời, họ cũng tin tưởng chính quyền tỉnh sẽ giải quyết sớm chuyện di dời các trại chăn nuôi, vốn đang đứng ở vị thế như đối đầu, án ngữ, cản trở, kìm hãm sự phát triển chung.
Bởi ngay bên cạnh, tỉnh Đồng Nai như các nhà đầu tư biết, đến thời điểm này đã di dời hơn 1.700 cơ sở chăn nuôi heo, gà trong đó có các trại của doanh nghiệp FDI, tức trong quy hoạch của giai đoạn trước nhưng bây giờ gây ảnh hưởng môi trường; không còn phù hợp với nhu cầu phát triển chung hiện tại. Điều đáng nói là không phải trại chăn nuôi nào ở tỉnh này khi di dời cũng có khu vực khác để di dời đến như vùng Đức Linh, Bình Thuận và bắt buộc phải thực hiện là dừng vào đầu năm 2025.
Bài 1: Lòng dân hướng về sự phát triển chung
Bài 3: Có nên mất 4-5 năm để di dời trại heo Vissan?
BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN